Y học phương Đông chọn ra ngũ tạng: tim, gan, tì, phế, thận là các bộ phận quan trọng trong thân thể con người.
Trong bào chế thuốc hay các món ăn có ngũ vị tạo hương thơm, khử độc như hồ hương, minh hương, quế chi, tô mộc, hồng hoàng…
âm nhạc thời xưa có ngũ âm. Đó là cung, thương, giốc, chủng, vũ. Nguyễn Du viết: “Cung thương lầu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”.
Các cụ ta đã chọn 5 thứ lương thực quan trọng nhất đứng đầu là lúa gạo, ngô, đậu… gọi là ngũ cốc.
Tích cũ ghi lại: Trên trời có mây ngũ sắc xuất hiện là điềm báo quốc gia hưng thịnh. Trai gái yêu nhau tặng nhau chiếc khăn thêu chỉ ngũ sắc: “Chỉ ngũ sắc xanh, đỏ, tím, vàng/ Bùa yêu ăn phải dạ càng ngẩn ngơ”. Ngũ sắc là năm mầu cơ bản trong thiên nhiên. Từ năm mầu đó ta có thể pha trộn được thành các mầu khác nhau. Năm mầu đó là: xanh, trắng, đỏ, tím, vàng.
Ngày tết cổ truyền dân tộc ta từ thời xưa đến giờ, nhà nào cũng phải chuẩn bị mâm ngũ quả để cúng ông bà, tổ tiên. Đó là năm thứ quả, thông thường là chuối, bưởi, táo, hồng, cam. Tuỳ từng vùng miền, ta có thể dùng các loại quả quý thơm ngon ở quê mình để bầy mâm ngũ quả ngày Tết.
Mùa xuân mới về, ai cũng xin mình được Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Phúc là đức độ, hạnh phúc. Lộc là có nhiều điều may mắn về kinh tế, của cải vật chất. Thọ là sống lâu, sống khỏe, minh mẫn. Khang là sức khoẻ dồi dào. Ninh là bình yên, êm ấm. Đó là ngũ phúc.
Con số 5 quả là lý thú!