
Tập đoàn FPT hướng đến mục tiêu phổ cập công nghệ tiên tiến này đến mọi tầng lớp doanh nghiệp và tổ chức. Với hệ sinh thái FPT.AI được thiết kế theo định hướng toàn diện, FPT.AI đang cung cấp một loạt giải pháp công nghệ từ nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tổng hợp tiếng nói, chatbot, trợ lý ảo, đến trích xuất tài liệu và phân tích hình ảnh.
Không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm, các giải pháp này đã được triển khai thực tế tại hơn 200 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, logistics, bán lẻ và đặc biệt là công nghiệp sản xuất. Theo thống kê từ FPT.AI , mỗi tháng, nền tảng FPT.AI đang xử lý hơn 200 triệu lượt giao tiếp khách hàng, hơn 50 triệu tài liệu được tự động hóa nhận dạng và bóc tách thông tin, góp phần giảm thiểu chi phí nhân sự và tăng tốc độ xử lý nghiệp vụ lên gấp nhiều lần.
Trên thực tế, FPT.AI đã cùng nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án trí tuệ nhân tạo thành công, tạo ra hiệu quả rõ rệt. Tại Công ty Tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam, Trợ lý ảo FPT.AI hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hơn 12 triệu cuộc gọi mỗi tháng, hoàn thành hơn 90% yêu cầu của khách hàng. FPT AI Engage giúp doanh nghiệp tiết kiệm 60% chi phí (chỉ số tương đương toàn thời gian (FTE) và chi phí viễn thông) . Ở lĩnh vực bảo hiểm, Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ứng dụng nền tảng FPT AI Read để bóc tách thông tin từ hơn 100.000 bộ hồ sơ giấy tờ mỗi tháng, giúp rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu bồi thường từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ. Trong ngành bán lẻ, các chatbot và voicebot tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ khách hàng 24/7, từ tư vấn sản phẩm đến kiểm tra bảo hành, với khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên và phản hồi theo ngữ cảnh.
Dù tiềm năng là rất lớn, nhưng thực tế triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Hồ Minh Thắng, có ba rào cản phổ biến mà doanh nghiệp Việt thường gặp.
Thứ nhất là dữ liệu. Hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn hóa hoặc chưa đủ dữ liệu để huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo chất lượng. Các thông tin bị phân tán, thiếu tính hệ thống khiến việc tích hợp gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai là năng lực nội bộ. Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mới, trong khi doanh nghiệp lại thiếu nhân sự có chuyên môn để tiếp cận và triển khai. Điều này dẫn đến tâm lý ngại đầu tư, lo ngại về rủi ro và khó khăn trong vận hành.
Thứ ba là tâm lý e ngại thay đổi. Với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc những đơn vị chưa có nền tảng số tốt, việc tiếp cận trí tuệ nhân tạo được xem như “đi trước thời đại”, trong khi thực tế trí tuệ nhân tạo ngày nay đã có những giải pháp đơn giản, chi phí phù hợp, có thể áp dụng ngay.
Nhận diện rõ những thách thức này, FPT.AI đang chuyển dịch từ cung cấp công nghệ sang cung cấp dịch vụ trí tuệ nhân tạo trọn gói – từ khâu khảo sát, tư vấn giải pháp, triển khai, đào tạo nhân sự đến hỗ trợ vận hành. Đặc biệt, các sản phẩm được tùy biến theo từng ngành nghề, từng quy mô doanh nghiệp, nhằm giảm độ phức tạp, tối ưu chi phí và nâng cao khả năng sử dụng.
“Chúng tôi xác định triết lý 'trí tuệ nhân tạo vì mọi người' – tức là đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo đến gần hơn với doanh nghiệp Việt, không phân biệt lớn nhỏ, không đặt rào cản kỹ thuật quá cao. Mỗi giải pháp đều được thiết kế dựa trên thực tiễn vận hành, hướng tới khả năng triển khai nhanh, đo được hiệu quả và nhân rộng dễ dàng,” ông Thắng nhấn mạnh.
Từ những thành công bước đầu trong triển khai trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn, Tập đoàn FPT đã vạch rõ định hướng chiến lược dài hạn dựa trên năm trụ cột phát triển cốt lõi: AI (Trí tuệ nhân tạo), Bán (Bán dẫn), Xe (Công nghệ Ô tô), Số (Chuyển đổi số) - Xanh (Chuyển đổi xanh)
Theo ông Hồ Minh Thắng, đây không chỉ là định hướng của riêng khối công nghệ, mà là kim chỉ nam để FPT định hình sản phẩm – dịch vụ cho toàn bộ hệ sinh thái trong giai đoạn 2025–2030. Trong đó, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò trung tâm, là nền tảng công nghệ dẫn dắt mọi đổi mới sáng tạo trong nội tại doanh nghiệp và trên thị trường.
Trước hết, FPT tập trung mở rộng hệ sinh thái sản phẩm trí tuệ nhân tạo theo chiều sâu và chiều rộng, hướng đến khả năng bao phủ toàn diện các chức năng của doanh nghiệp – từ Front Office (tiếp xúc và chăm sóc khách hàng), Back Office (kế toán, nhân sự, pháp lý...) đến các hoạt động trong chuỗi cung ứng, sản xuất và cả mô hình kinh doanh. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp tối ưu toàn bộ vận hành, gia tăng tốc độ xử lý và giảm thiểu chi phí hoạt động, đồng thời nâng cao khả năng phản ứng linh hoạt trước biến động thị trường.
Bên cạnh đó, khả năng tích hợp nhanh chóng và hiệu quả được xác định là yếu tố then chốt để thúc đẩy tốc độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn. Các sản phẩm của FPT được thiết kế với cấu trúc mở, có thể dễ dàng kết nối với hệ thống phần mềm sẵn có của doanh nghiệp chỉ trong thời gian ngắn. Việc này không chỉ rút ngắn thời gian triển khai mà còn giảm thiểu sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của khách hàng.
Không dừng lại ở phát triển nội bộ, FPT đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng và khả năng tùy biến của các giải pháp trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, FPT đang phối hợp cùng NVIDIA - công ty công nghệ hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo - xây dựng các chuẩn thiết kế (Blueprint) chuyên biệt cho từng ngành như ngân hàng, bán lẻ, sản xuất, logistics… Những Blueprint này đóng vai trò như bản đồ tổng thể, giúp doanh nghiệp dễ dàng định vị nhu cầu, lựa chọn giải pháp và triển khai trí tuệ nhân tạo theo cách tối ưu nhất cho ngành nghề của mình.
Đặc biệt, trong trụ cột phát triển bền vững, FPT đặt mục tiêu hướng đến các giải pháp “AI xanh” - vừa góp phần nâng cao hiệu suất năng lượng trong nhà máy, tối ưu lộ trình giao hàng để giảm phát thải CO₂, vừa ứng dụng AI để giám sát và cảnh báo sớm các rủi ro về môi trường. Đây cũng là định hướng được nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn như Rạng Đông, Hòa Phát, Vinamilk theo đuổi trong nỗ lực chuyển đổi xanh – một xu thế ngày càng rõ nét trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Chúng tôi không chỉ phát triển công nghệ để giải quyết các bài toán trước mắt, mà còn hướng đến việc kiến tạo tương lai cho doanh nghiệp Việt. FPT mong muốn trở thành đối tác đồng hành chiến lược – từ khâu xây dựng tầm nhìn, triển khai giải pháp đến đào tạo năng lực nội bộ – giúp doanh nghiệp từng bước chuyển đổi, từng bước làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo” - ông Hồ Minh Thắng nhấn mạnh.
Bài: Hồ Nga
Thiết kế: Đậu Đậu