Định hướng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Pháp

Năm 2000, xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Pháp đạt 1,24 tỷ USD, đến năm 2005 đạt 1,49 tỷ USD, năm 2007 là 1,97 tỷ USD và dự kiến năm 2008 sẽ đạt 2,37 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2007.

 

 

Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú và đa dạng, bao gồm: giày dép, dệt may, đồ gia dụng, hàng nông, lâm, thủy sản, đồ điện, điện tử, gốm sứ, cao su, than đá, đồ chơi, sản phẩm nhựa và hàng mây tre đan.

Giày dép: Nhu cầu tiêu thụ giày dép của Pháp khoảng 335 triệu đôi/năm (trung bình mỗi người Pháp dùng 5,22 đôi/năm). Ngoài số giày dép sản xuất trong nước, Pháp phải nhập khẩu 215 triệu đôi/năm, tương 2,5 tỷ USD/năm. Hiện nay, giày dép của Việt Nam xuất khẩu vào Pháp và EU đang gặp bất lợi do bị áp thuế chống bán phá giá 10%. Mặc dù vậy, dự kiến xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Pháp năm 2008 sẽ đạt 769,3 triệu USD, tăng 15% so với năm 2007.

Dệt may: Pháp là một trong những nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam tại EU. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Pháp năm 2007 đạt gần 150,5 triệu USD. Trong năm 2008, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 15% so với năm 2007. Mặc dù có lợi thế về giá nhân công rẻ, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, ưu thế này sẽ không kéo dài. Trong khi đó, Việt Nam đang bị thiếu hụt lớn về nguyên vật liệu và các sản phẩm phụ trợ. Hiện nay, các nguyên vật liệu cho ngành dệt may Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là điều rất bất lợi cho dệt may của Việt Nam khi phải cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường Pháp và EU.

Gỗ và các sản phẩm gỗ: Hiện nay, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Pháp còn rất lớn. Mỗi năm Pháp phải nhập khẩu khoảng 16 tỷ USD. Xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong năm 2007 đạt 2,405 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Pháp đạt 92,74 triệu USD. Dự kiến, năm 2008 xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, tăng 30% so với năm 2007. Riêng tại thị trường Pháp, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt khoảng 120 triệu USD trong năm 2008.

Thủy sản: Pháp là nước nhập khẩu thủy sản lớn thứ 4 thế giới và thứ 2 trong EU. Kim ngạch nhập khẩu hàng thuỷ sản hàng năm của nước này chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu lương thực, thực phẩm của nước này. Trong đó, mặt hàng tôm được tiêu thụ nhiều nhất với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 950 triệu USD, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Pháp mặt hàng cá philê đông lạnh, tôm đông lạnh và thuỷ sản đóng hộp với kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 63,64 triệu USD. Xuất khẩu thuỷ sản năm 2008 của Việt Nam sang Pháp có thể tăng 25% so với năm 2007, đạt khoảng 95 triệu USD.

Ngoài những mặt hàng trên, cà phê, cao su, gốm sứ  và các sản phẩm đá quý cũng là những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Pháp tương đối lớn, với tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến khoảng 25% mỗi năm.

Trong khuôn khổ WTO, Pháp cùng EU thực thi chính sách thương mại, đồng thời tìm kiếm giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thực thi chính sách cải cách kinh tế có hiệu quả.

Khung pháp lý về thị trường Pháp đã mở hoàn toàn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tất cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp đều không bị áp hạn ngạch. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần chú ý: Mọi hàng hóa nhập khẩu của Pháp đều được quản lý bằng chính sách thương mại chung của EU, phải chịu giám sát của Hải quan và phải kê khai với hải quan bằng văn bản, trong đó ghi rõ giá trị thuế quan, xuất xứ hàng hóa và phân loại hàng hóa theo biểu thuế quan: các nhóm hàng hóa bị hạn chế hoặc cấm nhập khẩu./.

 

Vinanet

  • Tags: