Đã chuẩn bị vào mùa du lịch, vậy mà năm nay, do suy thoái kinh tế, khách du lịch thưa vắng khiến cho tình hình sản xuất, xuất khẩu nón của Doanh nghiệp Hùng Hương, làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội vẫn chỉ “túc tắc” qua ngày. “Mấy năm trước nón xuất khẩu được nhiều, mỗi đơn hàng tới hàng vạn sản phẩm. Giờ chỉ khoảng 1.000 đến 1.500 cái. Khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ, vì nhiều lý do, nhưng cốt là để giữ lấy “hồn làng nghề”, tâm sự của chị Tạ Thị Thu Hương, nghệ nhân, người con gái của làng nón Chuông, cũng là chủ Doanh nghiệp Hùng Hương khiến nhiều người yêu nón, quan tâm tới các sản phẩm làng nghề đều không khỏi cảm thấy suy nghĩ.
Chuyện chiếc nón làng Chuông
Đã từ lâu, nghề làm nón ở làng Chuông luôn có nguy cơ bị mai một bởi sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường. Có những lúc người làm nón không sống nổi với nghề vì mỗi chiếc nón chỉ đong được một cân gạo tẻ. Giữa lúc ấy, người con gái làng Chuông Tạ Thị Thu Hương - con gái nghệ nhân Phạm Thị Điền đã lặn lội ngược xuôi tìm đầu ra cho chiếc nón quê. Trời không phụ lòng người, lúc đó, một công ty đã đặt chị làm 20.000 chiếc nón xuất đi Nhật. Sau chuyến xuất ngoại đầu tiên thành công, nón làng Chuông đều đặn lên máy bay sang Nhật, rồi Hàn Quốc, Malaysia… Tiếng lành đồn xa, từ đó nhiều khách nước ngoài đã tìm về làng Chuông đặt chị Hương làm nón. Ban đầu chỉ là hai loại truyền thống là nón tròn và nón quai thao, dần dần chị sáng tạo thêm các loại nón mới là nón to, nón bộ, nón chao đèn, nón lụa… tính ra có đến 50 - 60 chục mẫu. Người làng Chuông và những chiếc nón bé nhỏ đã dần hiểu được “sứ mệnh” lớn lao của mình trước những người khách du lịch hâm mộ tìm về.
Sau đó không lâu, nón làng Chuông được cùng người Việt Nam làm du lịch một cách khá… sang trọng. Hầu hết các tour du lịch quốc tế bay bằng đường hàng không của hãng Vietnam Airlines, phần cuối cùng trong các chương trình tour đều có quà tặng cho khách là nón và đó phần nhiều là nón của làng Chuông. Chị Hương cho biết: “Từ năm 2002, đại diện của Hãng hàng không Việt Nam Airlines tìm về làng và đặt tôi 10.000 cái nón, phần quai nón có in chữ tặng cho khách du lịch. Từ đó đến nay, nhất là vào những ngày đất nước có sự kiện lớn như Seagames, hay Hội nghị APEC… chúng tôi lại được làm nón phục vụ cho khách du lịch của Vietnam Airlines, số lượng có thêm bớt theo yêu cầu, nhưng nói chung “mối” này vẫn được duy trì”. Ai đã từng nhìn thấy hình ảnh các ông tây, bà đầm vai đeo ba lô to đùng, đầu đội nón Việt Nam bước đi trên đường phố đều mỉm cười trước sự vui vẻ, hài hước của sự pha quyện giữa Á – Âu… Cùng với chiếc nón quê hương, nhiều năm nay, Doanh nghiệp Hùng Hương miệt mài tham gia rất nhiều hội chợ ở các nước trên thế giới và quảng bá được hình ảnh đẹp của một đất nước nhiều tiềm năng du lịch, bên cạnh đó, cũng mang lại nguồn lợi kinh tế để bà con làng nón không bỏ nghề… Tuy nhiên, dù nỗ lực và cũng ghi được ít nhiều dấu ấn với bạn bè yêu du lịch quốc tế là vậy, nhưng nhìn một cách tổng thể, nón làng Chuông vẫn “ra nước ngoài” theo con đường tự phát, phụ thuộc nhiều vào sự tự xoay xở của một vài doanh nghiệp, liên kết với các công ty du lịch để quảng bá sản phẩm.
“Mỗi làng một sản phẩm” – giấc mơ còn rất xa
Câu chuyện chiếc nón làng Chuông cũng là thực trạng chung của nhiều làng nghề Việt Nam hiện nay. Đã có nhiều hội thảo, hội nghị khoa học về mô hình phát triển các lành nghề, Chính phủ, các bộ ngành cũng đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển làng nghề. Tuy nhiên theo các chuyên gia công tác tổ chức thực hiện vẫn còn những tồn tại. Mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) mà Nhật Bản, Thái Lan và nhiều quốc gia khác đã rất thành công nhưng vào Việt Nam chưa hiệu quả. Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, việc mỗi làng một sản phẩm đã hình thành ở Việt Nam từ rất lâu, từ khi các làng nghề ra đời, tuy nhiên đều theo kiểu tự phát và chưa có cách làm chuẩn, từ việc quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ tới công tác marketing. Hà Nội là một thí dụ điển hình. Con số thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có 70 làng nghề đạt thu nhập từ 20 - 50 tỷ đồng/năm. Năm 2011, giá trị sản xuất của làng nghề đạt trên 400 triệu USD, chiếm 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của toàn TP. Tuy nhiên, du khách quốc tế chỉ biết nhiều đến gốm sứ Bát Tràng và một số món ăn đặc trưng mà không biết nhiều đến các sản phẩm làng nghề khác. Lý do là hoạt động marketing tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề và việc liên kết các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hình thức mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn yếu kém đang trở thành rào cản hạn chế khả năng xuất khẩu và tiêu thụ hàng nội địa. Để phát triển làng nghề , trước hết phải có quy hoạch rõ ràng để làng nghề có địa điểm sản xuất, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cần gắn với doanh nghiệp. Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa để giúp người dân có vốn, bởi, hiện nay mặc dù có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi cho làng nghề nhưng các thủ tục, cơ chế vay vẫn còn nhiều khó khăn đối với người dân.
Thiếu những sản phẩm “ký ức”
Theo mô hình của OVOP, một trong những cách marketing tốt nhất đối với làng nghề là phải gắn với du lịch. Quả là nghịch lý và rất lãng phí đối với một đất nước có tới hàng nghìn làng nghề, phong phú không chỉ về số lượng mà còn về loại hình sản xuất, vậy mà với hàng nghìn “mỏ tài nguyên du lịch” ấy vẫn chỉ là những “vẻ đẹp tiềm ẩn”.
Như chiếc nón của làng Chuông, tuy nằm trong quy hoạch 15 làng nghề phát triển theo hướng kết hợp với du lịch nhưng người dân của làng vẫn chưa thực sự ý thức về điều này nên vẫn chế tác ra các sản phẩm theo kiểu có gì làm nấy.
Các làng nghề ở Hà Nội như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động… có thể nói đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ, nhưng việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại không được lưu tâm tới. Thời gian gần đây, khái niệm du lịch làng nghề được nhắc đến nhiều hơn; có nơi được đầu tư và quảng bá, các cửa hàng bày bán đồ thủ công mỹ nghệ trong làng nghề xuất hiện nhiều hơn. Song trên thực tế, hàng nằm trên giá bán cho du khách lại vẫn là hàng bán ra thị trường tiêu dùng. Trong khi đó, nhu cầu của hai thị trường này lại hoàn toàn khác nhau. Khi sang Việt Nam với mục đích du lịch, thường là dài ngày, khách du lịch không thể mang đi vác lại những món đồ cồng kềnh, dễ vỡ trong suốt cuộc hành trình cho đến khi về nước và càng không thể mang với số lượng lớn về làm quà tặng bạn bè. Họ không thể tìm được những sản phẩm ưng ý chứ chưa nói đến sản phẩm mang tính “ký ức”, mang dấu ấn Việt Nam. Ngay cả các làng nghề được coi là biết làm du lịch, mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng quá đơn điệu và không hợp với nhu cầu của thị trường. Người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống mà chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch.
Khó có thể trách được các làng nghề bởi những nghệ nhân, thợ nghề vốn sống bó hẹp trong môi trường nông thôn địa phương, ít nhạy bén với thị trường và không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài. Năng động và tâm huyết như Doanh nghiệp Hùng Hương ở nón làng Chuông thì cũng chỉ đến mức mang hàng “đi câu” các hội chợ thương mại ở nước ngoài, còn lại chủ yếu phụ thuộc vào các công ty du lịch. Và khi gặp khó khăn, thì các chủ doanh nghiệp, nghệ nhân, hoặc như đại diện Hiệp hội như ông Dần kể trên cũng chỉ biết kêu gọi sự giúp đỡ của Nhà nước là giải pháp tối ưu.
Tuy nhiên các giải pháp về tín dụng của Nhà nước chỉ là một phần của vấn đề. Còn việc định hướng tạo dựng, thiết kế ra một sản phẩm đặc trưng cho vùng miền, xây dựng một hệ thống các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm lại là việc mà các địa phương cần xem xét.