Những tín hiệu tích cực
Tháng 5/2020, ngành sản xuất cao su trong nước xôn xao trước thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe khách và lốp xe tải hạng nhẹ (PVLT tires) có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.
Đến cuối tháng 6/2020, DOC chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm này của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm được Bộ Công Thương cảnh báo nguy cơ bị nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 7/2019 với mức độ cảnh báo nguy cơ cao.
Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt 12,1 triệu USD trong năm 2019, chiếm khoảng 6,7% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này của Hoa Kỳ.
Ngay từ khi DOC chuẩn bị điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã thông báo, trao đổi với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, khuyến nghị các doanh nghiệp phối hợp tối đa, tham gia bản trả lời.
Ngày 30/12/2020, DOC ban hành kết luận điều tra sơ bộ đối với nội dung phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam và một số nền kinh tế khác.
Theo đó, trên cơ sở thông tin, dữ liệu từ các doanh nghiệp xuất khẩu, DOC cho rằng hầu hết các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ô tô vào Hoa Kỳ.
Cụ thể hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam như Sailun, Kenda, Bridgestone, Kumho và Yokohama đều được coi là không bán phá giá, trong khi các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế suất toàn quốc là 22,3%.
Nhiều doanh nghiệp nhận định, đây là kết quả hết sức tích cực bởi Hoa Kỳ là thị trường lớn và quan trọng nhất đối với ngành sản xuất lốp xe khi kim ngạch các doanh nghiệp không bị áp thuế chiếm tới 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô sang Hoa Kỳ của Việt Nam năm 2019 (khoảng 470 triệu USD theo số liệu của hải quan Hoa Kỳ).
Kết quả sơ bộ này cũng mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi các đối tác khác cùng trong vụ việc này đều bị cho là đã bán phá giá ở mức cao như 14,24% - 38,07% đối với Hàn Quốc; 52,42% - 98,44% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và từ 13,25% - 22,21% đối với Thái Lan.
Mặt khác, trong kết luận điều tra sơ bộ của DOC đối với nội dung chống trợ cấp, các công ty Việt Nam đã bị coi là nhận trợ cấp với mức từ 6,23% - 10,08%.
Như vậy, các doanh nghiệp trong nước có thể tạm thời "thở phào" khi tổng mức thuế sơ bộ mà lốp xe Việt Nam phải chịu đối với cả phá giá và trợ cấp là từ 6,23% - 29,04%.
Ngoài ra, nếu tiếp tục giữ được mức thuế thấp (dưới 2%) trong kết luận cuối cùng thì các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của ta sẽ được loại ra khỏi phạm vi vụ việc áp thuế chống bán phá giá.
Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 14/5/2021.
Tại buổi làm việc với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đầu tháng 6/2020, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm lốp xe của Việt Nam liên tục tăng trong 5 năm qua, đạt mức tăng trưởng bình quân 17,8%/năm.
Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam đạt 1 tỷ 200 triệu USD. Năm 2019, Việt Nam có 186 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lốp xe. Trong 153 thị trường xuất khẩu lốp xe của Việt Nam, Hoa Kỳ dẫn đầu với 604 triệu USD kim ngạch, chiếm 50,4%.
Tiếp tục ứng phó
Theo Bộ Công Thương, việc DOC xác định mức thuế phá giá 0% đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm này của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan.
Thêm vào đó, kết luận này cũng mang lại lợi ích đáng kể cho ngành cao su và nông dân trồng cao su của Việt Nam khi một số lượng lớn cao su khai thác tại Việt Nam được sử dụng để làm sản phẩm lốp xe.
"Kết quả cho thấy việc doanh nghiệp chủ động tham gia đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với vụ việc. Các doanh nghiệp được hưởng thuế chống bán phá giá thấp trong kết luận sơ bộ là các doanh nghiệp tích cực tham gia trả lời, phối hợp với DOC trong việc cung cấp thông tin", đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Dù là kết quả khả quan, tuy nhiên đây mới là giai đoạn sơ bộ, việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với DOC trong giai đoạn tiếp theo là điều kiện để giữ được kết quả này trong kết luận cuối cùng.
Sau khi ban hành kết luận sơ bộ, theo thông lệ các vụ việc trước đây, DOC có thể tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp trong thời gian tới để xác minh lại các thông tin đã gửi trong bản trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ thông báo sẽ không tiến hành thẩm tra tại chỗ mà yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin bổ sung để thẩm tra số liệu trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp liên quan tiếp tục triển khai công tác ứng phó với vụ việc nhằm đảm bảo kết quả tích cực, có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo quy trình điều tra, DOC cũng sẽ tạo cơ hội cho các bên tham vấn, gửi các bản lập luận pháp lý và phản biện trong giai đoạn cuối cùng của vụ việc. Do đó, đối với nội dung điều tra trợ cấp, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ/ngành, UBND các tỉnh liên quan và luật sư tư vấn tiếp tục đấu tranh với các kết luận bất lợi tại giai đoạn sơ bộ của vụ việc.
Cũng liên quan đến nội dung tiền tệ, trong báo cáo mới đây của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về vấn đề định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ vụ việc điều tra theo Điều 301 Đạo Luật Thương mại. Theo đó USTR không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với kết luận sơ bộ mang tính khả quan trong vụ việc lốp xe, việc không khuyến nghị biện pháp hạn chế thương mại trong báo cáo mới đây của USTR có thể coi là thành công đáng kể của Việt Nam khi phải giải trình vấn đề rất mới, có tính chất hệ thống và rất quan trọng trong thương mại nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.
Đây là kết quả rất tích cực, phản ánh quá trình đấu tranh lâu dài, toàn diện, thể hiện vai trò chủ động của các cơ quan chủ trì, đầu mối xử lý như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.