Từ thế giới…
Đầu tháng 4 vừa qua, tỷ phú Bill Gates quyết định tài trợ hàng tỷ USD cho 7 ứng cử viên là 7 nhà máy sản xuất ra vắc xin điều trị dịch bệnh Covid-19. Điều đáng nói là sau cùng sẽ chỉ có 2 nhà máy tốt nhất được chọn để sản xuất vắc xin.
Vấn đề là, vì sao nhà sáng lập Microsoft, một doanh nhân cự phách không sàng lọc, hay không để cho 7 ứng cử viên cạnh tranh nhau để rồi lựa chọn và tài trợ cho 2 ứng viên xuất sắc nhất? Việc tài trợ xây dựng đồng thời cả 7 nhà máy khi chưa có sự sàng lọc có vẻ không tuân theo nguyên tắc cạnh tranh thị trường?
Nhưng Bill Gates giải thích rằng, ông không muốn tốn thời gian để tìm hiểu xem loại vắc-xin nào thực sự hiệu quả rồi mới đi xây nhà máy sản xuất chúng. Tài trợ cho cả 7 nhà máy ngay từ bây sẽ lãng phí vài tỷ USD khi có 5 nhà máy không được chọn, nhưng sẽ tiết kiệm được hàng tháng trời trong việc tìm ra vắc xin, và lãng phí vài tỷ USD sẽ sớm cứu được nguồn cung đang gián đoạn, nguồn cầu đang ách tắc trên toàn cầu vì đại dịch Covid-19, cứu được hàng nghìn tỷ bay hơi trong nền kinh tế.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng ra lệnh cho Ford và General Motors sản xuất máy thở. “Ra lệnh” cho công ty tư nhân, một điều chưa từng thấy trong nền kinh tế thị trường của Mỹ nhiều thập kỷ qua, kể từ năm 1945.
Nhưng ngay cả Ford và General Motors cũng vui vẻ tuân thủ. Không chỉ vậy, GM cho biết họ sẽ không tính lãi từ sản xuất máy thở và chỉ tìm cách để trang trải các chi phí.
Yêu cầu quá lớn về số lượng, nâng công suất từ 200 lên 6.000 máy thở mỗi tháng đòi hỏi một chuỗi cung ứng khổng lồ và họ có khả năng đối mặt với những thách thức lớn về linh kiện, vật tư, nhưng có khoảng 1.500 giám đốc điều hành các công ty đã ký vào thư cam kết giúp đỡ để đáp lại yêu cầu về sản xuất máy thở. Các công ty đã phá bỏ sự nghi kỵ lẫn nhau và General Motor sẵn sàng chia sẻ các tài liệu thiết kế máy trợ thở cho nhau.
Bí quyết công nghệ là sự cạnh tranh sống còn của các hãng, việc General Motor sẵn sàng chia sẻ các tài liệu thiết kế máy trợ thở dường như đi ngược lại quy luật cạnh tranh trên thị trường, nhưng lại rất “thị trường” ở chỗ, càng chống dịch Covid-19 hiệu quả bao nhiêu, thì thị trường Mỹ mới sớm mở cửa trở lại bấy nhiêu, cũng tức là nguồn cầu của các công ty mở cửa trở lại.
… đến Việt Nam
Giữa trưa ngày 30.3, Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và yêu cầu tất cả Viện nghiên cứu của Tập đoàn dừng hết mọi việc hàng ngày, tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất các loại máy thở.
Ngày hôm sau, các đơn vị thuộc Vingroup đã tìm được rất nhiều đối tác sẵn sàng chia sẻ thiết kế và các thông tin cần thiết để có thể bắt đầu triển khai. Vingroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Vingroup khẳng định: “Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành”.
Việc không tính vào giá thành nhiều loại chi phí sẽ làm cho hoạt động sản xuất máy thở của Vingroup lỗ. Mặt khác, khi đại dịch qua đi, máy thở không còn là mặt hàng hot trên thị trường, những đầu tư vào công nghệ, thiết bị cho sản xuất máy thở có thể không sử dụng hết vòng đời của mình, nói cách khác là không hiệu quả.
Tương tự như Vingroup, LIXCO đã nhanh chóng hoàn thiện công tác nghiên cứu triển khai đưa vào sản xuất sản phẩm mới - sản phẩm rửa tay mang tính kháng khuẩn, sạch khuẩn phục vụ cộng đồng và đã đưa ra thị trường sản phẩm gel rửa tay khô nhãn hiệu On1, góp phần đảm bảo nguồn cung cho thị trường sản phẩm dung dịch rửa tay, giúp người dân yên tâm trong việc bảo vệ sức khoẻ và phòng, chống dịch bệnh.
Nhanh chóng cho ra đời một sản phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong Đại dịch Covid-19 hẳn nhiên là điều đáng quý. Nhưng ta sẽ càng thấy rõ tinh thần LIXCO, năng lượng LIXCO hơn khi biết rằng, Công ty đã phải hy sinh tất cả đơn hàng xuất khẩu với nhu cầu cao hơn gấp nhiều lần thị trường nội địa, tập trung hết toàn lực để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước.
Những câu chuyện trên cho thấy, trong tình hình dịch bệnh khủng hoảng, những công ty tiên phong sẵn sàng dẹp sang một bên kỹ năng săn tìm lợi nhuận để phục vụ cộng đồng.
Nhưng bù lại, khi đại dịch qua đi, thị trường mở cửa trở lại, chắc chắn người tiêu dùng sẽ ghi nhớ và tưởng thưởng cho những công ty đi đầu trong chống dịch như General Motor, Ford, Vingroup, LIXCO, hay các công ty sản xuất khẩu trang, vật tư y tế khác.