Năng lượng sinh khối là một dạng năng lượng tái tạo được tạo ra từ các vật liệu có nguồn gốc sinh học, bao gồm cây cối tự nhiên, cây trồng công nghiệp, tảo hoặc là từ chất thải nông nghiệp và lâm nghiệp. Năng lượng sinh khối cũng có thể được khai thác từ các chất thải có chứa thành phần hữu cơ từ hoạt động sinh hoạt của con người hoặc sản phẩm phụ gia hữu cơ công nghiệp.
Trên thế giới, năng lượng sinh khối hiện là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm 14% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Tại các quốc gia đang phát triển, năng lượng sinh khối thường là nguồn năng lượng lớn nhất, chiếm tới 40% tổng nguồn cung năng lượng.
Với nền nông nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam, năng lượng sinh khối có thể đến từ nhiều nguồn nguyên liệu đa dạng và có trữ lượng khá lớn như bã mía, dăm gỗ, trấu và rơm rạ. Việc tận dụng các phụ phẩm nông, lâm nghiệp này để sản xuất năng lượng sinh khối sẽ không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào các nguồn năng lượng truyền thống, giảm phát thải carbon và ô nhiễm môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế của các bên tham gia. Đặc biệt, đẩy mạnh khai thác năng lượng sinh khối sẽ góp phần tích cực vào việc ổn định nguồn cung năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.
Trước đây, nguồn năng lượng sinh khối tại Việt Nam chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ chiếu sáng, đun nấu thức ăn tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc tận dụng nguồn sinh khối thải bỏ trong quá trình sản xuất để sản xuất điện năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An với vùng nguyên liệu trồng mía lên tới 22.500 ha đã tích hợp công nghệ đồng phát điện từ bã mía vào quy trình sản xuất. Theo đó, lượng bã mía, bã bùn mía sẽ được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò, sản xuất hơi với áp suất cao để chạy máy phát điện, từ đó thu được nguồn điện phục vụ cho nhu cầu điện năng của nhà máy. Trong nhiều năm nay, 100% nhu cầu điện dùng cho mọi hoạt động của nhà máy Mía đường Nghệ An đều là điện tự sản xuất từ bã mía.
Tương tự, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng áp dụng công nghệ đồng phát điện từ bã mía để phát triển Nhà máy Điện sinh khối mía đường Tuyên Quang với tổng công suất đạt 25 MW. Theo tính toán, sản lượng tự sử dụng và cung cấp cho dây chuyền sản xuất đường của nhà máy là 9 MW còn lại 16 MW dư thừa được doanh nghiệp hoà lưới điện quốc gia và bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đặc biệt, nhà máy cũng tận dụng các nguồn phế phẩm nông lâm nghiệp khác như vỏ cây keo, các loại ván dăm thải loại… trong những tháng thấp điểm của hoạt động ép mía đường, đảm bảo duy trì nguồn cung điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giải pháp này vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí điện năng mỗi năm vừa tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Công nghệ đồng phát điện từ bã mía hiện đang được nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường trên toàn quốc nghiên cứu và triển khai. Các chuyên gia đánh giá năng lượng sinh khối từ bã mía là giải pháp phù hợp, có tiềm năng rất lớn để cân bằng nguồn cung điện cho thủy điện vào mùa khô, thời điểm tiêu thụ điện cao điểm của các nhà máy tinh luyện đường.
Theo tính toán, đến năm 2030 cả nước sẽ có 40 triệu tấn mía, tương ứng công suất phát điện 1.600MW, điện năng từ bã mía đạt 4,7 triệu MWh, tương đương 2,8 tỷ kWh điện thương phẩm hòa lưới điện quốc gia.
Theo sau các nhà máy mía đường, nhiều nhà máy bia cũng chính thức tham gia vào việc sử dụng nguồn năng lượng sinh khối. Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam, nhà sản xuất các sản phẩm bia Heineken, Tiger và Larue đã chuyển đổi nguồn nhiên liệu từ dầu diesel sang sử dụng năng lượng sinh khối thu từ việc đốt phế phẩm nông nghiệp như mùn cưa, vỏ trấu và dăm bào gỗ. 5 trong số 6 nhà máy bia của công ty tại Việt Nam đang sản xuất 100% bằng năng lượng sinh khối và công nghệ sử dụng năng lượng sinh khối sẽ được triển khai cho nhà máy bia số 6 trong năm 2022.
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung đã thử nghiệm thành công công nghệ lên men yếm khí tiên tiến, giúp xử lý toàn bộ lượng bùn thải từ quá trình sản xuất bia, trung bình 15 tấn bùn/ngày, để phát điện với công suất 20 kW. Lượng điện năng này đáp ứng nhu cầu điện để vận hành hệ thống và một số mục đích khác như thắp sáng của nhà máy. Ngoài ra, lượng bùn thải sau khi lên men yếm khí được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa tăng thêm giá trị cho chuỗi sản xuất bia.
Nước thải giàu chất hữu cơ sinh ra trong quá trình sản xuất bia cũng được đánh giá có tiềm năng thu hồi năng lượng lớn thông qua quá trình xử lý sinh học kị khí. Ước tính với khoảng 28 tỷ lít nước thải sản xuất bia hàng năm tại Việt Nam nếu được xử lý hoàn toàn bằng công nghệ kỵ khí sẽ thu về được hơn 23 tỷ lít khí metan, tương đương sản xuất được khoảng 46 triệu kWh điện. Hiện tại hướng đi này đang được một số nhà máy sản xuất bia nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất thực tế.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về sửa đổi và bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg. Trong đó đưa giá mua điện đối với các dự án sinh khối đồng phát nhiệt - điện được điều chỉnh từ 5,8 US cents/kWh lên mức 7,03 US cents/kWh. Đây là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp có lượng sinh khối phát sinh lớn tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy phát điện.
Thực tế đã cho thấy việc tận dụng nguồn sinh khối để sản xuất điện năng giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí năng lượng, giảm chi phí xử lý chất thải và tăng cường nguồn thu. Việc sử dụng năng lượng sinh khối góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.