Một số vấn đề đặt ra trong xuất khẩu hàng nông sản

Vài năm gần đây, với chính sách thúc đẩy quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước châu Phi và sự năng động của các doanh nghiệp trong việc khai thác các thị trường mới, xuất khẩu của Việt Nam sang

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu sang châu Phi, các mặt hàng nông sản chiếm vai trò quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang châu Phi năm 2010 đạt gần 670 triệu USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường khu vực này. 

Các mặt hàng nông sản chủ yếu được xuất khẩu sang châu Phi là gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều... Trong đó, gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu số một của Việt Nam sang châu Phi, với khối lượng từ 1-1,5 triệu tấn/năm. 


Về thị trường, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hầu hết các nước châu Phi và đã có chỗ đững vững chắc tại một số thị trường trọng điểm. Mặt hàng gạo chủ yếu được xuất sang Bờ Biển Ngà, Ăng-gô-la, Ga-na và Xê-nê-gan. Các nước nhập khẩu nhiều cà phê của Việt Nam là An-giê-ri, Nam Phi, Ma-rốc và Ai Cập. Mặt hàng hạt tiêu được tiêu thụ mạnh tại Ai Cập, Nam Phi và An-giê-ri. 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam tới thị trường tiềm năng này còn phải đối mặt với nhiều trở ngại và do đó còn bộc lộ nhiều hạn chế. 

Thứ nhất, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu còn đơn điệu, đa phần vẫn là nông sản chưa qua chế biến. Các sản phẩm nông sản thô bị tác động lớn của các yếu tố ngoại cảnh như thời tiết, biến động thị trường thế giới… nên làm giảm tính ổn định của xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường này. Ngoài ra, do đều là các nước đang phát triển, có xuất phát điểm gần giống nhau, nên cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam với châu Phi cũng có nhiều nét tương đồng, điều này cũng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của ta. 

Thứ hai, mặc dù ta đã xuất khẩu sang tất cả các nước ở châu Phi, nhưng phần lớn kim ngạch còn rất nhỏ bé (do bản thân thị trường có qui mô nhỏ và các doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu khó tiếp cận cũng như chưa tìm ra phương cách tiếp cận hợp lý), nên tổng kim ngạch chung còn khiêm tốn. 

Thứ ba, hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường này thường được đánh giá là không cao, do phần lớn hàng hoá nông sản trao đổi có giá trị thấp trong khi chi phí vận tải rất cao (do không thuận lợi về vận tải), lợi nhuận thu về thấp (do phải chia sẻ với nước trung gian) và khả năng đáp ứng nhu cầu chậm (do thông tin thiếu chính xác, không cập nhật). 

Thứ tư, các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Phi hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nên chưa phát huy được các thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp này do có nguồn lực hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Thứ năm, có những khó khăn khách quan không nhỏ, như: rủi ro trong thanh toán, nạn trộm cướp, bất ổn chính trị và bạo lực ở nhiều quốc gia đang ảnh hưởng đến hoạt động tiếp cận và xâm nhập thị trường châu Phi của các doanh nghiệp. 

Về lâu dài, với dân số đông, tình hình phát triển kinh tế khả quan, đời sống chính trị từng bước đi vào ổn định, các chính sách hội nhập vào nền kinh tế thế giới của các nước châu Phi trong những năm gần đây và sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn vào khu vực này, chúng ta có thể thấy châu Phi là một thị trường rất tiềm năng với các mặt hàng nông sản của Việt Nam và là một hướng quan trọng mà ta cần đẩy mạnh khai thác. Việt Nam cần đẩy mạnh thâm nhập sâu vào thị trường châu Phi cả về diện và lượng. Chúng ta phấn đấu đưa hàng hoá Việt Nam vào được nhiều nước châu Phi hơn, với khối lượng lớn hơn và các mặt hàng phong phú hơn. Mục tiêu đặt ra cho xuất khẩu sang thị trường châu Phi là đạt mức 5 tỷ USD vào năm 2015, trong đó các mặt hàng nông sản đạt từ 1,5-2 tỷ USD. Về mặt hàng xuất khẩu, ta cần duy trì các mặt hàng đang có thế mạnh, như gạo, cà phê, hạt tiêu, nhưng cần đầu tư, chế biến sâu để nâng cao giá trị hàng xuất khẩu. Đơn cử như mặt hàng gạo, ta cần sớm đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gạo đồ vì nhiều nước châu Phi, nhất là Ni-giê-ri-a, có nhu cầu rất lớn đối với mặt hàng này, đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác mà châu Phi có nhu cầu nhập khẩu, như: chè, hạt điều, rau quả, cao su… 

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước về đẩy mạnh hợp tác với các nước châu Phi, tăng cường sự hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu, nhất là về ngân hàng và vận tải, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến các vấn đề sau: 

Thứ nhất, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường châu Phi
Các doanh nghiệp cần phải kiên trì xây dựng cho mình những chiến lược kinh doanh phù hợp. Cần hết sức tránh tình trạng buôn bán theo kiểu chụp giật, làm mất uy tín cho cả giới doanh nghiệp Việt Nam. Chú ý các hình thức xuất khẩu sau: 

- Xuất khẩu qua trung gian là phương thức mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng để đưa các sản phẩm nông sản sang thị trường châu Phi. Hiện nay, 60% gạo của Việt Nam được xuất qua trung gian, chủ yếu qua các công ty châu Âu, Trung Đông. Những công ty này có những lợi thế như có kinh nghiệm lâu năm trong buôn bán ở châu Phi, có tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống kho bãi và phân phối hoàn chỉnh, có quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng châu Âu và Mỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần tiếp tục khai thác hình thức xuất khẩu qua trung gian sang châu Phi trong thời gian tới. 

- Xuất khẩu trực tiếp cũng là một hình thức các doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng, nhất là tại các quốc gia mà nước ta đã có Thương vụ hoặc cơ quan đại diện ngoại giao và có hệ thống ngân hàng tương đối phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải chủ động có những biện pháp đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp châu Phi, đặc biệt là ở hai điểm: giao hàng và thanh toán. 

- Gắn xuất khẩu với nhập khẩu: Trong chiến lược kinh doanh tại thị trường châu Phi, doanh nghiệp nước ta cũng cần lưu ý đến mảng nhập khẩu, nhất là các sản phẩm mà châu Phi có thế mạnh như hạt điều thô, bông, gỗ... Việc gắn xuất khẩu với nhập khẩu giúp cho các doanh nghiệp mở rộng cơ hội kinh doanh và giảm chi phí vận tải khi có lưu thông hàng hóa hai chiều. Vừa qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai việc xuất khẩu gạo và nhập khẩu điều thô, và đã thu được kết quả bước đầu khả quan, có thể mở rộng sang các mặt hàng khác. 

Thứ hai, chú trọng phát triển ngành hàng xuất khẩu phù hợp với thị trường châu Phi
Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu ổn định sang các nước châu Phi, doanh nghiệp nước ta phải chủ động phát triển ngành hàng xuất khẩu theo hai hướng. Thứ nhất là phải đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, vì các nước châu Phi là thị trường tiềm năng cho mọi loại hàng hóa. Thứ hai là phải nâng cao tính cạnh tranh của từng sản phẩm xuất khẩu về giá cả, mẫu mã, chất lượng. Nhìn chung với các nước châu Phi, thị trường không đòi hỏi sản phẩm chất lượng quá cao, nhưng phải có tính ổn định và đặc biệt giá phải rẻ. Cạnh tranh về giá thành sản phẩm đang là điểm yếu của các doanh nghiệp nước ta trên thị trường châu Phi. 

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường châu Phi
. Mặc dù thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tham gia tháp tùng lãnh đạo cấp cao tại các chuyến thăm chính thức, hoặc tự tổ chức đi nghiên cứu thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm quôc tế tổ chức tại một số nước châu Phi, nhưng nhìn chung, các hoạt động này còn mang tính tự phát và thời vụ, chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. 

Thứ tư, cần chú ý đến các đặc điểm của thị trường châu Phi khi xuất khẩu vào thị trường này
Kinh doanh ở thị trường châu Phi đòi hỏi phải nắm rõ một số đặc điểm quan trọng của thị trường này. Cụ thể là những điểm sau: 

- Phải có tính kiên trì: Quá trình giải quyết giấy tờ, các thủ tục hành chính quan liêu làm cho công việc kinh doanh ở các nước châu Phi rất mất thời gian. 

- Phải làm quen với đặc điểm văn hoá địa phương: Các nước châu Phi đều có những đặc điểm văn hóa riêng. Đặc biệt ở những nước Hồi giáo thì phải có sự hiểu biết về tín ngưỡng Hồi giáo và biết càng nhiều tiếng Arập càng tốt. 

- Phải luôn linh hoạt, mềm dẻo: Thị trường châu Phi có tính thay đổi cao và ít tính nhất quán. Đây thực sự là khó khăn đặc thù mà doanh nghiệp nước ta phải luôn chú ý. 

- Đề phòng hiện tượng lừa đảo: Cần cảnh giác với các giao dịch qua mạng với những đề nghị hấp dẫn, với những đối tác lần đầu giao dịch, nên có sự thẩm tra kỹ trước khi ký kết hợp đồng.
  • Tags: