Khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP
Hiệp định CPTPP hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam tăng lên nhanh chóng sau hơn 4 năm thực thi. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tang trên 20% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 8 tỷ USD.
Trong bức tranh chung đó, xuất khẩu sang 4 nước đối tác CPTPP thuộc châu Mỹ, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile nổi lên với nhiều sắc màu rực rỡ: Năm 2021, 2022, kim ngạch xuất khẩu sang 4 quốc gia này đều đạt mức tăng trưởng cao, với kim ngạch 2 chiều khoảng gần 30%, cao hơn mức tăng chung của kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới.
Vì sao châu Mỹ trở thành điểm nhấn đặc biệt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khai thác Hiệp định CPTPP? Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải những thách thức gì? Làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp Việt khai thác triệt để hơn nữa thị trường CPTPP nói chung và 4 đối tác CPTPP thuộc châu Mỹ nói riêng, cũng như hóa giải những thách thức ở những thị trường có khoảng cách xa xôi?
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) lý giải, châu Mỹ có 4 quốc gia tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru và Chile. Trong đó, ngoại trừ với Chile là chúng ta đã có FTA song phương kể từ năm 2014; với 3 quốc gia còn lại, đây là lần đầu tiên chúng ta có quan hệ FTA. Những lợi thế về ưu đãi thuế quan trong CPTPP đã đem lại dư địa và tiềm năng rất tốt để doanh nghiệp Việt có thể khai thác xuất khẩu sang các thị trường mới này.
Mỗi thị trường ở châu Mỹ có những đặc điểm riêng. Canada phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, với dung lượng khoảng 500 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, quốc gia này tương đối đông dân nhập cư - một tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng, thực phẩm trong tiếp cận thị hiếu của người tiêu dùng châu Á, cũng như khoảng hơn 200.000 người người gốc Việt tại Canada. Tương tự, Mexico là thị trường có sức mua tương đối lớn, dân số khoảng 120 triệu người, dung lượng nhập khẩu hàng năm khoảng 400 tỷ USD. Đây là thị trường mà các doanh nghiệp có thể khai thác làm bàn đạp cho hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường khu vực Bắc Mỹ và Trung Mỹ.
Trong khi đó, Peru là thị trường có dung lượng vừa phải. Song khoảng 75% doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru là doanh nghiệp vừa và nhỏ - khá phù hợp với cách tiếp cận, quy mô của các doanh nghiệp Việt chúng ta khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Về thị phần, trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Tương tự, tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3%. Riêng cá tra, Mexico là thị trường nhập khẩu số 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Có thể nói, so với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP thì Việt Nam là nước thành viên tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.
Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Đối với các nước khác, thị phần đều giảm, hoặc đi ngang. Ví dụ tại Canada, thị phần của Việt Nam năm 2017 là 0,9 %, năm 2019, năm đầu tiên chúng ta thực thi CPTPP, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada tăng lên 1,2% và đến năm 2022 là 1,6%, là nước có tốc độ tăng cao nhất về mặt thị phần. Cũng như vậy, ở Mexico, năm 2018, thị phần của chúng ta là 0,9 %, đến năm 2022 thị phần của chúng ta tăng lên 1,7 %.
Vượt qua thách thức mới
Nhìn trên con số kim ngạch xuất khẩu, có thể nói, bước đầu chúng ta đã tận dụng CPTPP tương đối hiệu quả, những gì làm được trong hơn 4 năm qua là một cái bước chạy đà rất tốt. Tuy nhiên, đứng từ góc độ toàn cảnh, thời gian tới doanh nghiệp phải sẵn sàng trước những thách thức mới.
Thời gian vừa rồi, Việt Nam tương đối có lợi thế của của người "một mình một chợ". Bởi vì, các nước đối thủ cạnh tranh có những sản phẩm hàng hóa tương tự như chúng ta ở khu vực châu Á chưa có FTA với các nước Canada hay Mexico. Từ tháng 8/2022, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada được khởi động, nếu ký kết đi vào thực thi, thì vị trí cạnh tranh so với một số nước khác trong khu vực như Indonesia hay Philippines sẽ không còn như hiện nay.
Mặt khác, thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập Hiệp định CPTPP. Sau Vương quốc Anh, đến lượt Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) Ecuador và Costa Rica... cũng xin gia nhập CPTPP. Nếu những nền kinh tế này được chấp nhận tham gia CPTPP, thì bản đồ cạnh tranh trong CPTPP sẽ thay đổi rất lớn. Trong chừng mực nhất định sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến lợi thế của Việt Nam trong khu vực này. Vì thế, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị cho tương lai này.
Nhìn trên góc độ kỹ thuật và pháp luật, trước mắt và lâu dài ngành thủy sản có nhiều thách thức, như hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) hay Hiệp định Kiểm dịch động thực vật (SPS). Nhưng đó không phải là thách thức lớn với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Bởi vì, chúng ta đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, hay Nhật Bản, Australia. Khó khăn thực sự trong CPTPP là các điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững.
Ví dụ như lao động, làm thế nào để không xảy ra những vi phạm về lao động trẻ em trong nghề cá? Làm sao để gỡ thẻ vàng IUU? Đối tác CPTPP là Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng những quy định xuất xứ đối với một số loài thủy sản khai thác, sau này có thể là những thị trường khác tiếp theo nối quy định. Do đó, doanh nghiệp phải quan tâm và có những điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong CPTPP.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong thực thi CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động để triển khai thực thi hiệp định, trong đó chú trọng vào những thách thức đối với các doanh nghiệp khi khai thác CPTPP, trên 3 phương diện: Trước hết là xây dựng pháp luật và thể chế. Thứ hai là về công tác thông tin, tuyên truyền. Và thứ ba là công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào các nội dung như tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, xuất khẩu.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, thông qua việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về cam kết của Hiệp định, quy định trong Hiệp định. Đặc biệt, quy định về quy tắc xuất xứ sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp một cách chuyên sâu hơn đối với từng ngành hàng, lĩnh vực, thị trường cụ thể, cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
Về thông tin thị trường, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc cung cấp cho doanh nghiệp thông tin cụ thể về thị trường các nước trong khu vực CPTPP. Đặc biệt, đối với thị trường mới như thị trường châu Mỹ, thì sẽ cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, về những biến động và những thay đổi trong chính sách thương mại, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các nước sở tại, cũng như về nhu cầu của thị trường.
Hiện tại, hàng tháng, Bộ Công Thương triển khai tổ chức hội nghị giao ban về xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ tại nước ngoài. Thị trường châu Mỹ rất xa xôi, do đó hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới theo cả hình thức trực tiếp, trực tuyến. Tháng 7/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại thị trường ba nước Bắc Mỹ là Hoa Kỳ, Canada và Mexico, nhận được những phản hồi tích cực của doanh nghiệp và các cộng đồng doanh nghiệp. Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận về các đơn hàng.
Những hoạt động này sẽ tiếp tục được triển khai, đẩy mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là các hoạt động kết nối giao thương, kết nối B2B trên nền tảng trực tuyến, trên nền tảng số, nhằm tăng khả năng kết nối của doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng khác.
Về chính sách hỗ trợ, một số doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đề xuất tập trung vào ba vấn đề. Thứ nhất là chính sách hỗ trợ về phát triển nguyên phụ liệu. Nhất là trong phối hợp cùng với cái địa phương để tạo những quỹ đất, lực lượng lao động phục vụ cho ngành. Thứ hai, cần hỗ trợ doanh nghiệp về đầu tư chuyển đổi số, đặc biệt bối cảnh vừa đáp ứng cho phát triển bền vững, vừa giúp tham gia được vào chuỗi cung ứng một cách sâu rộng và minh bạch hóa. Thứ ba, có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các ngành có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, sản xuất thực phẩm, da giày... Ở đây không chỉ là nguồn nhân lực chất lượng cao, mà cần nâng cao chất lượng cho cả nguồn nhân lực lao động trực tiếp, những công nhân có kỹ năng, có tay nghề cao, qua đó cải thiện được năng suất, năng lực cạnh tranh của toàn ngành.
Doanh nghiệp cũng đề xuất việc hỗ trợ vào những vấn đề đang vướng mắc về năng lực cạnh tranh, về đáp ứng các tiêu chí xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh anh toàn thực phẩm, tiêu chuẩn phát triển bền vững…