Doanh nghiệp Việt Nam: tự tin bước vào sân chơi mới

Gia nhập WTO là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nước ta, bắt đầu cho một giai đoạn hội nhập toàn diện trên mọi cấp độ. Gia nhập WTO, doanh nghiệp Việt Nam có cái nhìn thận trọng

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chủ động chọn con đường hội nhập

Vào WTO, cần thấy cơ hội nhiều hơn thách thức. Nắm bắt trúng xu thế và nhu cầu của nền kinh tế, chính chúng ta đã chủ động chọn con đường hội nhập này chứ không phải bị bắt ép hay xúi giục. Đã là chủ động, ta chọn con đường đẹp, con đường có nhiều lợi ích để đi; không ai thấy đường tối tăm, vẫn lao vào. Các phương án đàm phán cũng do ta chủ động tính toán rất kỹ chứ không phải là bị các đối tác “ép buộc”, “vắt kiệt”. Chúng ta chủ động đưa ra các bản chào, trong đó có chỗ “nói thách”, có “mặc cả”, có thương lượng và giải pháp cuối cùng đạt được là hai bên cùng thắng.

Tôi phải nhấn mạnh tinh thần chủ động hội nhập, bởi vì nhiều nhận định gây hoang mang kiểu như “ta sẽ thua trên sân nhà”, “hàng hóa nước ngoài tràn ngập”. Những nhận định đó chưa xác đáng. Phân tích như thế mới chỉ nghĩ tới đầu vào, chưa nghĩ đến đầu ra. Từ nay, thuế suất nhập khẩu trung bình của ta giảm từ khoảng hơn 17% xuống còn 13,6%, nhưng thuế suất bình quân vào Mỹ chỉ khoảng 3,7%, châu Âu 4,2%, Nhật Bản 3,4%, Trung Quốc hơn 10%.

Một sự chủ động nữa là, chưa hội nhập song ta đã chủ động chuyển theo chuẩn mực làm ăn của thế giới. Ta xây dựng hệ thống pháp luật, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đều có tính toán, có ghé mắt nhìn tới WTO. Ngoài ra, trên báo chí hoặc trong một vài phát biểu về vấn đề trợ cấp nông nghiệp có sự nhầm lẫn, có thể gây hoang mang cho bà con nông dân. Vào WTO không phải là xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp nông nghiệp, mà là phải trợ cấp đúng kiểu WTO. Theo qui định, các nước đang phát triển có quyền trợ cấp nông nghiệp, song không quá 10% tổng thu nhập từ ngành Nông nghiệp của nước mình. Chính vì vậy, nỗi lo ngành Nông nghiệp sẽ chết, nhà nông sẽ điêu đứng ngay sau khi VN gia nhập WTO là không đúng. Nên nhớ rằng, mọi chính sách của ta trước hết là lo cho người nghèo, cho bà con nông dân. Chúng ta nên tự tin vào dân tộc và ta có quyền tự tin.

TS Lê Đăng Doanh: Thế hệ trẻ VN được lợi nhất

Vào WTO nghĩa là, phải chấp nhận tuân thủ những chuẩn mực trong lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như trong đời sống hằng ngày của người dân. Như vậy, từ nay luật pháp và hành vi của chúng ta luôn được soi xét xem có phù hợp với cam kết WTO hay không. Điều đó, thúc đẩy chúng ta tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi của một nhóm nhỏ cá nhân hay doanh nghiệp chuyên hưởng lợi từ những phi vụ “luồn lách” mà rất ít hay “quên lãng” đóng góp cho xã hội.

Thế hệ trẻ VN được lợi nhất, họ sẽ có sự lựa chọn rộng lớn hơn không chỉ trong tiêu dùng mà trước hết là trong học tập, tìm kiếm việc làm, tiếp cận với thông tin toàn cầu, với khoa học-công nghệ. Họ có điều kiện phát huy mạnh mẽ hơn sức sáng tạo, các cản trở, các loại “mũ kim cô” lớn nhỏ đối với họ sẽ giảm rất nhiều so với những thế hệ trước đây. Họ cũng sẽ được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, chấp nhận phải xa nhà, di chuyển đến những vùng khó khăn, họ sẽ “đi vào nơi bão táp như đi vào cõi bình yên”... Và đó chính là lực lượng xây đắp tương lai của đất nước ta.

Ông Ho Seung, Chủ tịch Ban Công tác VN gia nhập WTO từ 1995-2005: Tầm nhìn lớn vào tương lai

Từ Seoul, tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành tới Chính phủ và nhân dân VN. Được làm việc với tư cách Chủ tịch Ban công tác về VN gia nhập WTO trong suốt gần 10 năm, tôi nhận tin VN hoàn tất quá trình gia nhập với niềm vui mừng và hạnh phúc nhất. Tôi đã lập tức gửi email chúc mừng ngài Bộ trưởng Trương Đình Tuyển.

Chính thức gia nhập WTO, VN sẽ tận hưởng cơ hội nâng cao điều kiện sống, mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ và đảm bảo có việc làm cho tất cả mọi người. VN nên nỗ lực tiếp cận thị trường quốc tế một cách tốt nhất, tăng nhanh xuất khẩu, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và thu hút các công nghệ tiên tiến.

Theo những gì tôi quan sát, Chính phủ VN đã có một tầm nhìn lớn vào tương lai, can đảm và quyết tâm phát triển nền kinh tế và xây dựng VN thành một quốc gia giao thương mạnh. Quá trình làm việc với VN giúp tôi biết rằng, VN là một đất nước tuyệt vời với những con người chăm chỉ. VN chưa từng bị khuất phục bởi những thế lực từ bên ngoài.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng: Câu chuyện thực lực

Việc gia nhập WTO là sự thừa nhận của các nước đối với việc VN đã đổi mới thành công, phát triển theo hướng thị trường. Tất nhiên, nó cũng là dấu mốc của những thách thức mới mà VN sẽ phải vươn lên vượt qua trong thời gian tới.

Có thể nói là, chúng ta đã bước lên bậc thang mới, bắt đầu một quá trình leo dốc mới trong sự phát triển của mình, trong cuộc đua tranh toàn cầu. Các chuyên gia của WTO đã từng nói rằng, tham gia WTO, những vấn đề bên trong biên giới là những vấn đề quyết định nhất. Nghĩa là thực lực của mình là yếu tố quyết định nhất cho sự thành công của VN khi gia nhập WTO. Tôi nghĩ rằng, trong những chặng đường phát triển của VN, đã có những lần khi bước vào, mình cũng chưa hình dung được kết quả cụ thể như thế nào qua thời gian 5 năm, 10 năm sau đó. Thực tế là mình đã vượt qua được và đạt được những kết quả rất tốt đẹp.

Tất nhiên, sau những cam kết của VN, họ còn đòi hỏi VN phải tiếp tục có bước vươn lên vượt bậc. Ví dụ như, việc họ đưa ra cho VN khuôn khổ 12 năm để công nhận là nền kinh tế thị trường, có nghĩa là trong vòng 10 năm nữa chúng ta phải phấn đấu cật lực để có thể đạt được chuẩn về kinh tế thị trường như WTO qui định. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải cải cách hết sức mạnh mẽ. Nhưng thật ra với tư cách những người nghiên cứu khá lâu, tôi mong rằng, chúng ta không phải mất đến 12 năm mà phải ngắn hơn, ví dụ như trong 10 năm.

Để làm được điều này, tất cả các cơ quan, từ những con người ở những vị trí khác nhau, từ cơ quan nhà nước cho đến doanh nghiệp và kể cả người dân bình thường phải nỗ lực xác định vị trí mới của VN trên thế giới này. Với vị trí là thành viên WTO, chúng ta phải cố gắng thực hiện tốt nhất những điều cam kết cũng như mong muốn đạt được với chính mình. Muốn như vậy, mọi người phải khởi động bằng cách, rà soát lại xem hiện nay mình đang ở đâu, cần phải làm gì để tiến triển tốt hơn.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Bờ bến mới

Mở ra là cả một đại dương của những cơ hội và thách thức đang chờ ở phía trước. Những cơ hội và thách thức này gắn kết với nhau và chuyển hóa cho nhau. Nếu chúng ta vượt qua được thách thức, thì thách thức trở thành cơ hội. Nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội thì cơ hội lại có thể trở thành thách thức. Cạnh tranh toàn cầu là một thách thức. Nhưng nếu chúng ta biết tận dụng áp lực của cạnh tranh để đổi mới, cải tổ và vươn lên thì đó lại là một cơ hội. Thực tế cho thấy, hơn nửa thế kỷ thiếu vắng áp lực của cạnh tranh, nền kinh tế nước ta đã trở nên trì trệ và kém hiệu quả.

Cũng tương tự như vậy, thị trường rộng mở là một cơ hội, nhưng nếu chúng ta lại không có thứ hàng hóa gì có thể bán được cho thiên hạ thì đó chỉ là sự rộng mở để cho thiên hạ khai thác thị trường trong nước mà thôi. Gia nhập WTO có thể ví được với việc hòa mình vào đại dương đầy nắng, gió và sóng vỗ tràn bờ. Tuy nhiên, chúng ta đã không ra khơi với hai bàn tay trắng. Hai mươi năm đổi mới và mở cửa đã mang lại không ít những kiến thức và kỹ năng cần thiết để hội nhập thành công.

 Ông Yamada Minoru, Phó trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN:

Việc VN gia nhập WTO đúng một tuần trước khi diễn ra Hội nghị APEC 14 là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt về sự hội nhập kinh tế quốc tế của VN. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, VN là một trong những thị trường đầu tư nhiều kỳ vọng nhất. Tuy nhiên, VN sẽ gặp không ít khó khăn thách thức sau khi gia nhập WTO. Một trong những thách thức đó là vấn đề hàng giá rẻ tràn vào VN buộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tăng cường tính cạnh tranh. JICA tại VN luôn sẵn sàng hỗ trợ quá trình gia nhập WTO của VN cũng như quá trình hậu WTO. Trong đó, JICA đang hỗ trợ VN thực hiện một số dự án như “Dự án sở hữu trí tuệ”; “Dự án về tăng cường năng lực trong thực thi luật cạnh tranh và thực hiện chính sách tăng cường cạnh tranh tại VN”.

Ông Charly Madan , Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Citibank (Mỹ), thuộc Tập đoàn Tài chính và Ngân hàng Citigroup tại VN:

Có mặt tại VN lần đầu tiên từ năm 1949, Citigroup là một trong những định chế tài chính lớn nhất trên thế giới và sự hiện diện của Citigroup đã trở nên quen thuộc ở VN với hai chi nhánh chính và một mạng lưới xuyên suốt 64 tỉnh thành. Tôi muốn khẳng định rằng, VN là một thị trường quan trọng đối với Citigroup. Nếu thị trường ngày càng phát triển, chúng tôi cũng có lợi theo, đặc biệt khi VN gia nhập WTO. Việc VN trở thành thành viên của WTO sẽ khuyến khích nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng khả năng mở rộng thị trường của VN tại các thị trường như Mỹ và EU. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm tới việc mua cổ phần tại VN. Sự chú ý của các công ty đa quốc gia vào VN sẽ đẩy mạnh nhu cầu quản lý vốn và các giải pháp giao dịch quốc tế. Nguồn vốn giao dịch tăng sẽ tạo thêm cơ hội cho các dịch vụ ngân hàng. Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong việc cung cấp vốn cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng như giao dịch ngoại hối và các giải pháp quản lý rủi ro cho khách hàng.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án hỗ trợ VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Chính phủ Italia:

VN gia nhập WTO là một phần thưởng xứng đáng cho quá trình nỗ lực kéo dài 11 năm. Sau gần một năm làm việc tại Dự án, tôi cho rằng nền kinh tế VN đang đi đúng hướng và sẽ phát triển rất mạnh mẽ sau sự kiện này. Tuy nhiên, VN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua giai đoạn đầu sau khi gia nhập sẽ khó khăn và nhiều lúng túng. Để hội nhập vào Tổ chức này, VN phải thực hiện cải cách một cách mạnh mẽ nhằm nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, nâng cao sự hiểu biết về luật pháp quốc tế đối với các doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp VN tránh được thiệt thòi trong các vụ tranh chấp thương mại như các vụ kiện chống bán phá giá mà VN vừa mới trải qua.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước: Cơ hội để cọ sát với thị trường chứng khoán quốc tế, tại sao không?

Vào WTO, thị trường chứng khoán sẽ gặp phải những khó khăn nhất định vì còn non trẻ, hệ thống các công ty cổ phần không thực sự mạnh, chưa sẵn sàng tung những cổ phiếu cao ra thị trường. Các tổng công ty lớn lại chưa cổ phần hóa, nên hàng hóa trên thị trường chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Các định chế tài chính trung gian lại hạn chế về trình độ quản lý, kinh nghiệm. Hạn chế về kỹ thuật, cơ sở vật chất và nhận thức của những nhà đầu tư còn non kém. Hội nhập lại đặt ra những băn khoăn về năng lực cạnh tranh của các định chế tài chính trung gian trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán. Sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán VN với các công ty chứng khoán nước ngoài chắc chắn sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt. Tuy nhiên, có như vậy thì mới tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán VN phát triển.

Sắp tới đây, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ sớm đưa ra một chiến lược phù hợp với tiến trình hội nhập nhằm đảm bảo tính hệ thống, hiệu quả. Gia nhập WTO là cơ hội để VN có thể thực hiện niêm yết chéo.

Công ty Chứng khoán nhà nước được phép thành lập liên doanh với các công ty chứng khoán trong nước với phần vốn góp tối đa là 49%. Đây là điều kiện tốt để các công ty chứng khoán trong nước có điều kiện liên doanh với các công ty chứng khoán nước ngoài tận dụng về vốn, trình độ quản lý. Đối với các nhà đầu tư, khuyến khích các các nhà đầu tư tổ chức lẫn đơn lẻ, về chính sách là không phân biệt đối xử đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc cọ sát với thị trường quốc tế sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường chứng khoán như nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm vốn, công nghệ và kinh nghiệm nước ngoài.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: Phải coi trọng chữ “tín”

Từ nay, “mặt trận” xuất khẩu sẽ thêm rộng lớn, thêm nhiều cơ hội để giao thương, được đối xử sòng phẳng hơn theo luật chung của toàn thế giới, không còn bị “o ép” trong các vụ kiện thương mại. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt hơn, hàng rào kỹ thuật (có thể là bảo hộ sản xuất trong nước) ở những thị trường tiêu thụ lớn sẽ tinh vi hơn...

Để tồn tại và phát triển được ở sân chơi lớn, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần hợp tác cộng đồng, nhất là phải coi trọng chữ “tín”. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản còn nhiều chuyện cần nhanh chóng khắc phục để thích ứng với thị trường mở, như thiếu trung thực trong kinh doanh, thiếu ý thức đoàn kết đấu tranh với các tồn tại trong ngành về quản lý việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi, khai thác bảo quản thủy sản.

Ông Đỗ Ngọc Khải, Tổng Giám đốc Công ty Dầu thực vật - Hương liệu - Mỹ phẩm VN (Vocarimex): Cơ hội đưa thương hiệu vươn ra thị trường thế giới

 Hội nhập kinh tế khu vực (AFTA) đã giúp ngành Dầu thực vật trong nước có điều kiện cọ sát với thực tế cạnh tranh, tạo dựng bản lĩnh để bước tiếp vào giai đoạn hội nhập toàn diện với các nền kinh tế lớn trên thế giới khi VN đã là thành viên WTO.

Ngành Dầu thực vật cũng đã có những bước chuẩn bị trong mấy năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung đầu tư mở rộng công suất và đầu tư mới với trình độ thiết bị và công nghệ hiện đại. Năm 2007, Công ty sẽ có thêm một số nhà máy mới đầu tư đi vào hoạt động, năng lực của ngành Dầu sẽ tăng thêm 1.300 tấn/ngày, đưa công suất lên gấp đôi so với hiện nay.

Đồng thời, một số cơ sở phát triển Ngành cũng được đưa vào hoạt động như cảng chuyên dùng, hình thành các vùng nguyên liệu trong nước cung ứng cho sản xuất tinh luyện các sản phẩm dầu ăn cao cấp. Với những yếu tố này, ngành Dầu thực vật Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Việc gia nhập WTO sẽ giúp cho thương hiệu dầu thực vật trong nước có điều kiện vươn ra thị trường quốc tế tốt hơn.

Ông Huỳnh Trương Phất, Tổng Giám đốc Công ty Kiến Á: Củng cố và nâng cao trình độ cho yếu tố nội tại

Gia nhập WTO, thị trường bất động sản VN sẽ sôi động trở lại. Tôi nghĩ, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải nghiên cứu nhiều hơn về luật, không chỉ luật của mình mà còn luật nước ngoài. Bên cạnh đó, phải nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật cũng như cán bộ quản lý dự án về cung cấp phục vụ dịch vụ của mình.

Ông Trương Đức Ngãi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN: Liên kết để tồn tại

Muốn tăng được sức cạnh tranh, thì trước hết, các doanh nghiệp phải tự tìm đến nhau, tự hợp tác với nhau trong ngôi nhà chung là Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để tạo nên sức mạnh chung. Và tất nhiên, không thể thiếu được là sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước.

Võ Quốc Thắng, Tổng giám đốc Công ty Gạch Đồng Tâm: Ý thức bảo đảm chất lượng sản phẩm

Gia nhập WTO là một tín hiệu rất tốt, nhưng cũng là một áp lực cho các doanh nghiệp trong nước. Trên thế giới, người ta có những biện pháp để làm sao hạn chế hàng nhập khẩu bằng những quy định của nước sở tại, mình có quyền quy định những tiêu chuẩn để khi hàng hóa nào đạt yêu cầu thì chúng ta mới cho nhập khẩu.

Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp muốn có chỗ đứng thì bản thân doanh nghiệp phải có ý thức bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ tính mạng và tài sản của người tiêu dùng đặt lên hàng đầu.

  • Tags: