Ngày 26/10/2023, tại Lễ công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống - Bán lẻ - Bao bì năm 2023, Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam vinh dự được Ban tổ chức vinh danh xếp vị trí quán quân Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ.
Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ là bảng xếp hạng được công bố thường niên dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) kể từ năm 2012.
Theo chia sẻ từ Ban tổ chức, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định vị trí dẫn đầu của Central Retail chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất.
Theo công bố của Central Retail Corporation (Thái Lan), vào năm 2022, Central Retail Việt Nam đạt doanh số bán hàng đóng góp 24% tổng doanh thu của Central Retail, trở thành nhà bán lẻ quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, dẫn đầu thị phần mảng Đại siêu thị.
Central Retail trong 2023 tiếp tục kế hoạch mở rộng quy mô mạnh mẽ khi liên tiếp khai trương 3 siêu thị mini go! tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), Điện Bàn (Quảng Nam) và Hoà Thành (Tây Ninh); ra mắt thương hiệu mới Come Home cung cấp giải pháp toàn diện về trang trí nội thất; Động thổ dự án Trung tâm Thương mại và Đại siêu thị GO! tại Hà Nam.
Tính đến cuối tháng 6/2023, Central Retail sở hữu 77 cửa hàng bán lẻ thực phẩm, gồm 38 Đại siêu thị GO! và 39 siêu thị thuộc các thương hiệu Tops Market, mini go! và LanChi Mart.
Nhìn nhận Việt Nam là thị trường trọng điểm, đầu năm nay Central Retail tuyên bố khoản đầu tư trị giá 1,45 tỷ USD trong 5 năm tới vào Việt Nam. Trong giai đoạn 2023-2027, Tập đoàn này đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt trên 57 trên 63 tỉnh thành của Việt Nam.
Thông tin tại Lễ công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ năm 2023, đại diện Ban tổ chức cho biết, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, sự phát triển của các ngành hàng có mối liên hệ chặt chẽ với đà tăng trưởng chậm của kinh tế vĩ mô và sự đình trệ trong sản xuất công nghiệp.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Vietnam Report, những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt bao gồm: suy thoái kinh tế toàn cầu, sức cầu yếu do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực, biến động tỷ giá, rủi ro lạm phát gia tăng, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng…
Tuy nhiên, khi “hạ cánh mềm” dần được nhắc đến nhiều hơn để nói về bộ mặt kinh tế thế giới thay cho cụm từ “suy thoái” cách đây vài tháng, nền kinh tế Việt Nam cũng đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2023, tăng trưởng GDP có xu hướng dần cải thiện với mức tăng 5,33% - cao nhất so với hai quý đầu năm; ngành công nghiệp cũng có sự phục hồi khá tốt với mức tăng trưởng đạt 4,57%. Những chuyển biến tích cực này có thể mang đến sự khởi sắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các ngành trọng điểm như Thực phẩm, Đồ uống, Bán lẻ, Bao bì…
Cùng những biện pháp kích cầu từ Chính phủ đang được triển khai quyết liệt, đặc biệt là sự cải thiện về tình hình tài chính của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp giữ kì vọng lạc quan đối với triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới, mặc dù vẫn khó có thể đạt được tăng trưởng bứt phá. Theo đó, các doanh nghiệp cũng tập trung vào một số chiến lược ưu tiên cụ thể.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp Bán lẻ đã chủ động có những động thái xoay trục chiến lược để thích ứng và thay đổi với xu thế thời cuộc, sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng. Chiến lược đa kênh được coi là ưu tiên hàng đầu, bằng cách kết hợp ưu thế về khả năng tiếp cận rộng rãi của nền tảng trực tuyến với lợi thế mang lại trải nghiệm cho khách hàng ở cửa hàng thực tế. Ngoài ra, các chương trình kích cầu người tiêu dùng, ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, cắt giảm chi phí cửa hàng/ siêu thị… cũng được các nhà bán lẻ quan tâm.