Thông tin tại Tọa đàm “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 20/5/2023, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với đặc thù Thủ đô có địa bàn lớn, tập trung đông dân cư và nhiều cơ quan “đầu não” quan trọng của đất nước, Thành phố xác định đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng.
Trên cơ sở Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu Thành ủy ban hành đầy đủ các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể giao cho các cơ quan ban ngành của Thành phố để triển khai theo từng giai đoạn, từng năm.
Báo cáo cho thấy, riêng năm 2022, việc triển khai Chương trình trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã góp phần tiết kiệm 131,3 kTOE, đạt 1,63% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu, trong đó tiết kiệm điện 481,17 triệu kWh, khoảng 2,2% lượng điện thương phẩm (Kế hoạch năm 2022, Thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,3 - 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu, trong đó tiết kiệm điện tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương trên 450 triệu kWh).
Huy động sự tham gia của toàn Thành phố
Dù vậy, thực tế cho thấy, năm 2022, Hà Nội đã vượt qua TP. Hồ Chí Minh, trở thành địa phương có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc. Bên cạnh đó, địa bàn Hà Nội và miền Bắc nói chung có biểu đồ phụ tải phức tạp hơn so với từ địa bàn từ Nam Trung Bộ trở vào, dẫn đến vấn đề cân đối nguồn điện, vấn đề sử dụng năng lượng và sử dụng điện cũng đối diện nhiều thách thức. Do vậy, bên cạnh bài toán đầu tư phát triển nguồn điện để đảm bảo cấp điện cho phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Năm 2023, trước dự báo khó khăn về cung ứng điện và thời tiết cực đoan, ngay từ đầu năm, Thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch với nội dung triển khai chi tiết, có trọng tâm, trọng điểm.
Ngày 25/3/2023, Hà Nội đã tổ chức thành công các hoạt động hưởng ứng đêm Sự kiện chiến dịch Giờ Trái đất, tiết kiệm điện năm 2023 với thông điệp “Tiết kiệm điện - thành thói quen”. Qua tổng hợp thống kê sản lượng tiết kiệm điện trên địa bàn Thành phố trong vòng một giờ diễn ra Sự kiện ngày 25/3/2023 là 34.278 kWh, giúp giảm phát thải 24,75 tấn CO2, tương ứng tỷ lệ 11,5% so với cả nước (lượng tiết kiệm Giờ trái đất năm 2023 của toàn quốc đạt 298.000 kWh).
Ngày 22/3/2023 đã tổ chức Hội nghị Đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng năm 2023 nhằm nâng cao hiệu quả công tác triển khai các chương trình điều chỉnh nhu cầu phụ tải điện phi thương mại, chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, góp phần đảm bảo nhu cầu sử dụng điện mùa hè nắng nóng. Hội nghị cũng đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận Doanh nghiệp đồng hành cùng EVNHANOI điều chỉnh nhu cầu phụ tải điện trong mùa nắng nóng 2023.
Ngày 14/4/2023 Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phát động cao điểm hè về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với sự tham gia của 250 đại biểu, gồm: Bộ Công thương, UBND thành phố Hà Nội; Thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã; Tập Đoàn điện lực Việt Nam; Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI); một số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; khách hàng sử dụng điện lớn; Các cơ quan truyền thông.
“Chương trình cao điểm hè kêu gọi sự tham dự của tất cả các đơn vị phân phối điện và các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn; đồng thời tổ chức tuyên dương, tuyên truyền, khuyến khích, động viên để các doanh nghiệp chia sẻ, thông cảm với ngành Điện và chính quyền Thành phố, chung tay kí cam kết giảm bớt sử dụng điện vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo ổn định cấp điện cho Thủ đô”, ông Nguyễn Đình Thắng cho hay.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng các sổ tay, sổ hướng dẫn phát hành đến nhiều cơ quan, đơn vị tại 30 quận, huyện cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.
Thành phố cũng xây dựng các chương trình tập huấn trực tiếp tại 30 quận, huyện về những mô hình tiên tiến, những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và tiết kiệm điện có thể ứng dụng trên địa bàn thành phố.
Một giải pháp khác rất phù hợp và hiệu quả đối với Hà Nội trong những thời điểm nắng nóng như thế này là việc sử dụng điện mặt trời áp mái.
Thời điểm trước những năm 2005 Thành phố vận động và hỗ trợ tất cả nhà dân chuyển đổi từ bình nước nóng điện sang bình nước nóng năng lượng mặt trời; đến bây giờ cơ bản hầu như nhà dân nào cũng sử dụng bình nước nóng mặt trời.
“Ví dụ như gia đình tôi lắp 11 kW điện mặt trời, như ngày hôm nay hoặc là các ngày trước đấy, ngoài sử dụng ra, tôi phát lên lưới 60 - 70 kW trong một ngày”, ông Thắng chia sẻ.
Xây dựng tiết kiệm điện trở thành thói quen, nhận thức
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin thêm, từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức hàng loạt các sự kiện như Hội chợ triển lãm về “Công nghệ năng lượng - môi trường tại Hà Nội năm 2023”; Hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa Hà Nội; Ngày hội khuyến mại điện tử, công nghệ - Electric & Technology promotion day; Ngày hội khuyến mại điện tử, công nghệ - Electric & Technology promotion day.
Đặc biệt, Diễn đàn Công nghệ năng lượng và môi trường năm 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 29/6/2023 dưới sự chủ trì, thực hiện của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội.
Hà Nội cũng dự kiến tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường và tổ dân phố để các đồng chí, bà con tổ dân phố có thể trực tiếp đi tuyên truyền, vận động giúp trực tiếp người sử dụng điện, năng lượng tại nhà.
“Đây cũng là một giải pháp mà chúng tôi tiếp tục nỗ lực triển khai để tuyên truyền về tiết kiệm điện trong giai đoạn này. Qua đây, hi vọng các cơ quan Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Giáo dục và Đạo tạo tại các địa phương chung tay với chúng tôi đưa vào mô hình tiết kiệm năng lượng trong các trường học ngay từ cấp tiểu học, qua đó tuyên truyền, tạo thành ý thức lâu dài trong trong mỗi con người, mỗi người dân chúng ta về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.
Mặt khác, từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, người dân và doanh nghiệp cần thời gian để “vừa học tập, vừa tuyên truyền và thay đổi dần”.
“Một khó khăn nhìn thấy ngay, là như với các doanh nghiệp, trong một ngày, một tháng, một năm mà yêu cầu họ thay đổi cả một cơ sở hoặc một quy trình công nghệ là rất khó. Do đó, Nhà nước cần xem xét, có cơ chế cùng đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ, để chúng ta chuyển đổi dần các công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng sang ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm hơn”, ông Nguyễn Đình Thắng đề xuất.
Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5% - 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu, trong đó đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho các khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trên địa bàn.
- Đạt chỉ tiêu 65% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng.
- Đạt 75% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 60% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Đạt chỉ tiêu 75% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định;
- Đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xảy dụng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn;
- Đạt 55 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng NĂNG LƯỢNG XANH, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và có ít nhất 4 đến 6 cơ sở công nghiệp, công trình xây dựng được công nhận giải thưởng hiệu quả năng lượng cấp Quốc gia hoặc khu vực ASEAN.
- Tập huấn, hướng dẫn cho 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, người quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng; đào tạo và cấp chứng chỉ 30-40 cán bộ quản lý năng lượng.
- Góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể: (i) Đối với công nghiệp dệt may: tối thiểu 1,2%; (ii) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: từ 1,4% đến 2% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; (iii) Đối với công nghiệp giấy: từ 2,5% đến 4% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất; (iv) Đối với công nghiệp hóa chất: tối thiểu 1,5%; (v) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: từ 4% đến 5,5%.
- Phấn đấu đạt 50% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.