Xin bắt đầu từ cái mốc thời gian đáng ghi nhận, đó là dịp Công ty TNHH Vedan Việt Nam kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động và sản xuất kinh doanh (1994- 2004). Ngày 26/12/2004, Công ty được Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tặng Giải thưởng chất lượng Việt Nam kèm theo Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tại lễ trao giải thưởng chất lượng Việt Nam lần này, Vedan Việt Nam là 1 trong 5 công ty trong cả nước được trao tặng ( Top 5).

Cũng vào dịp khép lại những ngày cuối cùng của năm 2004 sôi động, Tạp chí Sài Gòn Timer đã cùng khách hàng cả nước bình chọn Công ty Vedan Việt Nam lọt vào “Top 40” doanh nghiệp FDI đạt kết quả cao nhất trong năm 2004.

Mở đầu năm 2005, Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo KHCN VN (VIFOTEC) tổ chức tại Hội trường Ba Đình thì Vedan lại là nhà đồng tài trợ chính, bên cạnh 2 doanh nghiệp “Mạnh Thường Quân” khác là Công ty May Việt Tiến (Vitec) và Tổng CTy CN tàu thuỷ VN, tạo nên một buổi lễ hoành tráng, tôn vinh giá trị đích thực của KHCN- động lực thúc đẩy cho XH phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Tiếng lành đồn xa, tôi đã đến Công ty Vedan đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Giải phóng Miền Nam (30.4.1975- 30.4.2005). Khuôn viên bạt ngàn cây xanh của xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là nơi Công ty Vedan đứng chân đã hơn chục năm nay (1991 - 2005). Nơi đây, hơn 30 năm về trước là vùng chiến địa, dày đặc bom mìn, vì đây là vùng tranh chấp ác liệt. Hậu thế chúng tôi vô cùng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã đẩy lùi chiến tranh, có được hoà bình như hôm nay, mở rộng vòng tay đón bè bạn đến làm ăn, mà Vedan là một biểu hiện sinh động

Anh Diệp là Tổng giám đốc, anh nói tiếng Việt sõi tới mức khó lòng nhận ra anh là người Đài Loan. Anh bận đi công tác miền Trung trong chương trình mở rộng đầu tư của Công ty. Đó là Công ty đã đầu tư thêm 2 nhà máy tinh bột sắn: 1 ở Bình Thuận và 1 ở Hà Tĩnh, nên việc tiếp báo chí anh giao cho Luật sư Nguyễn Phương Thuỳ ở Ban Pháp chế của Văn phòng. Thùy không quên chuẩn bị sẵn tập tài liệu cung cấp cho cánh báo chí chúng tôi. Thuỳ là cô gái Hà Nội mảnh mai như cành đào Nhật Tân, nụ cuời lúc nào cũng thường trực sau cặp kính cận gọng trắng. Giọng nói Hà Nội của Thuỳ trong veo, chưa hề pha trộn một chút nhỏ ngữ âm Nam Bộ. Cô luật sư gửi lại Hà Nội sau lưng, vào đây “ăn ở tại nhà tập thể công ty” để lập nghiệp giữa miền đất chan hoà nắng gió này. Thuỳ nói với tôi và anh Sánh (cán bộ Sở Công nghiệp Đồng Nai) đi cùng: “Vedan phát triển được như hôm nay là nhờ định hướng của lãnh đạo Công ty rất đúng đắn. Vedan lại được lãnh đạo Tỉnh, Huyện, các Ban Ngành, đã quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ. Hai yếu tố thuận lợi đó đã làm cho Công ty phát triển một cách bền vững 10 năm qua. 

Qua câu chuyện với luật sư Nguyễn Phương Thuỳ và tập tài liệu tổng hợp của Công ty Vedan, tôi suy nghĩ về doanh nghiệp này với 5 kết quả nổi bật sau đây:

Vedan là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài(FDI) đến Đồng Nai đầu tư sớm nhất, ngay những năm đầu đất nước ta mở cửa (1991). Sau 5 năm xây dựng cơ sở sản xuất, năm 1994, Vedan mới đi vào sản xuất kinh doanh. Sản phẩm của Công ty hầu hết là sản phẩm công nghệ sinh học, chế biến từ nông sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là sắn, rỉ mật, muối công nghiệp. Vedan là người “ bao tiêu đầu ra” cho bà con nông dân trồng sắn và trồng mía, chủ yếu là vùng sâu vùng xa. Chỉ lấy số liệu 5 năm lại đây (2000 – 2004) Vedan đã thu mua 1.253.836 tấn sắn tươi, 267.832 tấn tinh bột khô, 36.485 tấn sắn lát khô và 118.243 tấn rỉ mật, tạo điều kiện kích thích phát triển sản xuất, thu nhập và nâng cao sống cho nông dân vùng sâu, vùng xa.

Ngoài nhiệm vụ “thu mua, chế biến” sắn củ truyền thống của nông dân, Vedan đã làm tốt nhiệm vụ chuyển giao cho nông dân những giống sắn tốt của các nước trên thế giới có điều kiện canh tác giống như Việt Nam. Đó là những giống sắn KM60, KM94, KM 98, có hàm lượng tinh bột nhiều, năng suất gấp 2 lần giống sắn cũ (27- 30 tấn/ha). Vùng trồng nhiều sắn nhất hiện nay là Đông Nam Bộ.

Mặc dù trụ sở đóng tại Đồng Nai, nhưng Công ty đã  đầu tư cơ sở chế biến tinh bột ngay tại vùng nguyên liệu là vùng sâu vùng xa như Phước Long (Bình Phước), Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Việc đặt cơ sở chế biến tại vùng này có ý nghĩa: Vừa tạo điều kiện cho nông dân phát triển trồng sắn, đỡ tốn kém công vận chuyển, ít hao tổn chất lượng, đưa được công nghiệp chế biến về cho nông thôn, tạo được công ăn việc làm, phù hợp với chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước.

Hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng Công ty luôn thực hiện phương châm tạo đầu ra ổn định cho người dân về sản lượng và giá cả. Từ trước tới nay, Công ty đảm bảo thu mua hết sản phẩm cho nông dân không hạn chế. Mặt khác, để nông dân không bị ép giá, tránh rủi ro, bấp bênh, Công ty đã định giá sàn đảm bảo cho nông dân trong điều kiện nào thì họ vẫn có lãi. Một thực tế chứng minh là mấy năm lại đây, mặc dù thị trường có biến động, nhưng Công ty vẫn đảm bảo thu mua theo giá sàn, người dân rất tin tưởng và phấn khởi.

Đa dạng hoá sản phẩm luôn được Công ty coi trọng. Ngoài 50 mặt hàng, trong đó có những sản phẩm truyền thống thì năm 2005, Công ty cho ra 2 mặt hàng mới là bột gia vị cao cấp và Y- PGA. Sản phẩm mới Y- PGA là sản phẩm công nghệ sinh học cao cấp, dùng trong hoá mỹ phẩm, chế biến dược phẩm, thực phẩm, xử lý nước thải, chế biến nông sản. Một sản phẩm thứ 3 mang tính sáng tạo - đó là phân bón hữu cơ VEDAGRO. Xuất phát từ thực tế là hàng năm, Công ty sử dụng lượng rỉ mật rất lớn, sau khi lên men vẫn còn lại một hợp chất chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng. Công ty chế biến hợp chất này thành phân bón hữu cơ dạng lỏng (VEDAGRO) đã được Bộ NN và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật và cho phép lưu hành rộng rãi. Nay sản phẩm này đã trở thành quen thuộc với nông dân Đông Nam Bộ.

Một vài suy nghĩ về 5 kết quả của Công ty Vedan Việt Nam, một doanh nghiệp FDI đã đầu tư rất hiệu quả ở Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng. Những kết quả đó đã làm nên một Vedan phát triển bền vững. Xin nêu 2 con số tiêu biểu trong năm 2004 của Công ty Vedan Việt Nam để độc giải suy ngẫm:

- Nộp ngân sách 11.936.000 USD ( khoảng 180  tỷ VNĐ)

- Tài trợ hoạt động xã hội : 1.417.158.000 đồng./.

  • Tags: