Ông Lý Hải Hầu - Phó Chủ tịch thường trực
UBND tỉnh Cao Bằng.
PV:
Đề nghị ông đánh giá, phân tích về ưu thế địa lý của Cao Bằng đối với hoạt động
thương mại biên giới? Nhiều năm qua, ưu thế này đã được Cao Bằng khai thác như
thế nào, thưa ông?
Ông Lý Hải Hầu: Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới đất liền với Trung Quốc dài trên 333 km, trước khi thương mại phát triển, trong nhiều thập kỷ qua cư dân biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu thông qua các lối đi truyền thống để phục vụ cho sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày, đồng thời phục vụ cho các hoạt động qua – lại thăm thân, hiếu hỉ, lễ hội của cư dân hai bên biên giới.
Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ Việt – Trung, từ đầu những năm 1990 đến nay, với nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng cao giữa hai nước Việt – Trung, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, hiện nay, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Cao Bằng tiếp giáp Trung Quốc có 01 cửa khẩu quốc tế Tà Lùng và 03 cặp cửa khẩu chính (song phương) cửa khẩu Trà Lĩnh, cửa khẩu Sóc Giang, cửa khẩu Lý Vạn và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở rải rác trên toàn tuyến biên giới đã tạo ra tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu, trao đổi sản phẩm, hàng hóa.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng lợi thế đó, Đảng bộ có Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn năm 2020, tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình. Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng thực hiện đầy đủ và đúng theo các chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, tích cực tham gia góp ý kiến để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển thương mại biên giới mà Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác dự thảo. Mặt khác, trên cơ sở quan hệ hữu nghị của hai nước, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây của Trung Quốc đã cử nhiều đoàn chính quyền các cấp qua lại hai bên làm việc để thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Vì vậy, những năm qua, kinh tế cửa khẩu, thương mại biên mậu và kinh ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Cao Bằng đã đạt được những kết quả rất tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn hàng năm đều tăng, cụ thể: giai đoạn 2001-2005 tổng số kim ngạch đạt 153.516.091 triệu USD, giai đoạn 2006-2010 đạt 585.515.435 triệu USD, tăng 381,4% so với giai đoạn 2001-2005, riêng trong năm 2011 kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng đạt 343.056.000 triệu USD tăng 223,79% so với giai đoạn 2001-2005. Riêng năm 2012 là 248,100 triệu USD.
PV: Hoạt động thương mại biên giới ở Cao Bằng có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông? Từ thực tế ở Cao Bằng, ông cho biết những nhận định về sự cần thiết phải đổi mới hoạt động xuất nhập khẩu thương mại biên giới trong thời gian tới?
Ông Lý Hải Hầu: Như đã nói ở trên, Cao Bằng có vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới, có nhiều cửa khẩu, lối mở để trao đổi hàng hóa, mặt khác, tỉnh Cao Bằng có mối quan hệ hữu nghị với Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây và có sự tương đồng về tiêu dùng. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, sản xuất chưa phát triển, hệ thống hạ tầng cửa khẩu còn hết sức khó khăn, yếu kém, đến nay Cao Bằng vẫn là một tỉnh nghèo so với mặt bằng chung của cả nước, đặc biệt một số khu vực vùng biên giới còn rất khó khăn về kinh tế - xã hội, không có đủ hàng hóa để trao đổi. Mặt khác, hiện nay nhiều văn bản, quy định về thương mại biên giới của chúng ta còn chưa đầy đủ. Nhất là những quy định điều hành đối với các cửa khẩu phụ, lối mở...
Vì vậy, tôi cho rằng, không chỉ ở Cao Bằng mà còn cả các tỉnh có điều kiện phát triển thương mại qua biên giới, việc đổi mới hoạt động xuất nhập khẩu thương mại biên giới là hết sức cần thiết, trong đó có một số nội dung trọng tâm như sau: điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động thương mại biên giới; phân cấp quản lý hoạt động thương mại biên giới cần giao quyền chủ động hơn cho địa phương; phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các thành viên Ban chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương và giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại biên giới...
PV: Những năm gần đây, khi mà môi trường đầu tư ngày càng trở nên quan trọng, Cao Bằng đã có những chính sách gì để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại các cửa khẩu?
Ông Lý Hải Hầu: Phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng, do vậy hoạt động thương mại biên giới luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp Ủy, Đảng của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và liên tục cải cách các thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các cửa khẩu. Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc cải thiện môi trường đầu tư trong phạm vi toàn tỉnh nói chung và tại các khu vực cửa khẩu nói riêng. Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư, kinh doanh tại các khu vực cửa khẩu, được miễn giảm tiền thuê đất lên đến 4 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo tính từ ngày dự án đi vào hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa, máy móc thiết bị mà Việt Nam chưa sản xuất được phục vụ cho việc đầu tư dự án, kinh doanh...
PV: Trong tương lai, Cao Bằng sẽ là trung tâm giao lưu hàng hóa quốc tế với các tỉnh Quảng Tây cũng như các tỉnh, thành phố phía tây nam Trung Quốc như Quý Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh với Việt Nam và các nước Đông Nam Á thông qua đường Hồ Chí Minh và đường xuyên Á. Vậy Cao Bằng đã và đang chuẩn bị những gì cho mình trước vận hội này?
Ông Lý Hải Hầu: Cũng như việc hình thành các hành lang kinh tế, sự hình thành của tuyến kết nối giao thông không những góp phần mở rộng các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, về nhiều lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải… mà còn cả các lĩnh vực giao lưu văn hoá giữa hai nước Việt – Trung. Sự hình thành này sẽ trở thành một trong những chiếc “cầu nối” rất quan yếu để mở rộng giao thương kinh tế, thương mại và du lịch giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đặc biệt khi Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA) có hiệu lực. Nhận thức rõ cơ hội đó, tỉnh Cao Bằng đã đưa ra những kế hoạch, định hướng rõ ràng, bao gồm một số nội dung như sau:
- Tập trung nguồn lực và thống nhất phương hướng để phát triển kinh tế cửa khẩu Cao Bằng một cách toàn diện, phát huy hiệu quả tổng hợp khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh của khu vực theo đúng các quy định hiện hành và định hướng của Nhà nước. Tăng cường tính đối trọng và tạo sức cạnh tranh với các khu kinh tế phía Trung Quốc, gắn kết các địa phương trong cả nước có cùng ưu thế.
- Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tạo động lực và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới, tăng khả năng hợp tác giữa hai địa phương cũng như hai nước biên giới.
- Đảm bảo tính thống nhất và thực hiện theo đúng pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển thương mại biên giới.
- Nâng cao hiệu quả và tính đồng bộ của thể chế, chính sách nhà nước đối với phát triển kinh tế cửa khẩu kết hợp với vận dụng các chính sách biên mậu giữa Việt Nam - Trung Quốc để đảm bảo tính ổn định cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực cửa khẩu nói riêng.
- Tích cực đàm phán, trao đổi với phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung mà hai bên đã cam kết thông nhất, với tinh thần “bổ sung thế mạnh cho nhau, hai bên cùng có lợi, cùng thắng”, mở rộng hơn nữa quy mô hợp tác kinh tế - thương mại; tích cực ủng hộ và thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tiến hành hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!