Một trong những sự kiện
khởi đầu năm mới 2015 được giới khoa học và doanh nghiệp chào đón là sự ra đời
của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia ngày 8/1/2015. Với số vốn điều lệ lên tới
1.000 tỷ đồng, việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã thể hiện sự quyết
tâm của Chính phủ trong việc tập trung các nỗ lực nâng cao chất lượng tăng trưởng
của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy khoa học công nghệ
và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền
vững.
Trước đó, trong Báo cáo đầu tiên về Đánh giá khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam được công bố cuối tháng 11/2014, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đưa ra thông điệp: Việt Nam cần lựa chọn con đường nâng cao năng suất lao động dựa trên sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo các chuyên gia WB và OECD, Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế và xã hội, giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, trong khi đó, tình hình quốc tế kém sôi động hơn.
Ở một góc độ khác, các chuyên gia chỉ ra rằng, Việt Nam đã mở rộng và đa dạng hóa cơ cấu ngành hàng xuất khẩu nhưng quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ “công nghệ cao” và có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn vẫn còn khá chậm. Trong một nghiên cứu của OECD, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam được xếp hàng thấp nhất trong các nước được so sánh. Khảo sát của UNIDO năm 2011, việc nâng tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao diễn ra chậm chạp trong cấu trúc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chỉ tăng 1% trong giai đoạn năm 2000 - 2009 và hàm lượng công nghệ tầm trung tăng tỷ lệ 3%. Trong khi đó, tỷ lệ gia tăng cấu trúc hàng hóa công nghệ cao ở Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng một cách bền vững và đều đặn hơn.
Theo ông Andrew Wyckoff - Giám đốc Khoa học, Kỹ thuật và Đổi mới sáng tạo của OECD, thách thức của Việt Nam hiện nay là đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong điều kiện môi trường quốc tế kém sôi động hơn. Để tránh rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước.
Doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo
Một trong những khuyến nghị được nhóm chuyên gia WB và OECD nhấn mạnh trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam là tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Theo đó, cần đặt việc thực hiện đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển được đánh giá là chưa được coi trọng ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Khu vực doanh nghiệp hiện vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi nghiên cứu phát triển. Theo số liệu năm 2007 được đưa ra trong báo cáo, tỷ trọng đầu tư cho khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nhất, chưa đến 20% trong tổng chi cho đầu tư về nghiên cứu, phát triển của Việt Nam, và thuộc vào hàng 4 nước thấp nhất trong số các nước tham gia khảo. Tỷ lệ chi nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp trên tổng chi trong nước cho nghiên cứu, phát triển của Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trên 7 nước trong khu vực được lấy so sánh, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ của Malaysia, Philippines, Singapores và Thái Lan.
Trong khi việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam tăng ổn định thì số lượng đăng ký sáng chế quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam hàng năm vẫn thấp, dưới 20 sáng chế/năm trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2011. Về phần mình, hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, theo một khảo sát năm 2012 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và WB, chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp tham gia vào hoạt động hợp tác về đổi mới công nghệ với đối tác bên ngoài và chỉ có khoảng 1% hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học.
Khảo sát năm 2010 của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia về việc triển khai các chiến lược đổi mới sáng tạo trên 8.000 doanh nghiệp cho thấy, chiến lược đổi mới sáng tạo nổi trội nhất của các doanh nghiệp này tập trung lớn nhất vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Hoạt động sáng tạo trong quy trình sản xuất nhằm thúc đẩy năng suất lao động cũng được coi trọng. Một số doanh nghiệp nhìn nhận sáng tạo như một cách để đa dạng hóa các loại hình sản xuất và tìm kiếm thị trường mới. Chỉ có 11% doanh nghiệp được khảo sát có cam kết về hoạt động nghiên cứu phát triển, và trong số doanh nghiệp này, trong số này, 60% doanh nghiệp chỉ hoạt động nghiên cứu sáng tạo nội bộ.
Theo các chuyên gia, mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thế giới hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp cần sớm đầu tư vào việc phát triển năng lực công nghệ tiên tiến, kể cả hoạt động nghiên cứu và phát triển. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết hiện nay để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, cần ưu tiên tăng cường năng lực sáng tạo nội bộ trong các loại hình doanh nghiệp - từ năng lực thiết kế, tới chế tạo, marketing, công nghệ thông tin và nghiên cứu sáng tạo.
Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới cần có các biện pháp chính sách hướng tới đổi mới sáng tạo, cũng như các biện pháp thu hút và liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Theo bà Victoria Kwakwa, tăng cường cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với việc đầu tư sớm vào năng lực phát triển công nghệ hiện đại. Làm được điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Một số doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng khoa học sáng tạo
Cả 4 doanh nghiệp nêu dưới đây đều ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm nhằm phục vụ xuất khẩu hoặc có kế hoạch xuất khẩu. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp này buộc phải đảm bảo các tiêu chuẩn với chất lượng cao hơn.
+ Ba Huân: Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp trứng sạch (với sản lượng 1 triệu quả/ngày). Đơn vị này đã sử dụng công nghệ tiên tiến nhất được nhập khẩu từ Hà Lan và đã giành được uy tín về chất lượng sản phẩm sạch.
+ Vinamit: Với sản phẩm đặc trưng là hoa quả sấy, doanh nghiệp này có mức tăng trưởng trung bình hàng năm tới 35% và 60% sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Công nghệ và máy móc từ quá trình làm sạch, chế biến và đóng gói các sản phẩm được nhập khẩu từ Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Vinamit đang sở hữu phòng nghiên cứu phát triển hạt giống và đã ra mắt một chương trình hợp tác với các trang trại với mục tiêu có sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp hơn.
+ THP: Với sản phẩm đồ uống không cồn phổ biến khắp cả nước, doanh nghiệp này đã tăng trưởng nhanh chóng với hơn 4.000 lao động. Công nghệ sản xuất của doanh nghiệp được nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc và doanh nghiệp này có riêng bộ phận nghiên cứu phát triển.
+ Humix: Là doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao. Sản phẩm của doanh nghiệp này phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và phần lớn được xuất khẩu.
Nguồn: Chính sách sáng tạo của Việt Nam (WB và NISTPASS - 2010)