Năm 2007, ớt ngọt là nhóm gia vị được tiêu thụ nhiều nhất ở Áo, đạt 2,2 nghìn tấn/3,4 triệu EUR. Giai đoạn 2003 - 2007, tiêu thụ ớt ngọt của Áo đạt mức tăng trung bình 6%/năm về mặt khối lượng nhưng giảm 7% về mặt giá trị. Tiêu thụ hạt tiêu, nhóm sản phẩm đứng thứ hai, giảm 13% về giá trị nhưng tăng 4% về khối lượng, đạt 1,78 nghìn tấn/1 triệu EUR vào năm 2007. Hạt gia vị, nhóm sản phẩm đứng thứ ba, là nhóm sản phẩm duy nhất có mức tiêu thụ tăng cả về khối lượng và giá trị, lần lượt là 14% và 29%, đạt 1,5 nghìn tấn/0,8 tỷ EUR trong năm 2007.
Trong số những nhóm sản phẩm có mức tiêu thụ thấp về số lượng, chỉ có gừng và nhục đậu khấu, bạch đậu khấu đều tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị. Tiêu thụ nghệ, đinh hương và quế đều tăng về khối lượng nhưng không tăng về giá trị.
Áo được đánh giá là thị trường đã bão hòa đối với các sản phẩm gia vị và thảo mộc hữu cơ. Hiện nay, Áo là một trong những nước có thị phần cao nhất EU đối với thực phẩm hữu cơ, chiếm xấp xỉ 6% tổng doanh thu tiêu thụ thực phẩm năm 2007 của EU. Sự tăng trưởng tiêu thụ của ngành bán lẻ thực phẩm hữu cơ đã thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp thực phẩm ở Áo.
Mặc dù là một nước nhỏ, Áo rất tự hào là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở EU và góp phần vào sự thịnh vượng chung của EU. Sở thích và xu hướng tiêu thụ của người Áo cũng giống như người dân các nước khác ở EU. Nhịp độ sống nhanh đã dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển các sản phẩm thực phẩm tiện lợi và thực phẩm chế biến đựng trong các bao gói. Bên cạnh đó, mối quan tâm của người tiêu dùng Áo về sức khỏe đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm tự nhiên và sản phẩm hữu cơ. Thị trường thực phẩm hữu cơ ở Áo đã phát triển từ một thị trường ngách thành một thị trường quan trọng.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Center - ITC), 85% dân số Áo thường xuyên mua thực phẩm hữu cơ. Thêm vào đó, do người Áo, nhất là giới trẻ, ngày càng quan tâm hơn đến các loại thực phẩm dân tộc và các loại thực phẩm khác ở các khu vực địa lý khác nhau trên thế giới nên Áo có thể sẽ là thị trường hấp dẫn cho các nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển.
Gia vị và thảo mộc nhập khẩu vào thị trường EU hầu hết đều dưới dạng thô, chưa xay, nghiền, và có cùng các kênh thương mại là các nhà nhập khẩu chuyên doanh và nhà môi giới. Gia vị và thảo mộc hữu cơ thường được đưa vào Áo thông qua các nhà nhập khẩu có trụ sở tại Đức và Hà Lan. Thương mại trực tiếp giữa các nhà chế biến thực phẩm đã trở nên thịnh hành hơn, nhưng chủ yếu thiên về các sản phẩm có chất lượng cao và khối lượng lớn. Một phần lớn gia vị và thảo mộc được đưa vào Áo bởi các nhà thương mại tại các nước EU khác, thay vì được nhập trực tiếp từ các nước đang phát triển. Nhóm tiêu thụ quan trọng nhất đối với gia vị và thảo mộc ở Áo là lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ cung cấp thực phẩm và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Để phục vụ tiêu thụ trong nước, hàng năm Áo phải nhập khẩu một lượng đáng kể gia vị và thảo mộc. Áo là nước nhập khẩu các mặt hàng này ở quy mô trung bình, đứng thứ 8 trong EU và chiếm 4% tổng giá trị nhập khẩu gia vị và thảo mộc của EU. Năm 2007, Áo nhập khẩu 12 nghìn tấn/37 triệu EUR gia vị và thảo mộc các loại, với mức tăng trung bình hàng năm giai đoạn 2003 - 2007 đạt 5% về khối lượng và 10% về giá trị.
Hạt tiêu là nhóm gia vị được Áo nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 25%, tiếp theo là ớt ngọt chiếm 20% và các loại hỗn hợp gia vị khác chiếm 17%. Giai đoạn 2003 - 2007, kim ngạch nhập khẩu tất cả các loại gia vị trên vào Áo đều tăng. Trong số các loại gia vị và thảo mộc nhập khẩu vào Áo, nghệ tây có mức nhập khẩu tăng cao nhất, tăng 30% về giá trị và 15% về khối lượng. Chỉ có nhập khẩu vani giảm cả về giá trị và khối lượng.
Về thị trường nhập khẩu, giai đoạn 2003 - 2007, kim ngạch nhập khẩu gia vị và thảo mộc của Áo tăng ở hầu hết các nguồn nhập khẩu, trong đó các nguồn bên ngoài EU tăng 37%/năm, từ các nước đang phát triển tăng 16%/năm.
Phần lớn nhập khẩu gia vị và thảo mộc của Áo là từ các nước thành viên EU, chiếm tới 85%. Đức là thị trường cung cấp gia vị và thảo mộc nhiều nhất cho Áo trong năm 2007, chiếm 60% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của Áo, tiếp theo là Hà Lan với 12%, Secbia 6%, Pháp 5% và Tây Ban Nha 3%.
Trái với thị phần nhập khẩu gia vị và thảo mộc từ các nước trong và ngoài EU nói chung, thị phần của các nước đang phát triển ở Áo tăng khiêm tốn nhưng liên tục, từ 9% năm 2003 lên 11% vào năm 2007. Thị phần các nước đang phát triển vẫn nhỏ so với tổng nhập khẩu gia vị và thảo mộc của Áo nhưng có nhiều cơ hội tăng trưởng. Việt Nam cũng là một trong những thị trường cung cấp chính trong số các thị trường đang phát triển về gia vị và thảo mộc cho Áo. Năm 2008, Áo nhập khẩu từ Việt Nam 195 tấn/567 nghìn EUR hạt tiêu, 10 nghìn tấn/9 triệu EUR quế, 0,1 nghìn tấn/0,27 triệu EUR gừng và một số loại gia vị khác.