Giai đoạn gian khó của ngành Công Thương
Ngành Công Thương trong 10 năm đầu sau khi đất nước thống nhất là giai đoạn cực kỳ gian nan, trắc trở. Cùng lúc tất cả những gì là khó khăn thách thức nhất ập đến khi công cuộc khắc phục hậu quả sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá bắt đầu. Trong khi những vết thương chiến tranh chưa lành hẳn, những nhịp cầu đổ gục giữa dòng sông, những lò cao khu công nghiệp chưa kịp tỏa khói; những thành phố, thị trấn còn ngổn ngang giàn giáo xây dựng mới, hàng vạn ha canh tác bị bỏ hoang; trong khi cuộc sống mới chưa kịp tổ chức lại, hàng triệu người thất nghiệp, hàng vạn người nghiện xì ke, ma túy, hàng chục vạn trẻ em mồ côi, mù chữ, ăn xin… thì chúng ta lại buộc phải tiêu tốn nhiều nguồn lực cho bảo đảm trật tự an ninh, bảo vệ biên cương lãnh thổ ở cả hai đầu đất nước.
Bên cạnh những khó khăn về cắt, giảm viện trợ, lệnh cấm vận từ 1975 đến 1994 của Mỹ, việc tiếp tục áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch, cơ chế bao cấp, những nóng vội trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam đã khiến cho nền kinh tế không phát huy được lợi thế về quy mô khi hai miền hợp nhất; nhiều chỉ tiêu kinh tế đưa ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng không hoàn thành.
Từ 1979 - 1985, đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ tìm đường đổi mới. Nhiều cơ chế chính sách quản lý kinh tế mới được ngành Công Thương đề xuất áp dụng, đã trở thành động lực mạnh mẽ cho hoạt động công nghiệp và thương mại; một số ngành và nhiều địa phương, cơ sở đã tiến hành những cuộc thử nghiệm, tìm tòi về cách làm ăn mới nhằm khai thác khả năng phát triển sản xuất, cải tiến lưu thông, phân phối, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Nhưng vòng xoáy giá - lương - tiền năm 1985 và cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp về căn bản chưa bị xoá bỏ đã khiến cho nền kinh tế chưa thể bứt phá được ngay. “Tình hình kinh tế cho đến quý III/1985 đang có đà phát triển tốt, song từ quý IV, do có những khuyết điểm trong khi cải tiến giá - lương - tiền, nên giá cả thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội”.
Những đóng góp quan trọng
Vượt qua những nghịch cảnh đầy cam go, thách thức đó, ngành Công Thương có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ II, 1976 - 1980, cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân được tăng thêm đáng kể. Năng lực sản xuất trong công nghiệp được bổ sung thêm 100 nghìn kWh điện, 2 triệu tấn than, 500 nghìn tấn xi măng.
Với những bước đi đổi mới từng phần bắt đầu từ Nghị quyết Trung ương 6, Khóa IV, năm 1979, các cấp, các ngành đã vận dụng sát hơn và cụ thể hóa tốt hơn quy luật phát triển của kinh tế - xã hội, việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ III, 1981 - 1985 có kết quả tốt đẹp hơn. Sản lượng công nghiệp tăng bình quân 9,5%/năm. Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội được xây dựng đáng kể với hàng trăm công trình được cơ khí hóa và tự động hóa, và hàng nghìn công trình vừa và nhỏ, trong đó có những cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, xi măng, cơ khí, dệt, giao thông.
Sản xuất công nghiệp sau khi chững lại, sụt giảm vào cuối kỳ Kế hoạch 5 năm lần thứ II, đã vươn lên, vượt qua giai đoạn suy thoái, tăng trưởng liên tục trong Kế hoạch 5 năm lần thứ III, 1981 - 1985, đạt bình quân 13,37%/năm, cao gấp 4,05 lần so với bình quân 3,3%/năm của 5 năm trước đó. Đây là kết quả trực tiếp và chủ yếu từ tích lũy xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nhiều năm trước đó, cùng với những chủ trương và biện pháp cụ thể về đổi mới quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước đã được ngành Công Thương vận dụng và thực hiện có hiệu quả. Tuy gặp khó khăn về năng lượng, nguyên liệu và phụ tùng, nhưng nhiều xí nghiệp bằng các hình thức liên kết, liên doanh đã chủ động khai thác thêm các nguồn nguyên liệu, cố gắng tự cân đối bảo đảm thực hiện kế hoạch nhà nước.
Cơ cấu công nghiệp cũng được điều chỉnh lại. Đại hội lần thứ IV của Đảng năm 1976 khẳng định “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”, nhưng về thực chất vẫn thiên về xây dựng và phát triển công nghiệp nặng. Đến giai đoạn 1981 - 1985, công nghiệp đã khắc phục được một bước sự mất cân đối trên.
Trong suốt 10 năm 1976 - 1985, những khó khăn dồn dập cùng lúc làm cho nền kinh tế mất cân đối cung cầu nghiêm trọng, ngân sách Nhà nước bội chi tiền mặt, lạm phát tăng cao, khiến cho các bộ quản lý ngành Công Thương như Nội thương, Ngoại thương, Vật tư căng mình tập trung cao độ nguồn hàng phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ngành đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ nhiều chính sách hay, cách làm tốt, để tăng tỷ trọng thu mua trong tổng sản lượng hàng hóa, kích thích sản xuất và xuất khẩu, thu hẹp cán cân thương mại. Các chỉ tiêu về thu mua, phân phối, lưu thông được cải thiện. Nhìn vào con số huy động lương thực cho Nhà nước và thu mua thịt lợn của ngành Công Thương tăng nhanh trong những năm 1980 - 1985 cũng cho thấy phần nào hiệu quả của đổi mới chính sách thu mua, theo hướng gắn sát với giá thị trường hơn.
Đổi mới chính sách thu mua do ngành Công Thương đề xuất đã tác động đến sức huy động lương thực và thịt lợn, 2 loại nông sản nằm trong định mức cung cấp theo sổ và tem phiếu dành cho các lực lượng vũ trang, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên, cư dân thành thị và hỗ trợ cho các vùng trồng, khai thác nguyên liệu làm hàng xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu được hỗ trợ mạnh mẽ từ 2 nghị định: số 227- CP năm 1979 và số 40-CP năm 1980 của Hội đồng Chính phủ, theo đề nghị của Bộ Ngoại thương về các biện pháp khuyến khích hàng xuất khẩu. Cùng với việc cho phép doanh nghiệp địa phương tham gia xuất khẩu, bán hàng đối lưu cho vùng trồng, khai thác nguyên liệu, thưởng xuất khẩu, Nhà nước cho phép Ngân hàng Ngoại thương cho vay ngoại tệ hoặc bảo lãnh trả chậm cho doanh nghiệp. Nhờ cơ chế này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nổi tiếng thời đó như Dệt Thành Công, Dệt Nam Định, Thuốc lá Vĩnh Hội, Thuốc lá Bông Sen, Cholimex… có cơ hội vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu làm hàng xuất khẩu. Đây là một trong những động lực mạnh mẽ giúp kim ngạch xuất khẩu 5 năm 1981 - 1985 tăng gấp 2 lần so với 5 năm 1976 - 1980.
Với hoạt động xuất khẩu tăng, ngành Công Thương không chỉ góp phần làm cho chênh lệch giữa xuất và nhập được thu hẹp một phần mà còn kích thích sản xuất trong nước. So sánh mức đạt được năm 1985 với năm 1980 cho thấy, có những sản phẩm tăng từ 1 lần rưỡi đến trên hai lần, như diện tích các cây công nghiệp dài ngày chủ yếu (cao su, chè, cà phê, dừa)…”.