Hiện nay, nhiều sản phẩm hàng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã xuất hiện tại các hệ thống phân phối uy tín trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tỷ lệ vẫn còn rất thấp, rất cần những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sản phẩm của bà con tham gia sâu hơn vào hệ thống phân phối.
Vấn đề này đã được Tạp chí Công Thương đưa ra chia sẻ dưới góc nhìn đa dạng và sâu sắc tại Tọa đàm “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại” tổ chức ngày 5/10/2023.
Đưa hàng hoá là lợi thế của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối
Những năm gần đây, việc thực hiện các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hoá trên các địa bàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững.
Hiện nay, nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, thời gian qua, các Chương trình, hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ rất nhiều cho các mặt hàng đặc trưng, đặc sản, các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực này có thể tiếp cận được với hệ thống phân phối hiện đại, các trung tâm kinh tế thương mại trên cả nước.
Nhiều sản phẩm hàng hoá đặc trưng, đặc sản của bà con đã có mặt tại các hệ thống phân phối trong nước, hệ thống phân phối nước ngoài, hay tại các trung tâm kinh tế của cả nước. Từ đó, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, thúc đẩy phát triển sản phẩm, nâng cao đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, dịch vụ kết nối giữa khu vực dân tộc thiểu số và miền núi với các hệ thống phân phối cũng phát triển mạnh mẽ hơn, từ dịch vụ giao nhận, vận chuyển, logistics cho đến dịch vụ gia công, đóng gói bao bì sản phẩm và những dịch vụ có liên quan khác.
Là một đơn vị khởi nghiệp từ nông sản địa phương, Hợp tác xã Yến Dương (Bắc Kạn) đã đi đầu với việc áp dụng quy trình chế biến và công nghệ hiện đại, phát triển thêm nhiều sản phẩm từ quả bí Bắc Kạn đưa vào tiêu thụ các hệ thống phân phối. Theo bà Ma Thị Ninh, Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương, Hợp tác xã Yến Dương đã hình thành chuỗi liên kết từ hâu tổ chức đến gắn kết tập thể, giải quyết các vấn đề về môi trường, chất lượng và xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm bí xanh thơm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ để đa dạng hoá cách chế biến, phát triển các sản phẩm từ bí xanh thơm cung cấp ra thị trường tiêu thụ. “Từ khi phát hiện và phát triển chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cũng như ổn định đời sống cho bà con, xoá đói giảm nghèo cho địa phương thì việc sản xuất ra sản phẩm trà bí thơm là một hướng đi đúng đắn của doanh nghiệp.” - Bà Ma Thị Ninh nhấn mạnh.
Gỡ khó cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Mặc dù đã đưa được các sản phẩm từ bí xanh thơm vào chuỗi siêu thị, các hệ thống phân phối lớn, nhưng Hợp tác xã lại gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể như không được trực tiếp ký kết hợp đồng, chỉ thông qua một số đối tác để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối; chi phí vận chuyển và thuê kho bãi lớn hay số lượng hàng tiêu thụ còn quá nhỏ, chưa đủ để Hợp tác xã tiếp cận và mang lại nhiều giá trị cho bà con.
Đồng tình với những khó khăn mà Hợp tác xã Yến Dương gặp phải, bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai chia sẻ thêm, hiện nay đang có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bình quân đầu người có phần chênh lệnh; trình độ dân trí của đồng bào tại những vùng sâu, vùng xa chưa được cao; hoạt động lưu thông hàng hoá trên các vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa sôi động; công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng đến khu vực này còn chưa nhiều… Đặc biệt, bà con vẫn chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm dẫn đến khó khăn trong việc tìm đầu ra cho hàng nông sản cũng như đưa hàng hoá của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Gia Lai vào hệ thống phân phối.
Ông Kiều Song Hào, Giám đốc Thu Mua miền Bắc, MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, trở ngại lớn nhất của chuỗi siêu thị MM Mega Market khi phân phối các sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là các doanh nghiệp, các tỉnh chỉ tập trung vào một số nhóm sản phẩm, dẫn đến sản lượng nhiều nhưng tiêu thụ không nhiều. Siêu thị không thể nhập số lượng lớn nhiều một lúc vì tính chất của siêu thị là bán hàng cho người tiêu dùng hàng ngày, nhập hàng về hàng ngày, vì vậy, mặc dù sản phẩm của bà con có chất lượng tốt, bao bì đẹp nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Chung tay kết nối hàng hoá của bà con tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng
Chia sẻ những khó khăn và tìm giải pháp đồng hành với các tỉnh thành, các doanh nghiệp, MM Mega Market đã thực hiện các giải pháp về kho trung chuyển. Chuỗi siêu thị đã lập các khu trung chuyển tại Đà Lạt, Bình Dương,… từ đó chuyển đi khắp cả nước, hỗ trợ bà con đưa hàng hoá đi tiêu thụ tại các siêu thị trong chuỗi hệ thống trải dài từ Bắc vào Nam.
MM Mega Market cũng tổ chức tuần lễ giới thiệu hàng OCOP, các mặt hàng nông thôn tiêu biểu, các mặt hàng đặc sản của các tỉnh thành, Hợp tác xã, hộ nông dân để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng.
Và để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại, đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hội cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai hiệu quả, thiết thực các Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phát tiển thương mại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia và các Chương trình khuyến công quốc gia,…
Đồng thời, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy thương mại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giải quyết các vấn đề về vận chuyển và kho bãi, đảm bảo từ giao nhận, vận chuyển đến kết nối kho bãi, để bà con chỉ chuyên tâm vào sản xuất.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của bà con trên các kênh thương mại điện tử, kết nối trực tiếp giữa các hợp tác xã, các doanh nghiệp tại khu vực sản xuất này đến gần hơn với các nhà phân phói hiện đại trên cả nước.
Bên cạnh những doanh nghiệp phân phối hiện đại cũng cần phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng các chợ đầu mối, kết nối hàng hoá của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến các chợ khác cũng như đến gần hơn với người tiêu dùng.
Hoạt động truyền thông, quảng bá cho sản phẩm hàng hoá của khu vực này cần phải mạnh hơn nữa, sâu hơn nữa, rộng hơn nữa, không chỉ truyền thông, quảng bá đối với người tiêu dùng cả nước mà còn cho chính đồng bào dân tộc để họ hiểu về quy trình sản xuất; hiểu về cách thức sản xuất, hiểu về những yêu cầu của thị trường.
“Đây là một trong những kênh quan trọng nhất, bởi đôi khi đào tạo, tập huấn thì cũng tốt nhưng số lượng ít, thời điểm ít. Vai trò tuyên truyền đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là rất quan trọng bởi vì - tuyên truyền ở đây là từ công nghệ, từ quy trình sản xuất, từ giống, từ phong cách tất cả các lĩnh vực có liên quan để làm sao mà hình thành chuỗi, từ sản xuất kết nối đến phân phối đến hệ thống hiện đại để đáp ứng được yêu cầu.” - Ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.