Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đạt những thành quả như mong đợi

Sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, chiều 3/8, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khánh thành dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều).

Chùa Cầu - công trình có giá trị đặc biệt

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, Chùa Cầu - Cầu Nhật Bản - Lai Viễn kiều là công trình có giá trị đặc biệt về nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trở thành biểu tượng đặc trưng, là linh hồn của Đô thị cổ Hội An.

UBND TP.Hội An tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ di tích chùa Cầu
UBND TP.Hội An tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.

Trong khoảng 400 năm tồn tại, kể từ khi khởi dựng, dù được bao thế hệ chính quyền và cư dân Hội An quan tâm gìn giữ, trùng tu, song Chùa Cầu cũng không thể tránh khỏi sự xuống cấp như bao công trình kiến trúc gỗ khác. Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, chịu tác động của thời gian, môi trường, nhất là ảnh hưởng của bão lũ hằng năm, công trình đã bị hư hỏng nghiêm trọng, cần phải được tu bổ khẩn cấp. Ngày 28/12/2022, di tích Chùa Cầu được khởi công tu bổ.

“Đây là lần đầu tiên mà công trình tu bổ di tích được “Giải phẫu mở”, thực hiện giữa lòng một Đô thị Di sản du lịch nhộn nhịp, người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu” ông Sơn nói và thông tin thêm, việc xây dựng nhà bao che nhằm đảm bảo quá trình nghiên cứu, thi công, tu bổ di tích không bị ảnh hưởng bởi yếu tố hạn chế mặt bằng, thời tiết cũng như các cấu kiện di tích sau khi tháo dỡ được bảo quản trong tình trạng tối ưu cũng là một điểm đặc biệt đáng biểu dương của dự án này.

Đồng thời, việc tổ chức lối giao thông tiếp cận công trình tu bổ ở phía bờ sông (phía Nam), bố trí khu vực thờ tự (tạm thời) để mọi người có thể đến tham quan, chiêm bái, các hoạt động tín ngưỡng tại di tích không bị gián đoạn… còn thể hiện sự tận tâm, trách nhiệm, chỉn chu trên nhiều phương diện của chính quyền thành phố, của chủ đầu tư - trực tiếp là đội ngũ thực hiện dự án.

UBND TP.Hội An tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.
Chùa Cầu sau khi trùng tu.

Sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, việc trùng tu Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học. Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này.

“Việc hoàn thành tu bổ di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản. Cho đến nay, việc tu bổ di tích Chùa Cầu đã hoàn tất để bàn giao đưa vào sử dụng”, Chủ tịch UBND thành phố Hội An thông tin.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu
Di tích Chùa Cầu được khởi công tu bổ từ ngày 28/12/2022

“Nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình thông tin, Chùa Cầu là di tích quốc gia, có giá trị đặc biệt trong quần thể kiến trúc Di sản văn hóa hóa thế giới Đô thị cổ Hội An; là công trình lưu giữ những dấu ấn lịch sử tiêu biểu, chiều sâu văn hóa đặc sắc, biểu thị cho truyền thống giao lưu văn hóa quốc tế của mảnh đất và con người Hội An, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung.

Đây không phải là lần đầu Chùa Cầu được trùng tu. Công trình này đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

“Việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến. Vì lẽ đó, việc tu bổ di tích Chùa Cầu đặt ra yêu cầu rất cao về nhiều mặt cả trong quá trình chuẩn bị và triển khai thi công. Quá trình trùng tu được UBND thành phố Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý. Có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An”, ông Bình nhìn nhận và hy vọng rằng, sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu
Việc trùng tu di tích Chùa Cầu là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến.

"Đây cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai; đặc biệt là dịp để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng sắp đến không chỉ của tỉnh mà còn đối với các di sản ở trong và ngoài nước”, ông Bình nhấn mạnh.

Lễ khởi công dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) với tổng kinh phí Dự án được phê duyệt 20,2 tỷ đồng trong đó giá trị xây lắp đơn vị trúng thầu là 13,3 tỷ đồng từ nguồn vốn 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam và 50% ngân sách thành phố Hội An.

Theo báo cáo kết quả hoàn thành dự án, hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Chùa Cầu sau khi tu bổ được bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc. Di tích Chùa Cầu đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An. Bên cạnh bảo tồn, giữ gìn giá trị di tích, dự án cũng đã thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả, lâu dài giá trị di tích.

Hạ Vĩ