Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 7/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tăng 0,53% lên 72,55 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 giảm 0,19% xuống mức 69,16 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 giảm 39 cents xuống mức 72,22 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng giảm 40 cents xuống còn 68,89 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Saudi Aramco của Ả-rập Xê-út thông báo sẽ giảm giá bán dầu thô chính thức (OSP) cho tất cả các loại dầu thô bán sang thị trường Châu Á trong tháng 10 tới đây với mức giảm ít nhất 1 USD/thùng so với mức giá OSP trong tháng 9 này. Mức giảm này cao hơn nhiều so với dự báo giảm chỉ từ 20 cents – 40 cents/thùng của các nhà máy lọc hoá dầu lớn tại khu vực Châu Á, theo khảo sát của hãng tin Reuters (Anh).
Theo Ả-rập Xê-út động thái này được đưa ra phù hợp với việc khu vực Châu Á đang đối phó với sự bùng phát nghiêm trọng của biến chủng Covid-19 Delta. Châu Á hiện là khu vực thị trường lớn nhất của Ả-rập Xê-út. Trong khi đó, Saudi Aramco vẫn giữ nguyên mức giá OSP trong tháng 10/2021 với các khu vực thị trường còn lại trên thế giới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích nhận định việc Saudi Aramco giảm mạnh giá bán dầu thô sang khu vực Châu Á có thể là dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu thô trên thị trường đang ở mức tương đối dối dào. Ông Bjornar Tonhaugen, trưởng ban phân tích thị trường dầu mỏ tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), nhận định “Việc Saudi Aramco cắt giảm giá OSP trong tháng 10 tới đây cho khu vực Asia cho thấy tương quan giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng dầu thô đang dần thay đổi”.
Nguồn cung dầu thô trên toàn cầu đang tăng lên khi liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh, tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 8 – tháng 12/2021.
Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng môi giới chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ), nhận định trong bối cảnh liên minh OPEC+ tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng sản lượng khai thác hàng tháng, dữ liệu kinh tế yếu tại Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng với đó là việc Ả-rập Xê-út đang tìm cách gia tăng thị phần tại khu vực Châu Á thì giá dầu thô sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong thời gian tới.
Trong tuần trước, giá dầu thô đã chịu sức ép giảm khi các dữ liệu cho thấy thị trường lao động tại Hoa Kỳ trong tháng 8 vừa qua đã suy yếu, nguyên nhân trực tiếp do sự lây lan mạnh của đại dịch Covid-19. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại đà phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ vẫn đối mặt nhiều rủi ro từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nhiên liệu có thể suy yếu.
Tại Hoa Kỳ, áp lực giảm đối với giá dầu thô WTI phần nào được kìm hãm khi nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico vẫn chưa được khôi phục. Hàng loạt giàn khoan dầu thô ngoài khơi Vịnh Mexico và nhiều nhà máy lọc hoá dầu lớn trong khu vực đã phải ngưng hoạt động khi siêu bão Ida đổ bộ vào nơi này trong ngày 29/8.
Dữ liệu cho thấy hiện nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico vẫn giảm khoảng 1,5 triệu thùng/ngày tương đương 80% tổng nguồn cung dầu thô toàn khu vực. Trong khi đó, nhiều nhà máy lọc hóa dầu lớn vẫn chưa thể tái khởi động sản xuất trở lại do mạng lưới điện bị siêu bão Ida đánh sập tại nhiều nơi.