Tính đến thời điểm hiện tại, giá heo hơi tại nhiều nơi trên cả nước đã tiến sát mốc 70.000 đồng/kg - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. So với thời điểm đầu năm nay, giá heo hơi tại các chợ bán buôn đã tăng tới 29%.
Trên thị trường bán lẻ, theo dữ liệu mới nhất của Maybank IBG Research, giá thịt ba rọi và thịt nạc đùi heo cũng lần lượt tăng 15% và 35% so với hồi đầu năm nay.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, đà tăng của giá heo hơi chủ yếu được thúc đẩy bởi những hạn chế về nguồn cung, và một phần đến từ tâm lý đầu cơ. Trong đó, nguồn cung heo từ khu vực phía Nam đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, do không còn tình trạng các hộ chăn nuôi bán tháo đàn heo khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát như thường thấy trong năm 2023.
Sau đợt dịch tả lợn châu Phi, cả doanh nghiệp lẫn các hộ chăn nuôi đều đang trong quá trình tái đàn và cần ít nhất đến tháng 12/2024 thì mới có nguồn cung mới ra thị trường.
Bên cạnh đó, trái với diễn biến thông thường mọi năm, nguồn cung heo từ Campuchia và Thái Lan vào nước ta đang ở mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân chủ yếu do cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát đối với hoạt động nhập lậu heo từ Campuchia và Thái Lan cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát an toàn sinh học do Thái Lan ghi nhận dịch nhiệt thán bùng phát trên gia súc.
Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu hiện đã giảm so với giai đoạn trước đây, nhưng chi phí con giống lại tăng vọt dưới tác động của dịch tả lợn châu Phi, khiến tổng thể chung chi phí cho hoạt động chăn nuôi heo ở Việt Nam vẫn neo cao.
Theo nhận định của các chuyên gia từ Maybank IBG Research, giá heo hơi có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng biên độ tăng sẽ không quá mạnh như 5 tháng đầu năm nay.
Trong ngắn hạn, giá có thể được hỗ trợ do nguồn cung giảm đến từ tổn thất của các nhà sản xuất quy mô nhỏ và bùng phát dịch bệnh. Trong dài hạn, mức giá heo hơi hiện tại đã đủ hợp lý để các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn trở lại, sau khoảng thời gian thua lỗ vì giá heo thấp kéo dài. Việc tái đàn sẽ giúp nguồn cung heo tăng lên vào dịp cuối năm nay, cũng là mùa cao điểm tiêu thụ heo.
Ngoài ra, việc triển khai vaccine dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng trong thời gian tới sẽ giúp giảm thiểu các tác động của dịch bệnh đến quy mô đàn nuôi, góp phần ổn định giá cả trong trung hạn.
Đồng quan điểm như trên, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG) cho biết, chu kỳ tăng giá của ngành heo thường diễn ra trong 2 năm và chu kỳ trước mắt dự kiến kéo dài từ năm 2024 đến năm 2025.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá, các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC), và BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF) kỳ vọng sẽ “ăn trọn” lợi nhuận mảng heo trong những quý tới đây.
Trong năm nay, Tập đoàn Dabaco và BaF Việt Nam cùng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đầy tham vọng, với mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 28,2 lần và 10,2 lần.
Cơ sở để các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp tự tin về kế hoạch kinh doanh năm nay chủ yếu đến từ việc sở hữu hệ thống chuồng trại công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, giúp tốc độ tái đàn nhanh hơn so với các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh vẫn hiện hữu.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco tự tin cho biết, với mức giá heo hơi như hiện nay, lợi nhuận quý 2/2024 của tập đoàn có thể đạt khoảng 250 tỷ đồng, cao gấp gần 3,5 lần so với mức lợi nhuận quý 1 vừa qua.
Trong dài hạn, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp còn “hưởng lợi” từ Luật Chăn nuôi. Theo quy định của Luật Chăn nuôi, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Điều này sẽ khiến hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ trên cả nước phải ngưng hoạt động, khiến thị phần dịch chuyển dần sang các doanh nghiệp lớn.