“Bàn cờ” thị trường vận tải container toàn cầu được tái lập
Đầu năm nay, hai hãng tàu lớn nhất thế giới là MSC (Thuỵ Sĩ) và Maersk (Đan Mạch) đã tuyên bố chấm dứt việc hợp tác với nhau do các khác biệt về chiến lược. Cụ thể, MSC chú trọng tăng quy mô đội tàu nhưng Maersk tập trung vào việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.
Điều này kéo theo liên minh hãng tàu 2M vốn có lịch sử lâu đời nhất trong số các liên minh tàu biển hiện nay, giữa hai tập đoàn trên tan rã; đồng thời, gây ra một loạt thay đổi trong ngành vận tải container thế giới.
Ngay sau đó, Maersk và Hapag-Lloyd (Đức) - hãng container lớn thứ 5 thế giới chính thức hợp tác với nhau để thành lập liên minh tàu biển Gemini, chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 2/2025. Liên minh mới sẽ bao gồm đội tàu 290 tàu có tổng sức tải 3,4 triệu TEU (60% đến từ Maersk và 40% còn lại đến từ Hapag-Lloyd).
Đồng thời, Hapag-Lloyd rời bỏ liên minh hãng tàu THE Alliance. Điều này khiến các hãng tàu còn lại trong liên minh này, gồm ONE (Nhật Bản), Yang Ming (Đài Loan, Trung Quốc) và HMM (Hàn Quốc) rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương, buộc phải xem xét và cơ cấu lại dịch vụ của mình.
Theo đó, sau năm 2025 thì THE Alliance sẽ là liên minh hãng tàu nhỏ nhất trên thị trường hàng hải toàn cầu, có thị phần nhỏ hơn cả một mình hãng tàu MSC độc lập.
Ngược lại, liên minh Ocean gồm các hãng tàu CMA-CMG (Pháp), COSCO (Trung Quốc) và Evergreen (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng sức chở lên đến 6 triệu TEU trở thành liên minh lớn nhất thị trường, vượt trội các các đối thủ khác.
Đặc biệt, liên minh Ocean trở thành bên thống trị 2 tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thị trường là châu Á - châu Âu và xuyên Thái Bình Dương. Các hãng tàu thành viên cũng vừa ký kết gia hạn hợp tác liên minh đến năm 2032.
Về phía Gemini, liên minh này sẽ cắt giảm số lần ghé cảng trên các tuyến chính và thay vào đó sử dụng nhiều cảng nội khu ở mỗi khu vực để chuyển hàng hóa ra các cảng trung tâm chính.
Như vậy từ 2025, thị trường vận tải container qua đường biển trên toàn cầu sẽ có 04 đối thủ cạnh tranh gồm 3 liên minh và 1 hãng tàu lớn MSC.
Việc các liên minh hãng tàu thay đổi sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của các cảng biển tại Việt Nam, đặc biệt là cụm cảng Hải Phòng và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, nhất là các cảng nước sâu do bị phụ thuộc phần lớn sản lượng từ các liên minh hãng tàu.
Hiện nay, tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, các liên minh 2M (đã tan ra), Ocean, và THE Alliance đang khai thác Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), và Cảng Gemalink. Trong khi đó, tại Cảng Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), chủ yếu được khai thác bởi hãng tàu Maersk (thuộc liên minh Gemini mới thành lập) và hãng tàu COSCO (thuộc liên minh Ocean).
Kỳ vọng Tập đoàn Gemadept sẽ hưởng lợi trực tiếp
Việc thay đổi cấu trúc các liên minh sẽ dẫn đến sự dịch chuyển hàng hoá giữa các cảng nước sâu nói trên. Việc thay đổi liên minh cũng được xem là “cơ hội vàng” cho Việt Nam trong việc hiện thực hoá mục tiêu phát triển các cảng nước sâu hiện nay thành điểm trung chuyển quốc tế trong khu vực.
Theo đánh giá sơ bộ của một số tổ chức tài chính, trong số các doanh nghiệp niêm yết, Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) kỳ vọng sẽ là đơn vị hưởng lợi lớn từ sự kiện trên.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Cảng Gemalink hiện là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) do liên doanh giữa Tập đoàn Gemadept và CMA Terminals thuộc hãng tàu CMA-CGM (Pháp) làm chủ đầu tư.
Hiện CMA-CGM với 8 - 10 lượt tàu/lần/tháng đang là nhóm cung cấp sản lượng chính cho Cảng Gemalink trong những tháng đầu năm nay. Cảng này cũng đã bắt đầu ghi nhận việc tăng mới các lượt đón tàu lớn khác thuộc liên minh Ocean với tần suất bình quân 4 lần/tháng. Đồng thời, CMA-CGM cũng có cam kết ưu tiên tăng lượt tàu ghé Cảng Gemalink trong thời gian tới.
Với việc các hãng tàu sẽ nhận nhiều tàu đóng mới trong năm 2024, tiến tới mở thêm số tuyến hoặc thêm các chân cảng vào hải trình để tối ưu khả năng khai thác tàu, cảng Gemalink có thể sẽ có thêm từ 1 - 2 tuyến dịch vụ mới trong năm nay.
Những yếu tố trên sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho hoạt động kinh doanh của Cảng Gemalink. Theo đánh giá hiện nay của một số tổ chức tài chính, sản lượng của cảng Gemalink trong năm nay có thể tăng 40% so với năm 2023, đạt 96% công suất thiết kế Giai đoạn 1 của cảng này (1,5 triệu TEU).
Hiện Tập đoàn Gemadept đang dồn lực thực hiện Giai đoạn 2 của cảng Gemalink với mức vốn đầu tư ước tính là 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế của cảng này sẽ đạt 3 triệu TEU - mức cao nhất so với các cảng đối thủ lớn khác trong khu vực Đông Nam Á.
Tập đoàn Gemadept cho biết hiện đang hoàn thiện hồ sơ để được kéo dài tối đa chiều dài cầu tàu tại cảng Gemalink lên mức 1,5 km nhằm đón được tàu trọng tải tới 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Các hãng tàu và doanh nghiệp vận tải đánh giá cao vị trí thuận lợi cũng như chất lượng dịch vụ tại Cảng Gemalink. Đặc biệt, tốc độ xếp dỡ của cảng đang tốt hơn so với bình quân các nhóm cảng biển lớn trên cả nước.
Đây là hai yếu tố hàng đầu giúp Tập đoàn Gemadept thu hút được thêm các khách hàng lớn thường xuyên vào làm hàng tại Cảng Gemalink, nhất là các tàu mẹ có tải trọng từ 100.000 DWT trở lên, lớn gấp 1,01 - 4,6 lần so với các cảng khác tại khu vực lân cận.