Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) vừa đưa ra dự báo mới nhất cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong năm nay có thể sẽ chỉ đạt 92,6 triệu thùng/ngày, giảm mạnh 8,1 triệu thùng/ngày so với mức ước tính của năm 2019. Trước đó, EIA dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 sẽ chỉ giảm 5,2 triệu thùng/ngày so với năm 2019.
Tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu được EIA dự báo sẽ giảm xuống mức 95,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 5,4 triệu thùng/ngày so với năm 2019.
Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh đã bắt đầu tiến hành thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức cao kỷ lục, đạt 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong bối cảnh giá dầu thô sụp đổ. Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ lo ngại khả năng bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ hai có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu thô tiếp tục giảm mạnh.
Trong ngày 11/5, Đức, nền kinh tế đầu tàu của khu vực Châu Âu, thông báo số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này đã tăng theo cấp số nhân sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiểm dịch để tái khởi động nền kinh tế. Trong khi đó, thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), tâm điểm của đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc, cũng thông báo chùm ca nhiễm Covid-19 mới sau khi thành phố này dỡ bỏ lệnh phong toả cách đây 1 tháng.
EIA dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng gần 7 triệu thùng/ngày. Nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng rõ rệt hơn khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi trở lại, bên cạnh đó, nguồn cung dầu thô tăng chậm giúp giảm bớt áp lực dư cung dầu thô trên toàn cầu bắt đầu quý 3/2020, theo EIA.
Tuy nhiên, bà Linda Capuano, giám đốc EIA, cho biết “Khả năng thay đổi hành vi lâu dài trong lĩnh vực vận chuyển, di chuyển và các hoạt động tiêu thụ dầu thô cho thấy sự không chắc chắn tương đối lớn trong sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế GDP phục hồi đáng kể trở lại”.