Dự báo sản lượng ngũ cốc Trung Quốc sẽ tăng năm thứ 10 liên tiếp

Trong một thông báo chính thức được công bố vào ngày 22/11, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (MOA) dự báo rằng Trung Quốc có khả năng sẽ có một mùa vụ ngũ cốc bội thu trong năm nay. Qua đó xác lập năm thứ 10

Theo MOA, đây sẽ là lần đâu tiên Trung Quốc đạt được mốc 10 năm liên tiếp sản lượng ngũ cốc tăng kể từ khi nước này được thành lập vào năm 1949.

MOA nhấn mạnh rằng bất chấp việc điều kiện thời tiết bất lợi và dịch bệnh do sâu bọ gây ra, mùa vụ ngũ cốc năm nay của Trung Quốc vẫn đạt được kết quả tốt nhờ áp dụng công nghệ và các nỗ lực phòng chống thiên tai của nước này.

Số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc trong mùa hè này, chủ yếu là lúa mỳ, đã đạt mức cao kỷ lục 132 triệu tấn. Trong năm 2012, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đã tăng 3,2% so với năm 2011, đạt 589,57 triệu tấn. Mặc dù sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc được dự báo tăng nhưng các chuyên gia phân tích nhận định mức nhập khẩu một số loại ngũ cốc của Trung Quốc như gạo và đậu tương sẽ tăng cao trong năm 2014.

Nhập khẩu gạo

Trung tâm Thông tin dầu và ngũ cốc quốc gia Trung Quốc (CNGOIC), trong niên vụ 2013-2014 (tháng 10/2013 – 9/2014) lượng gạo được Trung Quốc nhập khẩu có thể tăng lên mức kỷ lục 5 triệu tấn do sản lượng gạo Trung Quốc giảm thấp hơn và giá gạo nội địa Trung Quốc tăng cao.

Mức sản lượng, nhập khẩu và tiêu thụ gạo của Trung Quốc (2002 - 2014) (Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ)

Hạn hán kéo dài suốt mùa vụ gieo cấy lúa trong tháng 7 và tháng 8/2013, theo sau đó là lũ lụt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng lượng gạo dự trữ tại Trung Quốc vẫn ở mức dư đủ.

Lý do chính khiến Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo là giá gạo toàn cầu giảm thấp hơn. Giá gạo trên toàn cầu vốn đã ở mức thấp do mức cầu thấp từ phía các nước nhập khẩu gạo, trong khi đó Ấn Độ tiếp tục cung gạo ra thị trường và Chính phủ Thái Lan đang bán gạo từ kho dự trữ của mình.

Đậu tương

Cuối tháng 10/2013, Tân Hoa xã đã dẫn lời ông Hu Zengmin, chuyên gia phân tích tại Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc về ngũ cốc và dầu ăn tại Cáp Nhĩ Tân đã cho biết: “Điều kiện thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động gieo trồng đậu tương tại tỉnh Hắc Long Giang trong năm nay. Điều này sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều hơn nữa đậu tương nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa”.

Lượng đậu tương Trung Quốc nhập khẩu qua các năm (2009 - 2013)

Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc về ngũ cốc và dầu ăn dự báo sản lượng đậu tương của Trung Quốc có thể giảm 2,6% xuống còn 12 triệu tấn so với năm 2012, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp sản lượng đậu tương của Trung Quốc sụt giảm. Bộ thương mại Trung Quốc dự báo lượng đậu tương nhập khẩu trong niên vụ 2013-2014 của Trung Quốc có thể đạt mức 63- 68,5 triệu tấn. USDA dự báo lượng đậu tương Trung Quốc nhập khẩu có thể tăng mạnh lên mức 69 triệu tấn trong niên vụ 2013-2014, tăng 16% so với năm trước.

Hạn ngạch nhập khẩu năm 2014

Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn trên thị trường quốc tế kể từ những năm 1990. Khả năng tài chính tăng cùng với mong muốn cải thiện chế độ ăn uống của người dân Trung Quốc bằng việc gia tăng tiêu thụ thịt lợn, gia cầm, trứng, dầu thực vật đã biến Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới.

Đậu tương được sử dụng rộng rãi trong các ngành chế biến thực phẩm, dầu ăn, sản xuất, chăn nuôi gia súc, sợi hóa học và các ngành công nghiệp khác. Hiện đậu tương nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ chịu mức thuế suất 3% và không bị áp đặt quota nhập khẩu.

Hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2014 được Chính phủ Trung Quốc ấn định ở mức 5,3 triệu tấn, không đổi so với mức hạn ngạch khi Trung Quốc đồng ý thiết lập mức hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho gạo và các mặt hàng khác theo cam kết với WTO.

Là một quốc gia đông dân nhất thế giới và mức tiêu thụ ngũ cốc cũng đứng hàng đầu thế giới, Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn an ninh lương thực cho nước này. Các nỗ lực này bao gồm việc tăng cường áp dụng các công nghệ nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị đất đai và đảm bảo diện tích đất canh tác. Chính phủ Trung Quốc mới đây cũng đã thông qua một kế hoạch quốc gia nhằm xây dựng các khu đất canh tác nông nghiệp tiêu chuẩn cao nhằm đảm bảo việc cung cấp nông sản cho nước này.

Lê Nam