Hãng Wood Mackenzie cho biết nhu cầu sử dụng kim loại cơ bản: nhôm, đồng, chì, niken và kẽm của Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức 5% đến 8%/năm. Mặc dù mức tăng trưởng này thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng lên đến 2 chữ số của nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 2008 – 2013. “Tuy nhiên, xét về mặt khối lượng, chúng tôi (Wood Mackenzie) vẫn thấy đây là một con số đáng kể”, theo bà Helen Matthews, trưởng ban nghiên cứu kim loại cơ bản thuộc Wood Mackenzie.
Theo ước tính của hãng Wood Mackenzie, thị trường kim loại cơ bản trên toàn cầu sẽ tăng từ mức 96 triệu tấn trong năm nay lên 122 triệu tấn trong năm 2018. Đến năm 2017, nhu cầu từ phía Trung Quốc sẽ chiếm quá nửa tổng nhu cầu toàn cầu so với mức 48% như hiện nay.
Giá kim loại đồng đã bắt đầu tăng trở lại, kể từ khi rơi xuống mức thấp trong tháng 6/2013, giá đồng đã bật tăng được 9,3%. Giá đồng đã nhận được sự hỗ trợ từ thông tin: trong tháng 9/2013, lượng đồng được Trung Quốc nhập khẩu đã tăng mạnh 18% so với tháng 8/2013, đạt 457.847 tấn, xác lập mức cao nhất kể từ tháng 3/2012. Qua đó, gia tăng triển vọng nhu cầu sử dụng đồng của Trung Quốc, quốc gia sử dụng đồng lớn nhất thế giới, sẽ tăng lên.
Giá quặng sắt, nguyên liệu cho sản xuất thép, cũng đã tăng 22% kể từ khi rơi xuống mức thấp vào tháng 5/2013 trong bối cảnh lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 9/2013 tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận với hơn 74 triệu tấn.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giúp tăng trưởng kinh tế tại các khu vực địa phương. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã được cải thiện trong quý III/2013, tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý III/2013 đạt 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn mức 7,5% trong quý II/2013. Các số liệu cũng cho thấy sản xuất thép và kim loại cơ bản tại Trung Quốc đã tăng mạnh.
Các số liệu này có thể giúp gia tăng khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh mềm”, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại trong những năm tới. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2013 tại mức 7,5% - mức thấp nhất trong hơn 20 năm trở lại đây và tuyên bố chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại để tái cấu trúc nền kinh tế, hướng đến tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng nội địa hơn là dựa trên xuất khẩu, đầu tư và tín dụng.
Mặc dù triển vọng về nhu cầu sử dụng kim loại cơ bản của Trung Quốc được đánh giá ở mức tốt nhưng với lượng dự trữ kim loại cơ bản tại các nhà kho thuộc Sàn giao dịch kim loại London ở mức cao, giá kim loại cơ bản sẽ vẫn chịu áp lực giảm.
Việc dư cung cũng tạo áp lực giảm giá đối với các loại hàng hóa. Ví dụ như trường hợp kim loại niken, nhiều mỏ khai thác niken mới đã đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng kim loại cơ bản khổng lồ của Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lượng niken được cung cấp ra thị trường đã vượt xa nhu cầu sử dụng, qua đó tạo áp lực giảm giá đối với niken. Giá than cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Mặc dù, giá quặng sắt hiện đang được giữ ở mức cao, Chính phủ Australia dự báo giá quặng sắt sẽ giảm xuống trung bình còn 91 USD/tấn trong năm 2018 so với mức 134 USD/tấn như hiện nay. Nguyên nhân do một loạt các mỏ khai khoáng mới tại Australia đi vào hoạt động.
Tập đoàn tài chính Mỹ Morgan Stanley dự báo giá đồng sẽ đạt mức trung bình 7.165 USD/tấn trong quý IV/2014.
Dự kiến nhu cầu nhập khẩu đồng tinh luyện của Trung Quốc trong năm 2014 sẽ tăng lên do Chính phủ Trung Quốc tăng cường xây dựng các các mạng lưới năng lượng, đường ray tàu hỏa và các căn hộ giá rẻ. Trong khi đó, hoạt động sản xuất đồng nội địa (Trung Quốc) có khả năng sẽ giảm xuống do nguồn cung kim loại phế liệu hạn hẹp. Các hoạt động xây dựng của Chính phủ Trung Quốc cũng giúp gia tăng nhu cầu sử dụng nhôm. Nhu cầu sử dụng nhôm của Trung Quốc trong năm 2014 được dự báo sẽ tăng hơn 10% so với mức dự kiến 24 triệu tấn trong năm 2013.
Báo cáo của hãng Wood Mackenzie cho biết: “Triển vọng về nhu cầu kim loại cơ bản của Trung Quốc chỉ tăng chậm lại (hàm ý tốc độ tăng trưởng) chứ không giảm thấp hơn”.