Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, giá quặng sắt được dự báo sẽ đạt mức trung bình 134 USD/tấn khô trong năm nay và lên mức 135 USD/tấn trong năm 2014, tăng so với mức 120 USD (2013) và 125 USD (2014) được dự báo hồi tháng 7/2013. Ngân hàng Thế giới vẫn giữ dự báo giá quặng sắt sẽ đạt mức trung bình 145 USD/tấn vào năm 2025.
Trong quý III/2013, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã đạt 7,8%; tăng so với mức 7,5% trong quý II/2013, và lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 9 tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận với 74,6 triệu tấn – theo số liệu của hải quan Trung Quốc. Quặng sắt là loại hàng hóa được vận chuyển qua đường biển nhiều nhất sau dầu thô.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới
cho biết, triển vọng đối với thị trường quặng sắt phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu
từ phía Trung Quốc. Nếu nguồn cung quặng sắt tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong
bối cảnh nhu cầu sử dụng tăng thấp hơn dự báo, giá có thể hạ xuống thấp hơn đáng
kể so với dự báo hiện tại.
Trước đó, trong tháng 7/2013, tập đoàn tài chính Mỹ Goldman Sachs đã nhận định thị trường sẽ dư thừa 92 triệu tấn quặng sắt trong năm 2014 và tình trạng này sẽ kéo dài đến năm 2017 trong bối cảnh các nhà khai khoáng hàng đầu thế giới như Rio Tinto Group, BHP và Vale SA mở rộng hoạt động khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc.
Ngân hàng Thế giới cũng đã nâng mức dự báo giá dầu thô trong năm 2013 và 2014 lên lần lượt: 105 USD/thùng và 105,70 USD/thùng; tăng so với mức dự báo 100,70 USD/thùng (2013) và 99,60 USD/thùng (2014) được đưa ra trong tháng 7/2013. Giá dầu thô được tính dựa trên bình quân gia quyền giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI), dầu thô Brent và dầu thô Dubai.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Giá dầu thô tăng nhẹ trong thời gian gần đây phản ánh sự sụt giảm trong hoạt động khai thác dầu thô tại Libya và Iraq, sản lượng khai thác dầu thô tại mỗi nước Libya và Iraq đã sụt giảm 1 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, dù ít quan trong hơn nhưng sự lo ngại xung đột tại Syria có thể lan rộng ra khu vực Vùng Vịnh, qua đó dẫn đến sự gián đoán nghiêm trọng đối với nguồn cung dầu cũng đã đẩy giá dầu tăng lên.”
Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo giá than Australia xuống còn 85 USD/tấn trong năm 2013 và 88 USD/tấn trong năm 2014 so với mức 90 USD/tấn (2013) và 91 USD/tấn (2014) được dự báo trong tháng 7/2013. Giá nhôm có thể đạt mức trung bình 1.800 USD/tấn trong năm 2013 và 1.850 USD/tấn trong năm 2014; giảm so với mức 1.900 USD/tấn (2013) và 2.100 USD/tấn (2014) được dự báo trước đây.
Theo Ngân hàng Thế giới, kể từ cuối năm 2008, lượng nhôm dự trữ đang tăng lên và duy trì gần mức cao nhất trong vòng 10 năm. Giá kim loại nói chung được dự báo giảm 8% trong năm nay do nguồn cung tăng lên trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thấp.
Ngân hàng Thế giới cũng đã cắt giảm dự báo đối với giá ngô trong năm 2013 từ mức trung bình 295 USD/tấn xuống còn 250 USD/tấn; dự báo giá gạo Thái trong năm 2013 giảm từ mức trung bình 545 USD/tấn xuống còn 500 USD/tấn. Dự báo giá ngô trong năm 2014 đạt trung bình 248 USD/tấn, giảm so với mức 270 USD/tấn được dự báo trước đó.