Theo The ASEAN Post, ASEAN là khu vực có nền kinh tế đông dân thứ 3 trên thế giới. Ước tính đến năm 2030, dân số khu vực sẽ tăng lên 723 triệu người, nền kinh tế sẽ lớn thứ 4 thế giới, tiêu dùng nội địa sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đạt 4 nghìn tỷ USD.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể lên toàn bộ khối ASEAN. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng trong khu vực xuống trong năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2021, tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi lên 5%.
Theo báo cáo "Tương lai thị trường tiêu dùng ASEAN" do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố mới đây, trong 10 năm tới, số lượng người tiêu dùng ASEAN sẽ tăng thêm 140 triệu người, chiếm 16% người tiêu dùng mới trên toàn cầu.
WEF nhận định, trong tương lai, việc áp dụng kỹ thuật số sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng tại ASEAN. Cụ thể, đến năm 2030, WEF dự báo sẽ có gần 575 triệu người dùng internet trong khu vực. Khi ấy, số hóa sẽ được phổ biến ở cả những vùng nông thôn, giúp loại bỏ rào cản tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ, cho phép cung cấp các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính..
Theo WEF, chênh lệch giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN về trình độ và tốc độ phát triển vẫn còn rất lớn. WEF đã chia 10 quốc gia thành ba nhóm khác nhau. Nhóm đầu gồm 3 quốc gia phát triển: Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nhóm cuối gồm 4 quốc gia: Campuchia, Myanmar, Lào và Brunei.
Nhóm ở giữa là 3 nền kinh tế mới nổi: Việt Nam, Indonesia và Philippines. Đây cũng là nhóm có 70% dân số ASEAN, đóng góp hơn 50% GDP của khu vực. Sự tăng trưởng của các quốc gia thành viên ASEAN này được thúc đẩy bởi 4 yếu tố chính: nhân khẩu học, mức thu nhập tăng, thay đổi địa chính trị và các xu hướng kỹ thuật số.
Thứ nhất, liên quan đến nhân khẩu học, những yếu tố như dân số trẻ, công nghệ, lực lượng lao động đóng vai trò rất quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Indonesia và Philippines. Đồng thời, WEF khẳng định các nền kinh tế mới nổi của ASEAN sẽ là động lực tăng trưởng của khu vực trong thập kỷ tới, thúc đẩy 98% sự gia tăng lực lượng lao động, đóng góp 70-80% số lượng người tiêu dùng mới.
Dự kiến đến năm 2030, dân số trong độ tuổi lao động của ASEAN sẽ tăng thêm 40 triệu người, với hơn một nửa trong số đó từ Indonesia. Ngược lại, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 30 triệu người. WEF nhấn mạnh, sự bùng nổ của tầng lớp lao động trong khu vực sẽ thúc đẩy đáng kể năng suất và chi tiêu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, chi phí lao động ở các nền kinh tế mới nổi khu vực ASEAN cũng thấp hơn nhiều so với các khu vực khác của châu Á. Chi phí lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 50% so với Trung Quốc. Sự kết hợp giữa lực lượng lao động ngày càng mở rộng, chi phí lao động thấp và năng suất ngày càng cao là những yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Thứ hai, liên quan đến thu nhập, báo cáo của WEF chỉ ra mức thu nhập sẽ tăng khoảng 6-8% hàng năm tại các nền kinh tế mới nổi của ASEAN. Đến năm 2030, thu nhập bình quân các hộ gia đình tại một số nền kinh tế mới nổi khu vực ASEAN sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Đặc biệt, dự kiến Việt Nam sẽ là thị trường có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất.
Thứ ba, những thay đổi về địa chính trị cũng như chính sách tại các quốc gia sẽ mở ra cánh cửa cho FDI và nhiều cơ hội khác. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đa quốc gia đang tìm cách cân bằng chuỗi cung ứng nhằm đa dạng hóa rủi ro địa chính trị và tận dụng tối đa nguồn lao động giá rẻ. Điều này đã khiến ASEAN trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, song cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức khi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng.
Động lực cuối cùng thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN là việc áp dụng kỹ thuật số. Theo WEF, nền kinh tế số của ASEAN sẽ trở nên bao trùm khi người tiêu dùng dần thích nghi với nền kinh tế số, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ nhiều hơn bởi các nhà đầu tư cũng như các chương trình chuyển đổi số của chính phủ. Trong tương lai, nền kinh tế ASEAN được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng vượt bậc.