Việt Nam có đường biên giới đất liền tiếp giáp với ba nước: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, với 21 cửa khẩu quốc tế đường bộ. Ðây là những lợi thế lớn để phát triển du lịch biên giới đường bộ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Với lợi thế về vị trí địa lý, đường biên giới dài, mạng lưới giao thông đường bộ đang phát triển, đặc biệt có tuyến đường xuyên Á kết nối với các thị trường có nhu cầu du lịch đường bộ cao. Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn hấp dẫn, Việt Nam đủ điều kiện cơ bản để phát triển du lịch biên giới đường bộ và thu hút du khách quốc tế đến bằng đường bộ qua biên giới.
Những năm qua, du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ. Những cửa khẩu vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, đều trở thành những điểm tham quan hấp dẫn. Như cửa khẩu quốc tế Móng Cái nằm giữa biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách qua lại buôn bán và du lịch. Tại khu vực cửa khẩu, bên phía Việt Nam, du khách có thể tham quan mua sắm tại các chợ Móng Cái với các chủ hộ kinh doanh là người Việt và người Hoa.
Đồng thời, nhờ thủ tục xuất cảnh đơn giản và dễ dàng, chỉ sau một giờ đồng hồ đã có thể đặt chân lên đất Đông Hưng, Trung Quốc. Ở Đông Hưng, có khá nhiều điểm du lịch mà du khách người Việt thường ghé thăm.
Có thể kể là chợ Vạn Chúng, khách đi đến khu vực này chủ yếu là mua sắm và tham quan lối sống của ngươi Trung Quốc, vì vậy có thể bố trí đi vào bất kì mùa nào miễn là cảm thấy thoải mái. Đặc biệt, người Việt cảm thấy thoải mái và quen thuộc với những thứ khá quen thuộc như Cafe G7, Trung Nguyên, mít sấy,… đại loại là hàng Việt được bán cho khách nội địa Trung Quốc mua làm quà mang về.
Bên cạnh đó ăn uống ở bên ngoài chợ cũng tương đối rẻ và chấp nhận được. Ngoài ra còn có Khu phố du lịch Bắc Đẩu, với rất nhiều dãy nhà tráng lệ mang đậm kiến trúc phương tây, trông không khác gì một châu Âu thu nhỏ; Siêu thị Bách Hội – điểm đến quen thuộc đối với du khách Việt khi sang đất Trung Quốc vì dễ tìm, nằm ở ngay đại lộ Bắc Luân, con phố chính của Đông Hưng.
Với biên giới Việt Lào, nổi tiếng nhất là Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thuộc huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị, là điểm du lịch hấp dẫn tại miền Trung. Cảnh đẹp dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh dẫn đến Lao Bảo cũng đủ cuốn hút tầm mắt du khách. Ngày nay khách du lịch đến với Lao Bảo như một địa danh mua sắm nổi tiếng hàng Thái Lan miễn thuế. Nếu yêu thích khám phá, du khách có thể đến thăm hang động Brai tuyệt đẹp với nhiều khối thạch nhũ nhiều màu, bên trong có các bãi đá ngầm và nước chảy như dòng suối nhỏ. Từ Lao Bảo, du khách cũng có thể đến thăm các địa danh lịch sử nổi tiếng như nhà tù Lao Bảo, địa đạo Vịnh Mốc, Khe Sanh, biển Cửa Tùng, Cửa Việt…
Ở phía bên kia nước bạn Lào là thành phố Savannakhet, du khác có thể thăm quan đề cảm nhận cuộc sống người bản địa trong tour Lào tại Tháp That Ing Hang Stupa. Đây là điểm hành hương nổi tiếng ở miền Nam nước Lào. Tháp được xây dựng cùng thời điểm với That Luang ở Viêng Chăn. Hàng năm ở đây diễn ra lễ hội lớn được tổ chức trong 3 ngày trăng tròn tháng Giêng theo lịch Lào. Tại các chùa, du khách được cột chỉ cầu may mắn và nhận những lời chúc phúc của các nhà sư cho tour du lịch Lào của mình.
Cùng với đó là hàng loạt điểm du lịch nổi tiếng: Wat Sainyaphum - ngôi chùa cổ nguy nga được xây dựng từ 1542, tọa lạc ở trung tâm Savannakhet. Nơi đây nổi tiếng với trường Phật học Phạn ngữ đào tạo các vị sư lớn của Lào; Nhà đá Heuan Hinh được xây dựng theo kiến trúc kiến trúc Chàm hay tiền Angkor độc đáo và được tạo nên bởi các viên đá nguyên khối sắp chồng lên nhau, mang dáng dấp của một ngôi chùa; Bảo tàng Dinosaur, nơi trưng bày vũ khí và những hình ảnh vang bóng một thời oanh liệt chống Mỹ cứu nước của Pathet Lào. Bên trong bảo tàng có chứa những bộ xương khủng long dài 15 thước và có tới 90 triệu năm tuổi do nhà địa dư học người Pháp, Jousé Heilman Hoffet phát hiện ra trong địa phận bản Tang Vay, mương PhaLan thuộc Savanakhet vào năm 1936.
Với đường biên giới tiếp giáp Cam-pu-chia, Mộc Bài, Tây Ninh là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền giữa hai nước. So với các cửa khẩu khác, cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên con đường xuyên Á bắt đầu từ Myanmar chạy qua Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và kết thúc ở Quảng Tây – Trung Quốc. Theo đường này thì Mộc Bài chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km, cách Thủ đô Pnompenh của Campuchia 170km, là giao điểm quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa cũng như thuận lợi cho hoạt động du lịch.
Ngay cạnh đó, di tích lịch sử cách mạng địa đạo Lợi Thuận cũng là điểm dừng chân hấp dẫn. Ngoài ra, du khách có thể đến với núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ, biểu trưng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Từ đây bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn toàn cảnh trung tâm thị xã Tây Ninh. Cửa khẩu Mộc Bài hầu như lúc nào cũng tấp nập xe container chở hàng hóa xuất nhập khẩu và hành khách xuất nhập cảnh. Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 500 xe buýt liên vận, vận tải và đầu kéo di chuyển qua lại ở cửa khẩu với lượng khách du lịch nhập cảnh khá lớn. Theo quy định của Pháp luật của cả Việt Nam và Campuchia, để qua cửa khẩu, du khách chỉ cần có hộ chiếu hoặc chứng minh thư nhân dân vùng biên giới, nếu không phải là người dân vùng biên giới thì đem theo hộ chiếu để làm thủ tục xuất nhập cảnh là xong. Đặc biệt, các thủ tục xuất cảnh ở Mộc Bài khá đơn giản. Tại đây du khách chỉ cần điền vào thông tin theo mẫu có sẵn sau đó xuất hành chứng minh thư nhân nhân và hộ chiếu để bộ phận hải quan kiểm tra và không cần phải đóng bất kì một khoản phí nào.
Bên kia biên giới là Bavet, một thị xã cửa ngõ quốc tế và là đô thị lớn nhất tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Svay Rieng từng được xem là căn cứ điểm quan trọng của Quân giải phóng miền Nam trong những năm chiến tranh. Hiện nay, Svay Rieng không ngừng phát triển cả về kinh tế và xã hội. Đặc biệt là về du lịch, tỉnh đón hàng triệu lượt khách du lịch ghé thăm mỗi năm. Đây còn được biết đến như một tỉnh của nông nghiệp với các loại nông sản như: lúa gạo, ngô, cà chua, chuối…
Thực tiễn những năm qua cho thấy, phát triển du lịch các tỉnh biên giới đã góp phần tích cực trong tạo công ăn việc làm, bảo đảm cuộc sống ổn định cho đồng bào biên giới và củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể có thể thấy rằng, mặc dù tiềm năng du lịch của các tỉnh biên giới là khá lớn, nhưng lượng khách du lịch đến với các tỉnh này còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng. Du lịch của các tỉnh biên giới nhìn chung đều chưa thật sự có được những bước đột phá mạnh mẽ. Lượng khách đến đều đặn tăng qua các năm, nhưng tốc độ còn thấp, xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản.
Trước hết, kết cấu hạ tầng ở hầu hết các khu vực biên giới chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch: hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đường nhánh tiếp cận các khu, điểm du lịch còn chưa được đầu tư phát triển, đơn hướng và chất lượng thấp. Đặc biệt trong mùa mưa lũ, nhiều đoạn đường khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung thường sạt lở, ngập lụt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển du lịch. Tiếp đến, cơ sở lưu trú và ăn uống dành cho khách du lịch còn ít, chất lượng không cao và hầu hết chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao; trình độ dân cư vùng biên giới còn thấp, phát triển kinh tế theo hướng tự cung, tự cấp, sản xuất nông nghiệp quảng canh nên sản phẩm chưa có giá trị cao; chưa có nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp khu vực biên giới có khả năng sản xuất những sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Đồng thời, các địa phương vùng biên giới chưa thực sự chủ động trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, khách du lịch chưa biết nhiều đến tiềm năng du lịch của các tỉnh biên giới, đặc biệt là khách từ thị trường sâu hơn (so với thị trường đường biên) của các nước bạn.
Ðể thúc đẩy phát triển du lịch biên giới, các chuyên gia du lịch cho rằng, cần kết hợp phát triển du lịch với phát triển kinh tế. Trên thực tế, những cửa khẩu biên giới sôi động nhất về hoạt động kinh tế cũng là những cửa khẩu nhộn nhịp nhất về du lịch, như cửa khẩu Móng Cái, Mộc Bài, Lao Bảo… Rõ ràng, hoạt động kinh tế có khả năng kích thích du khách. Bên cạnh đó, cần t ập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ, mở rộng các tuyến đường từ trung tâm tỉnh lỵ hoặc từ quốc lộ chính tới các cửa khẩu quốc tế đường bộ, xây dựng các đoạn đường nối từ quốc lộ đến các khu, điểm du lịch của địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt và với các tỉnh bên kia biên giới của nước láng giềng để từ đó hình thành sự liên kết du lịch đa dạng, góp phần thu hút các hãng lữ hành đưa khách đến.
Cuối cùng, cần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương để địa phương chủ động trong thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cấp kết cấu hạ tầng ở khu vực biên giới theo hình thức BOT, BT hoặc PPP; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của trung ương, hoặc với địa phương biên giới của nước bạn trong quảng bá xúc tiến du lịch nhằm phát huy thế mạnh về du lịch của mỗi quốc gia trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.