TÓM TẮT:
Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, do những tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm nay, ngành Du lịch đang gặp quá nhiều khó khăn, thách thức. Để các doanh nghiệp dịch vụ du lịch có thể phát triển trong điều kiện mới, cần có những biện pháp quản lý nhà nước (QLNN), đặc biệt là quản lý nhà nước cấp tỉnh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển. Bài viết tâp trung vào nội dung hệ thống và khái quát những nhân tố tác động đến quản lý nhà nước địa phương cấp tỉnh về dịch vụ du lịch.
Từ khóa: quản lý nhà nước, dịch vụ du lịch, doanh nghiệp du lịch.
1. Khái niệm về dịch vụ du lịch và quản lý nhà nước về du lịch
Theo Điều 4, Luật Du lịch của Việt Nam 2017, dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Dịch vụ du lịch là sự kết hợp những dịch vụ và phương tiện vật chất trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch nhằm cung cấp cho du khách một khoảng thời gian thú vị, một kinh nghiệm du lịch trọn vẹn và sự hài lòng. Dịch vụ du lịch là sự kết hợp giữa tài nguyên du lịch và các dịch vụ và hàng hóa du lịch. Dịch vụ du lịch có thể là một món hàng cụ thể như thức ăn, hoặc một món hàng không cụ thể như chất lượng phục vụ, bầu không khí tại nơi nghỉ mát.
Điểm chung nhất mà dịch vụ du lịch mang lại cho du khách chính là sự hài lòng. Nhưng đó không phải là sự hài lòng như khi mua sắm một hàng hóa vật chất, mà ở đây là sự hài lòng do được trải qua một khoảng thời gian thú vị, tồn tại trong ký ức của du khách khi kết thúc mỗi chuyến du lịch.
Có thể hiểu, QLNN về du lịch là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh liên tục bằng quyền lực công cộng chủ yếu thông qua pháp luật dựa trên nền tảng của thể chế chính trị nhất định đối với các quá trình, các hoạt động du lịch nhằm đạt được hiệu quả và mục tiêu kinh tế - xã hội do nhà nước đặt ra.
QLNN về dịch vụ du lịch cấp Tỉnh đó là sự tác động của chính quyền tỉnh tới hoạt động dịch vụ du lịch theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ quản lý tới hoạt động du lịch để đạt mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia đề ra trong từng giai đoạn.
2. Đặc điểm của QLNN về dịch vụ du lịch
QLNN về dịch vụ du lịch có một số đặc điểm cơ bản như sau:
Một là, Nhà nước tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch diễn ra trong nền kinh tế thị trường.
Xuất phát từ đặc trưng của nền kinh tế thị trường là tính phức tạp, năng động và nhạy cảm. Vì vậy, hoạt động du lịch đòi hỏi phải có một chủ thể có tiềm lực về mọi mặt để đứng ra tổ chức và điều hành, chủ thể ấy không ai khác chính là Nhà nước - vừa là người quản lý, vừa là người tổ chức hoạt động du lịch. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, Nhà nước phải đề ra pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,… và sử dụng các công cụ này để tổ chức và quản lý hoạt động du lịch.
Hai là, hệ thống công cụ như pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,… phát triển du lịch là cơ sở, là công cụ để Nhà nước tổ chức và quản lý hoạt động du lịch.
Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động du lịch diễn ra hết sức phức tạp với sự đa dạng về chủ thể, về hình thức tổ chức và quy mô hoạt động,… Dù vậy, sự quản lý của Nhà nước phải luôn đảm bảo cho hoạt động du lịch có tính tổ chức cao, ổn định, công bằng và có tính định hướng rõ rệt. Do đó, Nhà nước phải ban hành pháp luật, đề ra các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch và dùng các công cụ này để tác động vào lĩnh vực du lịch.
Ba là, QLNN đối với hoạt động du lịch đòi hỏi phải có một bộ máy nhà nước mạnh, có hiệu lực, hiệu quả và một đội ngũ cán bộ QLNN có trình độ, năng lực thật sự.
QLNN đối với hoạt động du lịch phải tạo được những cân đối chung, điều tiết được thị trường, ngăn ngừa và xử lý những đột biến xấu, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho mọi hoạt động du lịch phát triển. Và để thực hiện tốt điều này thì tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ QLNN không thể khác hơn là phải được tổ chức thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Bốn là, QLNN còn xuất phát từ chính nhu cầu khách quan của sự gia tăng vai trò của chính sách, pháp luật trong nền kinh tế thị trường với tư cách là công cụ quản lý.
Nền kinh tế thị trường với những quan hệ kinh tế rất đa dạng và năng động đòi hỏi có một sân chơi an toàn và bình đẳng, đặc biệt là khi vấn đề toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế là mục tiêu mà các quốc gia hướng tới. Trong bối cảnh đó, phải có một hệ thống chính sách, pháp luật hoàn chỉnh, phù hợp không chỉ với điều kiện ở trong nước, mà còn với thông lệ và luật pháp quốc tế.
3. Một số nội dung QLNN cơ bản về dịch vụ du lịch trên địa bàn cấp tỉnh
Một là, tổ chức thực hiện và ban hành các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động du lịch.
Để chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, các cơ quan nhà nước nói chung, chính quyền cấp tỉnh nói riêng phải tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh. Chính quyền cấp tỉnh phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về du lịch cho cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân trên địa bàn giúp họ nhận thức đúng đắn, từ đó có hành động đúng trong hoạt động thực tiễn; đảm bảo sự tuân thủ, thi hành chính sách, pháp luật về du lịch một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương, chính quyền cấp tỉnh phải tạo hành lang pháp lý chung cho cạnh tranh trong tiến hành hoạt động đầu tư phát triển du lịch của nhiều thành phần kinh tế. Đồng thời, nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền mang tính đặc thù ở địa phương như chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi tiền thuê đất, thời hạn thuê đất, chính sách ưu đãi tín dụng,... nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tạo sự an tâm, tin tưởng cho các tổ chức, cá nhân (kể cả trong nước và ngoài nước) khi đầu tư vốn để kinh doanh du lịch.
Mặt khác, hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển du lịch. Vì vậy, chính quyền cấp tỉnh cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch như mở đường giao thông, xây dựng hệ thống điện, cung cấp nước sạch, phát triển hệ thống thông tin liên lạc, hỗ trợ trong việc tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc, cảnh quan du lịch,...
Ngoài ra, chính quyền cấp tỉnh cần gắn kết chính sách trong phát triển kinh tế của tỉnh với chính sách phát triển du lịch từ khâu khảo sát hoạch định, tổ chức thực hiện, như: đảm bảo bình ổn giá tiêu dùng và thị trường du lịch, có chính sách điều tiết thu nhập hợp lý và hướng các doanh nghiệp du lịch tham gia thực hiện các chính sách xã hội ở địa phương. Để thực hiện điều này, chính quyền cấp tỉnh phải sử dụng linh hoạt các công cụ quản lý, nhằm hạn chế tình trạng nâng giá, độc quyền trong hoạt động kinh doanh du lịch ở địa phương.
Hai là, tổ chức bộ máy QLNN hoạt động trong lĩnh vực du lịch do địa phương quản lý.
Để công tác QLNN về du lịch phát huy được hiệu quả cao nhất thì yếu tố bên trong rất quan trọng và được xây dựng bởi các thành phần bao gồm: tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, nguồn nhân lực quản lý và nguồn lực cho quản lý. QLNN về du lịch của tỉnh được quản lý theo ngành và theo lãnh thổ. Bộ máy QLNN về du lịch quản lý theo lãnh thổ (từng địa phương) được quản lý bởi cấp cao nhất là UBND tỉnh, tiếp theo là Sở Du lịch (hoặc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) gồm các phòng, ban cụ thể thực hiện các nhiệm vụ, chức năng được quy định rõ ràng. Bộ máy QLNN về du lịch thực hiện chức năng của mình thông qua thủ tục hành chính bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mang tính ép buộc, buộc các đối tượng của QLNN về du lịch, phải tuân thủ thực hiện, nếu không sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt theo quy định của pháp luật. Điều đó, bắc buộc người làm công tác QLNN phải là người có trình độ, năng lực, nắm bắt tình hình công việc để đưa ra các chính sách, phương hướng phù hợp, kịp thời. Do đó, công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, cụ thể là QLNN về du lịch cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
Ba là, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch.
Cũng như trong các lĩnh vực, ngành nghề khác, chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch cũng ảnh hưởng, quyết định đến sự phát triển của ngành. Bởi vì, từ cạnh tranh toàn cầu, cạnh tranh giữa các quốc gia, các ngành, các doanh nghiệp cho đến cạnh tranh từng sản phẩm chính là cạnh tranh bằng trí tuệ của nhà quản lý và chất lượng của nguồn nhân lực. Để hoạt động du lịch của một quốc gia, một vùng, một địa phương phát triển, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch cần được quan tâm thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cần phải có chiến lược, kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có như vậy mới khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bốn là, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch.
Sự phát triển nhanh của du lịch sẽ làm phát sinh các hành vi tiêu cực như khai thác quá mức các công trình, khu, điểm du lịch, làm ô nhiễm môi trường sinh thái, những hoạt động kinh doanh du lịch trái với bản sắc văn hóa của đất nước, của địa phương. Do đó, chính quyền cấp tỉnh phải chỉ đạo thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với hoạt động du lịch để phòng ngừa hoặc ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực có thể xảy ra. Để thực hiện tốt nội dung này, chính quyền cấp tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và những quy định của tỉnh về đầu tư khai thác các khu, điểm du lịch trên địa bàn; thực hiện việc đăng ký và hoạt động theo đăng ký kinh doanh, nhất là những hoạt động kinh doanh có điều kiện, như: kinh doanh lưu trú, kinh doanh lữ hành; đồng thời cần xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về du lịch trên địa bàn.
4. Những nhân tố tác động tới quản lý dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh
4.1. Nhóm nhân tố chủ quan trong QLNN
4.1.1. Các nhân tố liên quan đến chính sách, kỹ năng quản trị của chính quyền các cấp của tỉnh
Các quy định của pháp luật về quản lý ngành du lịch trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh: Các văn bản pháp luật chính là cơ sở pháp lý tạo hành lang an toàn, quy chuẩn cho các hoạt động và kinh doanh du lịch. Chính quyền các cấp cần chú trọng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản mang tính pháp lý - hành chính để cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm chỉ đạo, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương. Thông qua đó, đảm bảo quá trình gắn kết lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân; vừa nhằm đạt được các mục tiêu của nhà nước vừa thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Thông qua việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ huy động các nguồn lực hiện có của địa phương và sự hỗ trợ từ trung ương vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch Tỉnh nói riêng.
Chính sách thuế, giá của các cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và các cấp của tỉnh cũng như của các tổ chức kinh doanh du lịch: Đây được coi là các công cụ mang tính chất đòn bẩy, có thể kích thích hoặc kìm hãm sự phát triển của ngành Du lịch. Chẳng hạn chính sách giảm giá các dịch vụ - hàng hóa phục vụ du lịch trước và sau thời vụ du lịch chính, hoặc dùng các hình thức khuyến mãi để kéo dài thời gian, thời vụ du lịch.
Vai trò, năng lực, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp của tỉnh trong việc quản lý chung cũng như quản lý ngành Du lịch: Vấn đề bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; khả năng tổ chức quản lý và khai thác, sử dụng các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh; khả năng tổ chức cung cấp các dịch vụ công (cả dịch vụ hành chính công và dịch vụ công cộng) để đáp ứng yêu cầu của QLNN trên địa bàn và nhu cầu của công dân và tổ chức; tính chủ động trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển thị trường du lịch.
Nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch: Vốn là một trong những nguồn lực rất quan trọng để ngành Du lịch của tỉnh có sức phát triển. Cần có chính sách hỗ trợ vay vốn và đổi mới về cơ chế cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn vay của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, tạo ra một môi trường bình đẳng trong tiếp cận tín dụng mà không phân biệt thành phần sở hữu; xem xét sử dụng một số biện pháp kỹ thuật để tăng nguồn vốn cho ngành kinh tế này; nhân rộng mô hình và hiệu quả hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tốt hơn tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại; triển khai hoạt động hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch trong việc đa dạng hóa kênh huy động vốn. Khuyến khích các ngân hàng và quỹ tín dụng cho các hộ kinh doanh du lịch vay vốn và bảo đảm tín chấp cho hoạt động vay vốn.
Nguồn nhân lực quản lý và lao động trong ngành Du lịch: Trước hết là yếu tố năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức địa phương làm công tác quản lý hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, văn hóa lối sống, trình độ, kỹ năng của đội ngũ lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ du lịch. Muốn có đội ngũ cán bộ quản lý và nguồn lao động du lịch có chất lượng cao, phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
4.1.2. Các nhân tố mang tính tổ chức kỹ thuật
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội: Việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, kết cấu vật chất kỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như phát triển ngành Du lịch nói riêng. Các công trình giao thông, công sở, chung cư, cao ốc văn phòng, điện, nước, cơ sở vật chất dịch vụ tại các địa điểm du lịch,… có tác động mạnh mẽ đến việc thúc đẩy du lịch phát triển, làm thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu của du khách.
Cơ cấu của cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch và cách thức tổ chức hoạt động trong các cơ sở du lịch: Các yếu tố này ảnh hưởng đến việc phân bố nhu cầu của khách du lịch theo thời gian. Chẳng hạn việc xây dựng các khách sạn có hội trường, bể bơi, sân tennis, các trung tâm nghỉ dưỡng, chữa bệnh,… tạo điều kiện cho các cơ sở này hoạt động quanh năm thay vì chỉ hoạt động trong một vài tháng nhất định.
Khả năng tổ chức các hoạt động du lịch hợp lý: Việc phân bố hợp lý các hoạt động vui chơi, giải trí, tổ chức hoạt động cho du khách có thể khắc phục sự ảnh hưởng của những nhân tố khách quan tác động đến thời vụ du lịch.
Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá: Các hoạt động này tác động mạnh mẽ đến sự thu hút, phân bố luồng khách du lịch, giúp cho khách du lịch nắm được các thông tin về điểm du lịch để họ sắp xếp kế hoạch đi du lịch một cách hợp lý.
4.2. Nhóm nhân tố khách quan trong QLNN
4.2.1. Các nhân tố tự nhiên
Điều kiện về tài nguyên du lịch: Những quốc gia, địa danh có nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi cho phát triển du lịch như rừng, núi, sông, biển hoặc các danh lam thắng cảnh phong phú sẽ làm tăng cường độ phát triển ngành du lịch.
Thời tiết khí hậu: Thời tiết khí hậu là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành tính thời vụ du lịch, tác động mạnh lên cả cung và cầu du lịch trên địa bàn. Sự ảnh hưởng của thời tiết gây ra có thể mở rộng, hoặc thu hẹp lại, tùy thuộc vào đòi hỏi của khách du lịch và tiêu chuẩn của họ khi sử dụng tài nguyên du lịch.
4.2.2. Các nhân tố kinh tế - xã hội, văn hóa - tâm lý
Thu nhập: Đây là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng quyết định tới nhu cầu đi du lịch, có thu nhập thì mới có điều kiện hưởng thụ cuộc sống bằng các chuyến đi du lịch. Thu nhập của người dân càng cao thì nhu cầu đi du lịch càng nhiều. Do đó, ở các nước có nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao thì người dân đi du lịch nhiều hơn ở các nước nghèo.
Thời gian nhàn rỗi là nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố không đều của nhu cầu du lịch, con người chỉ có thể đi du lịch vào thời gian nhất định trong năm. Tác động của thời gian nhàn rỗi lên tính thời vụ trong du lịch phải nói đến 2 đối tượng chính trong xã hội. Các yếu tố như thời gian nghỉ phép năm của cán bộ, công chức, người làm công ăn lương và thời gian nghỉ của các trường học có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách du lịch theo thời điểm.
Phong tục tập quán: Đây là những thói quen, sinh hoạt văn hóa, tinh thần diễn ra thường xuyên, lâu dài, được hình thành dưới tác động của các điều kiện kinh tế - xã hội. Theo thời gian, các điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi sẽ hình thành nên các thói quen, nét văn hóa mới nhưng không thể xóa bỏ ngay những giá trị tốt đẹp trong các phong tục, tập quán truyền thống.
Dịch bệnh: Những dịch bệnh có nguy cơ dễ lây lan, như: H1N1, H1N5, Sars, dịch sốt xuất huyết, dịch Covid-19,… xảy ra cũng là yếu tố trực tiếp làm giảm lượng khách đi du lịch, thậm chí còn không thể thực hiện được hoạt động du lịch.
Tóm lại, việc đánh giá và hiểu được các nhân tố tác động đến quản lý dịch vụ du lịch trên địa bàn cấp tỉnh sẽ giúp cho có những chủ trương, chính sách đúng đắn, giúp cho các doanh nghiệp du lịch có những điều kiện phù hợp để phục hồi và phát triển, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị bước vào kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, sau đại dịch Covid-19.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội, (2017). Luật Du lịch số 09/2017/QH14.
- Chính phủ, (2017). Nghị định số 168/NĐ-CP về việc chi tiết một số điều của Luật Du lịch số 09.
- Đặng Thị Thanh Loan và Bùi Thị Thanh, (2014). Các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch: Nghiên cứu trường hợp điểm đến du lịch Bình Định. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 210, tr. 36-44
- Latest Articles, 2015. A Sociological Study of Domestic Tourism and the Factors Influencing It. Cumhuriyet University Faculty of Science Science Journal (CSJ), 36 (3): 3388-3398.
Factors affecting the provincial state management on tourism in Vietnam
Ph.D student Dang Thuy Trang
Thuongmai University
ABSTRACT:
Tourism is considered a spearhead economic industry of Vietnam. However, the COVID-19 pandemic has severely affected the tourism industry. In order to support the development of tourism enterprises in the “new normal” after COVID-19, it is necessary for Vietnam to have appropriate state management measures, especially provincial state management measures. This paper presents an overview about Vietnam’s provincial state management on tourism and points out the factors affecting the provincial state management on tourism.
Keywords: state management, tourism services, tourism enterprise.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2021]