Giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch tỉnh Long An

ThS. NGUYỄN ANH LỢI (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây,  ngành Du lịch Long An được các cấp chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, có nhiều bước tiến trong hoạt động, nhưng hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, những lợi ích mà du lịch mang đến chưa xứng với những lợi thế về du lịch của Tỉnh. Bài viết nghiên cứu về giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch ở tỉnh Long An hiện nay. Để hoạt động du lịch ngày càng phát triển, Long An cần kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao nâng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện về bộ máy tổ chức, thể chế và thủ tục, tập trung công tác quy hoạch, đầu tư trọng điểm ở các tuyến, điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Từ khóa: Quản lý nhà nước về du lịch, du lịch, tỉnh Long An.

 1. Đặt vấn đề

Long An là nơi giao thoa giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tài nguyên du lịch của tỉnh tương đối phong phú và đa dạng, đặc biệt là lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên với các giá trị cảnh quan như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sinh thái đất ngập nước mà tiêu biểu là khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở vùng trũng Đồng Tháp Mười với tính đa dạng sinh học cao. Ngoài ra, quỹ đất phát triển du lịch nói riêng trên địa bàn tỉnh Long An còn khá dồi dào. Long An có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, rất thuận lợi để hội nhập với du lịch khu vực, thu hút khách du lịch quốc tế đến Long An.

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch được Đảng bộ và chính quyền tỉnh quan tâm thường xuyên và từng bước hoàn thiện. Thời gian qua, du lịch đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Kết quả hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng khách du lịch đến với Long An ngày càng tăng. Các chỉ tiêu cơ bản đều vượt so với mục tiêu đã đề ra. Năm 2017, Long An đón 1.060.000 lượt khách, tăng 16% so với cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 485 tỷ đồng [1]. Năm 2018 Long An đón 1.200.000 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 562 tỉ đồng [5].

Tuy nhiên, để du lịch Long An phát triển bền vững, các ban, ngành và các cấp trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới việc tạo môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển, cần khơi dậy tiềm năng và huy động được các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Long An cũng cần quan tâm hơn đến việc bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch. Nhiều cán bộ và nhân dân chưa hiểu được vị trí, vai trò của du lịch trong đời sống cộng đồng để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên quan điểm phát triển du lịch bền vững. Cơ chế, chính sách về du lịch có mặt chưa đồng bộ và nhất quán. Quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở nhiều khu, điểm du lịch.

Trước những yêu cầu mới trong giai đoạn hội nhập công tác “Quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch tỉnh Long An hiện nay” cần được đổi mới một cách toàn diện, để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa góp phần tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững của ngành du lịch tỉnh Long An trong tương lai.

2. Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động Du lịch tỉnh Long An

2.1. Tổ chức bộ máy quản lý

          Phòng Nghiệp vụ du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An với 6 cán bộ trực tiếp tham mưu đối với quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh. Ở mỗi huyện chức năng, nhiệm vụ quản lý nNhà nước về du lịch được lồng ghép với Phòng Văn hóa  -  Thông tin song chưa được quy định rõ ràng cụ thể.

          Điều đó cho thấy tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch chưa được đặt ngang tầm nhiệm vụ chính trị cả về quy mô, năng lực và quyền hạn. Phòng Nghiệp vụ du lịch thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch với đội ngũ cán bộ công chức quá mỏng (6 biên chế) nên chưa thể phát huy hết vai trò của quản lý nhà nước đối với du lịch [3]. Ở cấp huyện, đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác quản lý du lịch còn thiếu và yếu nên công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ở cấp huyện gần như còn bỏ ngỏ.

2.2. Xây dựng và ban hành chính sách phát triển du lịch

          Công tác quản lý nhà nước về du lịch ở Long An được thực hiện trên cơ sở các chủ trương đường lối phát triển kinh tế chung của Nhà nước; trên cơ sở hệ thống luật pháp và các văn bản liên quan đến du lịch hiện hành, hiện chưa có các quy định riêng về du lịch. Hiện nay, một số quy định như: Quy định về quản lý, khai thác tài nguyên du lịch, Quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, Quy chế quản lý khu, tuyến, điểm du lịch đang được xem xét để xây dựng và ban hành.

2.3 Xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển du lịch

          Cho đến nay, một số quy hoạch phát triển du lịch đã được thực hiện và phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An; Một số quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn đã được phê duyệt như: dự án đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập; dự án đầu tư phát triển khu du lịch vui chơi giải trí Happy Land; dự án quy hoạch chi tiết điểm du lịch Đồn Rạch Cát…

          Nhìn chung, những nội dung và kết quả nghiên cứu quy hoạch và các dự án khả thi đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch đã góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đây là cơ sở cho công tác chỉ đạo, quản lý xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch.

          Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện, quản lý quy hoạch du lịch còn chậm và yếu, những biện pháp đảm bảo triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể chưa đồng bộ. Sau hơn 15 năm thực hiện, quy hoạch tổng thể cũng bộc lộ một số hạn chế và chậm đi vào được cuộc sống. Do đó, du lịch Long An chưa thực sự tạo được điểm nhấn, chưa khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc để tạo ra những sản phẩm đặc thù. Mặt khác, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo quy hoạch thấp hơn thực trạng phát triển kéo theo các dự báo, định hướng đầu tư xây dựng sản phẩm thấp hơn yêu cầu.

          Quy hoạch chi tiết một số khu vực trọng điểm như Láng Sen, đề án phát triển du lịch đường sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây,... nghiên cứu triển khai còn chậm; việc xây dựng một số công trình, kể cả các công trình dịch vụ du lịch ở nhiều nơi còn tùy tiện, chắp vá hoặc trùng lắp do nhiều chủ sở hữu, chủ quản lý khác nhau [3]. Nguyên nhân chính là do kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho xây dựng quy hoạch chi tiết các khu/điểm du lịch còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành liên quan và chính quyền địa phương trong xây dựng quy hoạch còn nhiều bất cập dẫn đến chậm tiến độ quy hoạch.

          Việc quản lý thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt cũng còn nhiều bất cập. Tình trạng cấp phép đầu tư trong khu quy hoạch cho các dự án không theo quy hoạch vẫn diễn ra do không có sự phối hợp thống nhất của các ngành chức năng. Việc cho phép đầu tư không theo quy hoạch đã gây tác động tiêu cực đến tài nguyên du lịch và phát triển bền vững trong các khu du lịch.

2.4. Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch 

          Quản lý hoạt động kinh doanh du lịch là một trong những nội dung của quản lý nhà nước về du lịch. Hiện nay, tỉnh Long An gần 350 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trong các lĩnh vực: lưu trú, lữ hành, vận chuyển khách du lịch, điểm dừng và dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao. Chủ thể quản lý nhà nước trực tiếp đối với các đơn vị này là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

          Những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã luôn chú trọng công tác quản lý kinh doanh du lịch. Từ việc tổ chức các hội nghị tập huấn pháp luật, chế độ chính sách mới của Nhà nước liên quan tới hoạt động du lịch, đến hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và thanh tra, kiểm tra, phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch và điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, trung tâm mua sắm... Tính đến năm 2018, toàn Tỉnh đã phân loại, xếp hạng được 322 cơ sở lưu trú du lịch đã được thẩm định, gồm 4.111 phòng, trong đó có 6 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 2 sao, 17 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 1 sao và 299 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch [1].

          Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch cũng còn hạn chế như: Thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong khâu thẩm định dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư được cấp phép không theo quy hoạch của ngành du lịch đầu tư dở dang phải tạm dừng, có dự án xây dựng khách sạn khi tiến hành thiết kế, đầu tư xây dựng không có ý kiến thẩm định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên xây dựng không đúng tiêu chuẩn, gây lãng phí, ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ và hiệu quả kinh doanh.  Việc thanh tra, kiểm tra theo chức năng riêng của từng ngành cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là đối với hoạt động kinh doanh khách sạn, có những khách sạn trong cùng một ngày phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra của các cấp, ngành khác nhau.

3. Giải pháp chủ yếu hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch ở tỉnh Long An

3.1. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cơ chế, chính sách về du lịch

Việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cơ chế, chính sách về du lịch cần tiến hành thường xuyên, thông qua nhiều hình thức như xây dựng chuyên mục trên đài phát thanh - truyền hình; trên báo Long An, Ban Tuyên giáo. Tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề về thái độ đối với môi trường thiên nhiên, thái độ và cung cách ứng xử thân thiện đối với du khách.

3.2. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung đầu tư có trọng điểm

Khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời bảo vệ và phát huy vốn đầu tư, cần ưu tiên đầu tư các lĩnh vực sau:

- Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, khu điểm tham quan du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các tuyến du lịch đường sông như Happy Land - Tân Trụ, Phước Lộc Thọ - Tây Ninh,  Tân An - Mộc Hóa - Vĩnh Hưng. Khu bảo tồn Đất ngập nuớc Láng Sen cần ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật như cầu tàu, nhà chờ, nhà hàng ăn nhanh và quầy cà phê giải khát, quầy vé, quầy lưu niệm, khu vệ sinh, sân vườn, bãi xe và cây xăng, đội thuyền du lịch và xuồng cao tốc, đường ô tô nối từ bến tàu lên trục đường lộ chính, cầu tàu và các đường đi bộ lên các điểm tham quan dọc sông. Xây dựng đường tiếp cận thị trấn Cần Giuộc - Đồn Rạch Cát - Nhà Trăm Cột; Đường vào khu di tích khảo cổ Bình Tả [3].

- Ưu tiên đầu tư xây dựng các dịch vụ phụ phục vụ hoạt động du lịch cho các khu điểm tham quan: Nhà Trăm Cột, Khu di tích Gò Xoài; Khu du lịch Đức Huệ Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen; Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập; Khu thương mại, dịch vụ du lịch cửa khẩu Bình Hiệp; Khu du lịch Đồn Rạch Cát, Khu làng sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần, giải trí ven sông tại Tân An.

- Tập trung xây dựng các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 1-3 sao tại: TP. Tân An (2.000 giường), Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (100 giường), Điểm du lịch văn hóa vui chơi giải trí Phước - Lộc - Thọ (300 giường), Điểm du lịch Đồn Rạch Cát (1.000 giường), Sân golf Đức Hòa (1.500 giường), Phế tích Gò Xoài (100 giường), Cửa khẩu Bình Hiệp (600 giường).

3.3. Hoàn thiện tổ chức bộ máy các cấp

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy thống nhất từ tỉnh xuống huyện, cho đến xã, đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong quản lý nhà nước về du lịch, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trong quản lý, đảm bảo giải quyết nhanh gọn các vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch [3].

- Tổ chức hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; kiểm tra hoạt động của các ban quản lý các khu, điểm du lịch của Tỉnh.

- Tăng cường sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại, khai thác hiệu quả Internet, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lí nhà nước về du lịch. 

- Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các sở, ngành khác trong quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch cũng như trong việc tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch trên địa bàn.

3.4. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Long An

- Xây dựng và thực hiện cơ chế thi tuyển, tuyển chọn cán bộ và sử dụng cán bộ đúng khả năng và trình độ chuyên môn được đào tạo để phát huy sở trường, kiên quyết thay thế những cán bộ có phẩm chất kém và năng lực yếu. Đổi mới cách thức đánh giá cán bộ, không đánh giá một cách chung chung mà phải dựa trên tiêu chuẩn đã quy định. Năng lực cán bộ được bằng chất lượng và hiệu quả công việc được giao.

- Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị quản lý về du lịch cấp huyện xã. Kết hợp với các trường cao đẳng, đại học khu vực TP. Hồ Chí Minh để đào tạo và phát triển cán bộ có trình độ đại học và sau đại học về du lịch và quản lý du lịch. Bồi dưỡng nghiệp vụ các cán bộ đương nhiệm về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, chế độ chính sách mới về quản lý du lịch và các lĩnh vực khác có liên quan [6, tr.138]. Bên cạnh đó cần kết hợp có chính sách ưu đãi tuyển dụng cán bộ trẻ có năng lực, có trình độ cao đẳng, đại học trở lên làm nguồn cho công tác quản lý và hoạch định chính sách.

- Theo sát kế hoạch định hướng hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tận dụng mọi cơ hội nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý.

3.5. Tăng cường xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch của tỉnh

- Đẩy mạnh khai thác các phương tiện và công nghệ truyền thông trong và ngoài nước, tăng cường tham gia các sự kiện du lịch mang tính tuyên truyền cao như hội chợ, lễ hội, các sự kiện thể thao lớn để tuyên truyền quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư, liên kết, hợp tác phát triển du lịch Long An.

- Xây dựng hệ thống chỉ dẫn thông tin du lịch. Đẩy nhanh dự án ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức triển khai ngay vào công tác quản lý, quảng bá du lịch, hoàn thiện website du lịch Long An. Phát hành các ấn phẩm về tiềm năng du lịch của tỉnh để giới thiệu với các đại lý du lịch nước ngoài nhằm mở rộng phạm vi quảng bá.

- Chủ động phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng các phương án, kế hoạch hợp tác phát triển du lịch và nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch. Triển khai nhanh việc kí kết các kế hoạch hợp tác phát triển du lịch với các nước trong khu vực, nhất là Campuchia và Thái Lan.

- Đăng cai tổ chức tại tỉnh các hoạt động văn hóa - du lịch, văn hóa - thể thao, giao lưu văn hóa... cấp quốc gia, quốc tế để xây dựng thương hiệu cho du lịch Long An.

3.6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh

- Xác định chính xác phạm vi thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra phải được xây dựng khoa học để đảm bảo được mục đích, yêu cầu thanh tra, kiểm tra, vừa có sự kết hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để tiến hành gọn nhẹ, không trùng lặp chồng chéo, giảm bớt thời gian, không gây phiền hà cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch [3].

- Đào tạo, lựa chọn nhân sự thanh tra, kiểm tra có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra trong thời đại công nghệ số, có quan điểm đúng đắn khi tiến hành thanh tra, kiểm tra để có thể đánh giá nhanh chóng, chính xác, khách quan bản chất của vấn đề được thanh tra, kiểm tra, tránh sự khô cứng, máy móc.

4. Kết luận

Quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch ở tỉnh Long An là nhân tố ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của ngành Du lịch Long An, qua đó ảnh hưởng đến mức độ đóng góp của ngành này vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của Tỉnh. Để hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch ở tỉnh Long An hiện nay, cần phải: tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cơ chế, chính sách về du lịch; đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung đầu tư có trọng điểm, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cấp; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Long An; tăng cường xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo Du lịch (2018), Du lịch Long An tự tin bước vào năm mới, http://baodulich.net.vn/Du-lich-Long-An-tu-tin-buoc-vao-nam-moi-2402-13915.html, truy cập ngày 06/07/2019.
  2. Báo Du lịch (2018), Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, http://baodulich.net.vn/Tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-du-lich-2402-15482.html, truy cập ngày 06/07/2019.
  3. Viện Du lịch Bền vững Việt Nam (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Viện Du lịch Bền vững Việt Nam;
  4. Báo Long An Online (2017), Hơn 1 triệu lượt khách du lịch đến Long An, http://baolongan.vn/nam-2017-hon-1-trieu-luot-khach-du-lich-den-long-an-a48546.html, truy cập ngày 06/07/2019.
  5. Báo Long An Online (2017), Những con số ấn tượng năm 2018 của tỉnh Long An, http://baolongan.vn/nhung-con-so-an-tuong-nam-2018-cua-tinh-long-an-a68353.html, truy cập ngày 06/07/2019.
  6. Ngô Nguyễn Hiệp Phước (2018), luận án tiến sĩ Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

 

SOLUTIONS TO PERFECT THE STATE MANAGEMENT FOR TOURISM ACTIVITIES IN LONG AN PROVINCE

Master. NGUYEN ANH LOI

Van Lang University

ABSTRACT: 

In recent years, Long An province’s tourism industry has received more attention from local authorities at all levels and has gained some achievements. However, the provincial tourism industry has still faced many challenges and the benefit, which is brought by the tourism industry to Long An province, is not commensurate with the provincial advantage. This article is to propose solutions to perfect the state management for tourism industry in Long An province. To promote the tourism development, Long An province should strengthen its managerial organization, improve the management capacity of its authorities at all levels, continue to its comprehensive administrative reform in terms of organizational structure, institutions and procedures, and focus on planning and investing in key local tourism projects. In addition, the province should strengthen its inspection on tourism activities.

Keywords: State management for tourism, tourism, Long An province.