Phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống ở thành phố Nha Trang

ThS. TRẦN THỊ HẠNH NGUYÊN (Khoa Du lịch - Trường Đại học Khánh Hòa)

TÓM TẮT:

Nha Trang còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách. Đặc biệt nơi đây còn bảo tồn được nhiều làng nghề truyền thống với nghệ thuật sản xuất nghề cùng văn hóa làng nghề độc đáo. Đây là những nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch cộng đồng trên vùng đất này. Tuy vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống ở Thành phố Nha Trang chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Bài viết đánh giá thực trạng và đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống ở Thành phố Nha Trang.

Từ khóa: Thành phố Nha Trang, du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống.

1. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống

1.1. Sản xuất nghề truyền thống

Sản xuất lò gốm ở Lư Cấm: làng gốm Lư Cấm thuộc phường Ngọc Hiệp, ven sông Cái, cách trung tâm TP. Nha Trang 4km, theo đường bộ và đường sông.

Lịch sử nghề gốm và nghề dệt ở đây đã có trên 300 năm. Trước năm 1954, cả làng Lư Cấm đều làm gốm với sản phẩm rất đa dạng gồm: chum, vại, lu, bình, ấm, chén bát, lò đốt… là loại gốm sắc đỏ, kiểu dáng men gốm giống nghệ thuật sản xuất Chăm Pa. Từ sau năm 1975, nghề làm gốm ở đây bị mai một, đến nay chỉ còn 7 gia đình sản xuất lò gốm. Các công đoạn sản xuất gốm truyền thống ở đây vẫn được các nghệ nhân bảo tồn. Nghề sản xuất lò gốm tạo việc làm cho 20 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Nghề dệt chiếu cói ở làng Ngọc Hội  1, 2: Làng Ngọc Hội thuộc xã Vĩnh Ngọc nằm ở vùng ven sông Cái, gần với làng Lư Cấm. Làng có nhiều vùng đất ngập nước ven sông, thuận tiện cho việc trồng cói và tiêu thụ sản phẩm.

 Nghề dệt chiếu cói ở đây được những người dân từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hội An, Quảng Nam đến định cư và phát triển từ trên 300 năm trước. Trước năm 1975, cả làng Ngọc Hội đều dệt chiếu. Đến nay, làng chỉ còn 9 hộ gia đình làm nghề trồng cói và dệt chiếu cói. Hiện, có 4 hộ gia đình sản xuất gốm và dệt chiếu vẫn bảo tồn được nhà truyền thống, vườn cây trái, nhiều đồ vật, hương án thờ cổ cùng truyền thống thờ cúng tổ tiên, trở thành các điểm tham quan hấp dẫn. Các hộ gia đình làm nghề truyền thống ở đây đón trung bình trên 400 lượt khách du lịch đến tham quan hàng tháng. Mỗi gia đình nhận được từ 50.000 - 100.000 đồng phí tham quan/đoàn. Nhiều khách hàng đã mua các sản phẩm dệt chiếu, giúp cho các hộ gia đình có thêm thu nhập.

1.2. Sản xuất ngư nghiệp truyền thống tại các làng nghề Trí Nguyên, Vũng Ngán và Bích Đầm

Các hộ gia đình ở đây vẫn còn bảo tồn được nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt hải sản bằng lưới đăng, giã, câu, nuôi trồng hải sản… Những năm gần đây, trữ lượng thủy sản ven bờ giảm sút, do phương thức đánh bắt hủy diệt và việc đánh bắt vượt quá giới hạn sinh học. Do vậy, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang chăn nuôi hải sản lồng bè, mức thu nhập không ổn định do dịch bệnh gây ra, phụ thuộc vào thị trường, từ 5-10 triệu đồng/tháng/hộ gia đình 4-6 người.

Ba làng Chài có trên 800 hộ gia đình, nhưng do thiếu vốn, nên chỉ có 100 hộ mua sắm được tàu lớn để đánh bắt xa bờ, câu cá ngừ đại dương. Một số hộ gia đình ở làng Trí Nguyên phối hợp và các công ty lữ hành tổ chức phục vụ du khách câu cá, câu mực với mức lợi nhuận 1 triệu đồng/chuyến tàu vào các buổi tối.

1.3. Nghề nuôi và chế biến yến sào

Sản phẩm yến sào của TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước cho đến nay. Trong các thời kỳ phong kiến và trước năm 1975, việc khai thác yến sào do triều đình và nhà nước quản lý. Năm 1987, Xí nghiệp Yến Sào Nha Trang được thành lập; đến năm 1990, Công ty Yến Sào Khánh Hòa được thành lập. Từ đó đến nay, có nhiều người dân sống ở làng Bích Đầm đã được làm việc tại Công ty Yến Sào Khánh Hòa với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng; có 10 hộ gia đình sống ở khu vực làng Bích Đầm và khu vực phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường đã đầu tư xây nhà nuôi, chế biến và bán các sản phẩm yến sào. Mỗi cơ sở tạo việc làm cho từ 7- 40 lao động, với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng và bảo đảm các chế độ bảo hiểm cho người lao động.

Công ty TNHH Nhà Yến Nha Trang, địa chỉ tại số 8 Lê Thành Phương và Công ty TNHH Thanh Thảo ở số 49 Đặng Duy Trứ, phường Vĩnh Nguyên đã triển khai xây dựng nhà nuôi yến, chế biến và trưng bày các sản phẩm yến sào, đón tiếp khách tham quan, mua sắm sản phẩm, trung bình một ngày mỗi Công ty đón từ 500 - 700 lượt khách tham quan, mua sắm sản phẩm.

1.4. Tổ chức quản lý và quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng

Việc tổ chức quản lý các nguồn tài nguyên du lịch và các hoạt động du lịch tại các làng nghề truyền thống còn mang tính hình thức, tự phát, chưa chặt chẽ.

Nguồn khách du lịch đến các làng nghề do các công ty lữ hành đưa tới hoặc tự đến.

Chính quyền địa phương chỉ quan tâm nhiều đến việc quản lý hành chính, thu thuế kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị của làng nghề cho phát triển du lịch.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa, thời kỳ 1997 - 2015 và dự báo đến năm 2020, các làng nghề gốm Lư Cấm, làng dệt chiếu Ngọc Hội được quy hoạch thành điểm du lịch làng nghề truyền thống trên tuyến du lịch ven sông Cái; các làng chài Trí Nguyên, Vũng Ngán, làng chài và Yến sào Bích Đầm được quy hoạch phát triển thành các điểm tham quan trên vịnh Nha Trang. Nhưng đến nay, các hoạt động du lịch ở đây vẫn mang tính tự phát, chưa được đầu tư, quản lý theo hướng phát triển bền vững.

Kết quả điều tra tại các hộ gia đình sản xuất nghề truyền thống và khách du lịch: 100% kiến nghị cần đầu tư quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng tại các làng nghề kịp thời.

1.5. Hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường

Khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống: Tuy mức thu nhập thấp, lao động vất vả, thiếu vốn, thị trường đầu ra khó khăn, song các hộ dân tham gia sản xuất nghề truyền thống vẫn trăn trở, tiếp tục làm nghề, giữ nghề, mong muốn truyền nghề cho thế hệ trẻ. Mặc dù vậy, nhưng do mức thu nhập thấp nên thế hệ trẻ ở làng và phần lớn người dân không muốn tiếp tục làm nghề truyền thống.

 Người dân vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa ứng xử truyền thống: Tôn trọng già làng, trưởng thôn, đoàn kết trong họ tộc, tương thân trong xóm làng, vẫn giữ được các đức tính chân thật, thân thiện, cởi mở, hiếu khách, tham gia đóng góp và phát triển cộng đồng.

 Bảo tồn, trùng các di tích lịch sử văn hóa: Người dân đã tham gia bầu các Ban quản lý di tích, đóng góp, vận động đóng góp kinh phí để trùng tu các di tích lịch sử văn hóa của địa phương, bảo tồn và tổ chức các lễ hội truyền thống. (Xem Bảng)

Bảng. Các công ty du lịch đánh giá về sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống ở Nha Trang (%)

đánh giá sự hấp dẫn của du lịch cộng đồng

Nguồn: Tác giả điều tra, thống kê.

Cộng đồng địa phương tại các làng nghề truyền thống ở Nha Trang đã tham gia nhiều hoạt động du lịch. Việc phát triển du lịch ở đây đã tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập, bước đầu tạo ra các nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo sức hấp dẫn KDL.

Tuy vậy, hoạt động du lịch cộng đồng ở đây còn phát triển tự phát, thiếu quy hoạch đúng đắn nên hiệu quả về cả kinh tế, xã hội và môi trường đều thấp, chưa bền vững. Vì thế, cần phải xây dựng các giải pháp hữu hiệu và các chính sách đúng đắn cho phát triển du lịch cộng đồngtại các làng nghề truyền thống ở Nha Trang.

2. Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống ở TP. Nha Trang theo hướng bền vững

2.1. Giải pháp về cơ chế chính sách

Cơ quan quản lý về du lịch các cấp, cùng với chính quyền địa phương một mặt tổ chức, giáo dục, phổ biến hệ thống pháp luật, các qui định về du lịch, tài nguyên môi trường tới các bên tham gia du lịch cộng đồng, đồng thời cần ban hành thực thi các chính sách, quy phạm hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống.

Cần ban hành các chính sách ưu tiên để thu hút các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp hợp tác đầu tư bảo vệ tài nguyên môi trường, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển du lịch cộng đồng.

Thực thi các chính sách xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các hộ sản xuất nghề thủ công truyền thống, được hỗ trợ vốn, vay vốn với lãi suất ưu đãi để bảo tồn phát triển nghề truyền thống và tham gia kinh doanh du lịch.

Bảo vệ nguyên vẹn diện tích đất và mặt nước tại các di tích lịch sử văn hóa, các công trình công cộng, sản xuất nguyên liệu tại các làng nghề truyền thống.

Xây dựng, thực thi luật và các quy phạm bảo vệ tài nguyên môi trường, thưởng phạt, đóng phí môi trường với các công ty, hộ dân tham gia kinh doanh du lịch.

Chính quyền địa phương cần ban hành các qui định bán và thu vé thắng cảnh, lệ phí môi trường tại các điểm du lịch làng nghề, các tuyến du lịch tham quan các đảo và phân chia nguồn lợi này để bảo tồn phát triển nghề truyền thống và phát triển cộng đồng.

2.2. Giải pháp về tổ chức quản lý và quy hoạch

Tổ chức quản lý các hoạt động du lịch theo quy hoạch: Cơ quan quản lý về du lịch địa phương cần tiến hành quy hoạch chi tiết cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống và giám sát, quản lý các hoạt động du lịch ở đây theo quy hoạch. Cần tư vấn, giúp đỡ cộng đồng địa phương, thành lập các tổ, nhóm sản xuất nghề và phát triển du lịch và quản lý các hoạt động du lịch cộng đồng theo mô hình tổ, nhóm, tổ trồng cói, dệt chiếu, tổ sản xuất gốm, tổ kinh doanh ăn uống, tổ vận chuyển…

Quản lý du khách: Các cơ quan quản lý về du lịch, phối hợp với các công ty, các hộ kinh doanh du lịch thông qua mức thu lệ phí tham quan và giá các dịch vụ, thực thi cơ chế giảm giá vé tham quan và giá các dịch vụ vào những ngày trong tuần và các mùa vắng khách. Các đoàn khách có từ 5 người trở lên phải đăng ký và thực hiện đặt tiền đề thực thi các qui định về môi trường.

 Quản lý các nguồn thu từ du lịch: Cộng đồng địa phương phải được tham gia vào việc quản lý các nguồn thu vé tháng và lệ phí để đảm bảo việc minh bạch và công bằng khi phần chia sử dụng các nguồn thu cho các chủ thể tham gia kinh doanh du lịch và phát triển cộng đồng.

2.3. Giải pháp về đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Các chủ thể tham gia du lịch cộng đồng hỗ trợ các hộ gia đình tham gia sản xuất nghề truyền thống về cơ sở vật chất kỹ thuật, tu sửa, nâng cấp nhà cửa, sân vườn, đồ dùng đẹp nhưng vẫn bảo tồn được kiến trúc truyền thống, hấp dẫn khách du lịch.

Các lao động đón tiếp khách du lịch tham quan cần được đào tạo về du lịch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Các hộ gia đình sản xuất nghề truyền thống tại Ngọc Hội và Lư Cấm cần nghiên cứu sáng tạo để sản xuất các loại sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp nhưng vẫn bảo tồn được giá trị truyền thống, phù hợp với khách hàng và du khách.

Chính quyền các địa phương nhanh chóng hoàn thiện đưa trung tâm du lịch làng nghề vào hoạt động.

2.4. Giải pháp bảo tồn và tôn tạo tài nguyên môi trường du lịch

Giáo dục các chủ thể tham gia du lịch cộng đồng tuân thủ các qui định về bảo vệ tài nguyên môi trường; Đầu tư xây dựng hệ thống cống rãnh, các thiết bị thu gom xử lý nước thải, không xả nước thải xuống sông, biển.

Các gia đình kinh doanh du lịch cần nhắc khách du lịch bỏ rác vào thùng rác, đổ rác đúng nơi qui định, xây dựng, lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại. Các chủ thể tham gia du lịch cần đóng phí môi trường.

Nghiêm cấm, chấm dứt việc: Chặt phá rừng, mua bán, săn bắt các động thực vật quý hiếm, đổ dầu mỡ, hóa chất và các chất thải xuống sông, biển; đánh bắt theo phương thức hủy diệt.

Ban hành và thực thi các qui định về phí môi trường và tham quan để có kinh phí làm sạch, bảo vệ tài nguyên môi trường.

Giáo dục cộng đồng địa phương và các chủ thể khác tham gia du lịch cộng đồng về các giá trị văn hóa truyền thống, ý nghĩa và trách nhiệm, tham gia đóng góp công sức, tiền của, để bảo tồn, khôi phục tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, nghề truyền thống, lễ hội và các giá trị văn hóa truyền thống.

2.5. Phân chia nguồn lợi từ hoạt động du lịch công bằng giữa các bên tham gia và phát triển cộng đồng

Các chủ thể tham gia du lịch cộng đồng khác cần ban hành thực thi cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương, đảm bảo phần lớn nguồn lợi từ hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng, gồm: việc làm, các khoản thu thuế, lệ phí, thị trường, lợi nhuận từ hoạt động du lịch, thị trường, cơ hội được giáo dục.

Các công ty, doanh nghiệp du lịch tại các địa phương cần đào tạo và tuyển dụng lao động tại các làng nghề truyền thống vào làm việc. Các công ty này cần đóng góp các loại phí, khi thu hồi đất và sử dụng tài nguyên của cộng đồng địa phương phải đền bù cho người dân thỏa đáng, đóng thuế và các loại lệ phí đầy đủ, đóng góp một phần lợi nhuận cho phát triển cộng đồng. Đảm bảo cộng đồng địa phương là chủ thể của việc bảo tồn, khôi phục khai thác các nguồn tài nguyên môi trường du lịch và được tham gia vào các quá trình và mọi hoạt động du lịch.

3. Kết luận

Phát triển du lịch cộng đồng đi đôi với việc khôi phục phát triển nghề truyền thống, phát triển sản xuất nông phẩm, dịch vụ bổ sung, bảo tồn tài nguyên môi trường, phân chia công bằng nguồn lực từ hoạt động du lịch. Các chủ thể tham gia du lịch cộng đồng khác hỗ trợ nguồn lực cho cộng đồng địa phương sẽ là những giải pháp hữu hiệu để phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư tại các làng nghề truyền thống ở Nha Trang.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam, Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
  2. Địa chí Khánh Hòa (2002), NXB Chính trị Quốc gia.
  3. Đại học Quốc gia Hà Nội (dịch và giới thiệu) (2002), Các phương pháp trong quản lý tài nguyên ven biển dựa vào cộng đồng, NXB Nông nghiệp.
  4. Nguyễn Văn Khánh (Chủ biên) (2003), Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống Khánh Hòa 350 năm, NXB Chính trị Quốc gia.
  5. Quách Tấn (2002), Xứ Trầm Hương, NXB Hội văn học nghệ thuật Khánh Hòa.
  6. Tổng cục Du lịch (2005), Luật Du lịch.
  7. Tổng cục Du lịch (2006), Nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài trong việc quản lý phát triển lưu trú cho khách ở nhà dân, Đề tài cấp Bộ.
  8. Bùi Văn Vượng (1998), Tinh hoa nghề nghiệp cha ông, NXB Thanh niên.
  9. Bùi Thị Hải Yến (2012), Du lịch cộng đồng, NXB Giáo dục.
  10. Dauglas Hainsworth (SNV - Tổ chức Phát triển quốc tế Hà Lan) (2006), Phương pháp tiếp cận du lịch vì người nghèo, một số kinh nghiệm và bài học ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng, Hà Nội 2006.
  11. IUCN, CIDA (Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ĐHQG Hà Nội dịch và giới thiệu) (2000), “Các phương pháp tham gia trong quản lý tài nguyên ven biển dựa vào cộng đồng”.
  12. IUCN, VNAT, ESCAP (1999), Tuyển tập báo cáo “Hội thảo xây dựng chiến lược Quốc gia về phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam”, Hà Nội.

DEVELOPING COMMUNITY BASED TOURISM IN TRADITIONAL CRAFT VILLAGES IN NHA TRANG CITY

Master. TRAN THI HANH NGUYEN

Faculty of Toursim, University of Khanh Hoa         

ABSTRACT:

          Nha Trang also preserves many unique cultural values ​​that attract tourists. Especially, this place still preserves many traditional craft villages with unique craft art and craft village culture. These are important resources for developing community based tourism in this area. However, the development of community based tourism in traditional craft villages in Nha Trang City has not received adequate attention and investment. This study is to assess the current situation of community based tourism development in traditional craft villages in Nha Trang City, thereby proposing solutions to promote this development.

Keywords: Nha Trang City, community based tourism, traditional craft village.