TÓM TẮT:
Thành phố Sa Đéc là địa phương nổi tiếng với làng nghề truyền thống sản xuất bột gạo. Sự phát triển của làng sản xuất bột gạo trong những năm qua đã đóng góp tích cực cho giảm nghèo và nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, làng nghề làm bột gạo hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bột ở thành phố Sa Đéc một cách bền vững.
Từ khóa: Làng nghề truyền thống sản xuất bột, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
1. Đặt vấn đề
Đồng Tháp là tỉnh có nhiều làng nghề nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 44 làng nghề được công nhận. Trong đó, thành phố (TP) Sa Đéc nổi tiếng với làng nghề truyền thống sản xuất bột gạo (làng bột). Do có vị trí đặc biệt khi là cầu nối giữa hai vựa lúa lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, Sa Đéc trở thành nơi thu gom, tập kết lúa gạo lớn của vùng. Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm và sự lao động sáng tạo của người dân, nghề làm bột gạo truyền thống hình thành, phát triển đã gần 100 năm.
Tuy nhiên, người dân làng nghề chủ yếu khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; trình độ của nhân lực sản xuất còn yếu; chưa chú trọng đến việc quảng bá, phát triển thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu và bao bì sản phẩm; sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa thật sự bền vững. Việc sản xuất nhỏ lẻ gây nhiều bất lợi, khó tiếp cận với chính sách hỗ trợ, ưu tiên từ chính quyền địa phương và dễ xảy ra tình trạng bị ép giá thu mua. Sản phẩm của làng nghề chưa đa dạng, việc phát triển sản phẩm sau bột có giá trị gia tăng cao hơn chưa được quan tâm đúng mức. Môi trường làng nghề bị ô nhiễm do chất thải sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi chưa xử lý hiệu quả. Khai thác làng nghề phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, việc đề xuất giải pháp phát triển bền vững làng bột Sa Đéc là rất cần thiết nhằm góp phần cho công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng, phát triển nông thôn mới, thúc đẩy du lịch và bảo vệ môi trường.
2. Sơ lược về làng bột Sa Đéc
Các làng nghề ở Việt Nam mang bản sắc dân tộc, thể hiện nét đặc trưng của con người mỗi vùng miền, gắn chặt với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và cuộc sống dân cư của từng địa phương. Vùng đất Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp nằm ở phía Nam sông Tiền có lịch sử lâu đời và vị trí cực kỳ quan trọng. Ít nhất đầu thế kỷ XVII hay cuối thế kỷ XVI đã có lưu dân người Việt đến Sa Đéc khẩn hoang, lập ấp. Trong hai thế kỷ khai hoang mở cõi Nam Bộ, Sa Đéc từng đóng vai trò là trung tâm kinh tế của ĐBSCL. Sa Đéc hình thành trên vùng châu thổ, có phù sa màu mỡ bồi đắp nên rất phù hợp với canh tác nông nghiệp lúa nước, trồng màu và các loại cây ăn trái. Đặc biệt, Sa Đéc có nguồn nước sông với độ pH trung tính rất thuận lợi cho sản xuất bột. Kênh Sa Đéc - Lấp Vò là tuyến đường thủy huyết mạch quốc gia nối sông Tiền và sông Hậu, tuyến giao thương để vận tải lúa gạo từ Tứ Giác Long Xuyên về TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Dọc tuyến kênh này có khu vực xay xát, chế biến gạo tập trung lớn với năng lực xay xát khoảng 2.330.000 tấn gạo/năm. Nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp phát triển, cùng với vị trí địa lý đặc biệt nên nguồn nguyên liệu sản xuất bột ở Sa Đéc hết sức dồi dào, sản phẩm bột được quảng bá, phân phối rộng khắp cả nước và xuất khẩu. Người dân Sa Đéc sáng tạo và giàu kinh nghiệm, tận dụng nguồn tấm gạo chế biến bột để tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Do hội tụ các yếu tố thuận lợi nêu trên, xóm bột ở rạch Ngã Cạy, Ngã Bát - xã Tân Phú Đông hình thành và phát triển thành làng bột gạo nổi tiếng. Hiện tại, Làng bột Sa Đéc là tên gọi chung chỉ 04 làng nghề truyền thống sản xuất bột đã được công nhận gồm Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Long (xã Tân Phú Đông) và khóm 2 (phường 2) thuộc TP. Sa Đéc.
3. Thực trạng làng nghề bột Sa Đéc
Năm 2005, làng bột có trên 935 hộ sản xuất kết hợp chăn nuôi heo. Tuy nhiên, số hộ làm nghề có xu hướng giảm dần theo thời gian và sản lượng bột có nhiều biến động. Năm 2011 có khoảng 500 hộ sản xuất (sản lượng 13.811 tấn), năm 2012 có khoảng 400 hộ (14.340 tấn), năm 2013 giảm còn 358 hộ (15.808 tấn), năm 2014 còn 354 hộ (16.124 tấn). Đến năm 2015, chỉ còn khoảng 346 hộ với sản lượng hơn 14.000 tấn. Hiện nay, bình quân mỗi ngày làng bột Sa Đéc sản xuất khoảng 125 tấn bột cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Về quy mô, có khoảng 82,01% cơ sở sản xuất có quy mô từ 200 - 500 kg/ngày, 12,97% cơ sở có quy mô nhỏ hơn 200 kg/ngày, những cơ sở có quy mô trên 500 kg/ngày chiếm tỷ trọng rất thấp (5,02%) (Lê Thị Hồng Nhung, 2017). Phần lớn các cơ sở ở làng nghề còn sử dụng máy móc, thiết bị cũ hoặc thủ công, chưa sử dụng các dây chuyền công nghệ điều khiển tự động và bán tự động. Theo một kết quả nghiên cứu, chỉ có 8,85% doanh nghiệp ở Đồng Tháp có tiến hành đổi mới công nghệ, còn lại đến 91,15% doanh nghiệp hiện vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu (Sở Công Thương Đồng Tháp, 2016). Ở làng bột Sa Đéc, có tới 94,98% cơ sở sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chỉ có 5,02% cơ sở sản xuất theo phương pháp mới được cải tiến trên cơ sở quy trình sản xuất truyền thống. Có 40,59% cơ sở có áp dụng an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng, còn lại 59,41% chưa quan tâm đến vấn đề này (Lê Thị Hồng Nhung, 2017). Tỷ lệ sử dụng một số máy móc trong sản xuất còn thấp như máy vo gạo (60,47%), máy ly tâm (22,87%), máy hút bột chân không (2,71%).
4. Thuận lợi
- Làng bột Sa Đéc có lịch sử hình thành lâu đời, người dân tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ “cầm tay chỉ việc”, quy trình sản xuất qua thời gian cơ bản đã hoàn thiện. Uy tín, tên tuổi của làng nghề đã được khẳng định.
- Nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào về số lượng, trong tầm nhìn ngắn hạn chưa phát sinh vấn đề thiếu lao động. Người dân có tay nghề cao, giàu tâm huyết với sự phát triển của làng nghề, sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ để gìn giữ nghề.
- Điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là nguồn nước sông có độ pH trung tính, không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Các cơ sở sản xuất ở làng nghề nằm dọc các tuyến kênh, rạch có nước ngọt quanh năm dẫn từ sông Tiền và kênh Sa Đéc - Lấp Vò nên rất thuận lợi để lấy nước sản xuất và vận chuyển sản phẩm.
- Sa Đéc nằm ở vị trí trung tâm của nhiều đô thị trong vùng, có đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông thủy quốc gia đi qua, kết nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và sang cả Campuchia, rất thuận lợi cho giao thương hàng hóa.
- Nguồn nguyên liệu sản xuất rất dồi dào, có sẵn tại chỗ do Sa Đéc là nơi tập kết, trung chuyển lúa gạo, có ngành công nghiệp xay xát, chế biến rất phát triển theo dọc tuyến kênh Sa Đéc - Lấp Vò.
- Làng bột Sa Đéc được sự quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền và được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Đây là cơ hội để các hộ sản xuất ở làng nghề tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ. Hệ thống chính sách khuyến khích các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và địa phương đang dần hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thu hút lao động và giải quyết việc làm.
- Đồng Tháp đang tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Đề án Phát triển du lịch,… Công tác bảo tồn, duy trì, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề cũng rất được quan tâm. Đây là cơ hội để làng bột Sa Đéc tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và gia nhập chuỗi sản xuất. Làng bột mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của địa phương nên rất phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề và quảng bá hình ảnh địa phương.
- Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thị trường ngày càng mở rộng với phân khúc sản phẩm chế biến cao cấp là cơ hội rất lớn để đẩy mạnh xuất khẩu. Giá trị sản phẩm bột, sản phẩm chế biến sau bột cao hơn so với giá trị hạt gạo giúp người lao động nâng cao thu nhập.
- Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, máy móc thiết bị tiên tiến được chế tạo và ứng dụng ngày càng nhiều mở ra cơ hội cho các cơ sở tự đổi mới để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh và hoạt động có hiệu quả trên thương trường.
5. Khó khăn
- Cơ sở sản xuất của người dân làng nghề cũng là nơi cư trú và có chuồng trại chăn nuôi heo liền kề. Tập quán sản xuất, sinh hoạt này khó thay đổi nên rất khó để vận động người dân vào cụm công nghiệp tập trung, cụm cơ sở làng nghề.
- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình nên chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa người cung cấp nguyên liệu với cơ sở sản xuất bột, chưa có sự liên kết giữa cơ sở sản xuất bột với doanh nghiệp thương mại, du lịch. Người dân chưa tìm được tiếng nói chung hoặc cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sự hợp tác giữa người sản xuất, nhà quản lý và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hoạt động sản xuất chưa vận hành theo chuỗi liên kết.
- Trình độ học vấn, trình độ quản lý, khả năng phân tích, đánh giá thị trường để xác định cơ hội và rủi ro kinh doanh của người dân còn thấp. Lao động chủ yếu là phổ thông, chưa qua đào tạo, tập huấn. Khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn yếu. Bên cạnh đó, quá trình phát triển công nghiệp tại các trung tâm lớn cùng với thu nhập từ nghề làm bột kết hợp chăn nuôi heo không chắc chắn có tác động thúc đẩy quá trình di cư lao động ra khỏi địa bàn và bỏ nghề.
- Nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất làm thủ công hoặc đầu tư đã lâu, tự chế, công suất và sản lượng thấp, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo mà không được đầu tư thay thế.
- Tính đa dạng của sản phẩm kém, bao bì, mẫu mã chưa thu hút, công tác quảng bá chưa được chú trọng. Ý thức áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất và xây dựng thương hiệu chưa cao. Chất lượng sản phẩm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng được đề cao, là yêu cầu tiên quyết để có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, người dân vẫn còn nặng sản xuất theo kiểu truyền thống mà chưa đặt trọng tâm vào sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.
- Nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Các tổ chức tín dụng chính thức đặt ra nhiều quy định về thủ tục, hạn mức cho vay, yêu cầu tài sản để thế chấp, thời gian cho vay ngắn, lãi suất cho vay cao trong khi nguồn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước có giới hạn.
- Môi trường làng nghề ngày càng ô nhiễm do nước thải sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi thải ra sông mà chưa qua xử lý triệt để. Sự phát triển công nghiệp và ô nhiễm nguồn nước từ nội đồng theo các tuyến kênh đổ về làm nguồn nước sản xuất bột ngày càng ô nhiễm mà chưa có phương án giải quyết tối ưu.
6. Một số giải pháp góp phần phát triển làng bột Sa Đéc
Việc phát triển làng bột Sa Đéc hiện nay cần phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của TP. Sa Đéc nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung, tiếp thu định hướng của các đề án, nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Đồng Tháp đang tích cực triển khai. Mặt khác, phát triển làng bột phải lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm thước đo, theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, “ly nông bất ly hương”, thay đổi nếp nghĩ, cách nhìn, cách làm của người dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh và hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia vào chuỗi sản xuất. Xây dựng, củng cố, duy trì và phát huy hình thức kinh tế hợp tác, Hội quán làng bột. Phát triển làng nghề đi đôi với xây dựng và phát triển nông thôn mới, du lịch, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển chăn nuôi kết hợp sản xuất bột đảm bảo yếu tố môi trường. Kết hợp sản xuất bột và phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững, bổ sung lợi ích cho nhau. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển làng bột như sau:
Về vốn: Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án với các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nghề và làng nghề; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như góp vốn, thành lập hợp tác xã, vay vốn từ tổ chức tín dụng,… Hỗ trợ tín dụng phát triển làng nghề và tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình trọng tâm của tỉnh.
Về khoa học công nghệ: Tổ chức các cuộc hội thảo về khoa học công nghệ phục vụ kinh tế làng nghề bột. Đặt hàng thực hiện các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho làng nghề. Phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để cải tiến mẫu mã, cập nhật công nghệ, thiết bị mới, nghiên cứu hoàn thiện máy móc phục vụ sản xuất.
Về nguồn nhân lực và năng lực quản lý: Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, về bao bì, nhãn hiệu, cách thức tìm kiếm và khai thác thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế,… cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề.
Xây dựng, phát triển thương hiệu: Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu làng bột Sa Đéc gắn với giá trị lịch sử, danh tiếng, chất lượng, dưới các hình thức bảo hộ đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu cho sản phẩm mang thương hiệu làng bột. Mặt khác, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu làng nghề bột Sa Đéc ở trong nước và các thị trường chiến lược có tiềm năng xuất khẩu. Có chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm đạt các tiêu chí thương hiệu của làng nghề. Tổ chức các hoạt động đồng bộ nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu làng bột Sa Đéc. Xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác giữa cơ quan xúc tiến thương mại với doanh nghiệp để quảng bá, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu của làng nghề bột Sa Đéc. Xây dựng website hoặc quảng bá trên các trang web nổi tiếng ở trong và ngoài tỉnh, tăng cường quản lý thương hiệu điện tử.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm: Tăng cường hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các cơ sở tại làng bột từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Hướng dẫn người dân làng nghề xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từng bước ứng dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để sản xuất “bột sạch”.
Bảo vệ môi trường: Tuyên truyền nhận thức bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ sức khỏe cho chính người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập thông qua việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, vì người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến chất lượng mà họ còn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường của cơ sở. Đồng thời, phát hiện, nhân rộng kịp thời các cách làm hay và những mô hình xử lý ô nhiễm phù hợp với đặc trưng của làng nghề, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường. Thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường lồng ghép vào hoạt động của Hội quán. Tổ sẽ giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, phát hiện những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vận động khắc phục và ký cam kết không tái phạm. Trong các buổi sinh hoạt, tuyên dương những cơ sở thực hiện đúng các quy định bảo vệ môi trường và nhắc nhở cơ sở gây ô nhiễm có biện pháp khắc phục.
Đẩy nhanh tiến độ và vận hành đồng bộ, hiệu quả hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung cho từng khu vực theo chủ trương của tỉnh. Vận động người dân xây hầm biogas, cải tiến trang thiết bị và quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi,… Do đặc thù ở làng bột là cơ sở sản xuất và khu vực chăn nuôi nằm đan xen nhau, hai yếu tố này tồn tại từ lâu và trong ngắn hạn là không thể tách rời, do đó, quy hoạch môi trường làng nghề cần theo từng hộ gia đình, tổ chức bố trí khu sản xuất và chăn nuôi hợp lý nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm hoặc quy hoạch theo cụm sản xuất làng nghề.
Phát triển sản phẩm giá trị gia tăng sau bột: Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào sản phẩm công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, cụ thể: Phát triển các sản phẩm tinh chế, trích ly, sấy khô, đóng hộp, đóng gói, sản phẩm ăn liền, sản phẩm công nghệ cao có chất lượng cao, sản phẩm trích xuất từ cặn bột sản xuất thực phẩm, thức ăn gia súc,... Kêu gọi đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao chế biến các sản phẩm từ bột gạo. Tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Hình thành, phát triển các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ: Liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm hướng người dân vào sản xuất hàng hóa tập trung. Từng bước thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với người dân làng nghề thông qua Hội quán, tổ hợp tác. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò là cầu nối, chất xúc tác cho mối quan hệ này. Nghiên cứu thành lập Hợp tác xã làng bột Sa Đéc. Từ hợp tác xã này, các cơ sở nhỏ lẻ được hướng dẫn sản xuất theo một quy trình để tạo nguồn sản phẩm lớn, đồng nhất về chất lượng. Đây là nền tảng để cơ sở nhỏ có cơ hội làm ăn lớn với doanh nghiệp và giá cả ổn định hơn.
Phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng bột: Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, tham quan, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực làng bột. Qua đó, cùng với các loại hình du lịch khác tạo nên bức tranh du lịch Sa Đéc hoàn thiện và có điểm nhấn khác biệt, độc đáo, không trùng lắp với các địa phương ở trong và ngoài tỉnh. Phát triển du lịch cộng đồng cần được xem là khâu đột phá để phát triển du lịch của địa phương theo các hình thức trải nghiệm như tìm hiểu văn hóa làng nghề, trải nghiệm nghề truyền thống và trải nghiệm ẩm thực làng nghề.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đinh Xuân Nghiêm và cộng sự (2010), Một số chính sách chủ yếu phát triển bền vững làng nghề ở Việt Nam. Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
2. Lê Thị Hồng Nhung (2017), Nâng cao giá trị sản phẩm sau gạo cần phát triển sản phẩm bột gạo, Tham luận tại Hội thảo: “Tiềm lực và định hướng phát triển các sản phẩm sau gạo”, TP. Sa Đéc, tháng 01/2017.
3. Tài liệu Hội thảo: “Làng bột Sa Đéc - Những tác động môi trường và định hướng phát triển bền vững”, TP. Sa Đéc, tháng 7/2014.
4. Tài liệu Hội thảo: “Tiềm lực và định hướng phát triển các sản phẩm sau gạo”, TP. Sa Đéc, tháng 01/2017.
5. Sở Công Thương Đồng Tháp, Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
6. UBND tỉnh Đồng Tháp (2017), Kế hoạch Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, số 04/KH-UBND ngày 09/01/2017.
THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR
DEVELOPING THE TRADITIONAL RICE FLOUR TRADE
VILLAGE IN SA DEC CITY, DONG THAP PROVINCE
● NGUYEN MINH TRIET
Dong Thap province's Industry Promotion and Development Consultancy Centre
● TRINH DIEU HIEN
Faculty of Economics and Fisheries - Ca Mau Community College
ABSTRACT:
Sa Dec is the traditional trade village which has been famous for the rice flour production. The development of the traditional rice flour production there has a great contribution for not only increasing the income but also reducing the poverty in rural areas. However, it has been facing some difficulties and challenges. The purpose of this article is to analyze the current situation and suggest possible solutions for sustainable development of the traditional rice flour trade village in Sa Dec.
Keywords: Traditional rice flour trade village, Sa Dec, Dong Thap province.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây