Nhiều đời nay, người Quảng Bình vẫn tự hào với các làng nghề truyền thống nổi tiếng của mình đã từng được cả nước biết đến: Ở khu vực giáp Đèo Ngang, có các làng nghề truyền thống chế biến thuỷ hải sản Cảnh Dương; hai bên bờ sông Gianh có làng nón lá Thổ Ngoạ, Quảng Tân, làng đan lát Thọ Đơn, làng rèn đúc Hoà Ninh, làng bánh đa Tân An, chạm trổ ở Quảng Hoà… (huyện Quảng Trạch); vào đến Bố Trạch có các làng nghề đóng tàu thuyền, chế biến thuỷ hải sản ở Lý Hoà, Nhân Trạch…; ở Đồng Hới có làng nghề đóng tàu thuyền và chế biến hải sản Bảo Ninh…; hai bên bờ sông Long Đại, Nhật Lệ, huyện Quảng Ninh có làng nghề chổi đót Hà Kiên, làng nghề khai thác chế biến hàu Phú Bình (Quán Hàu), rượu Võ Xá...; ở vùng quê lúa An Ninh từ lâu có làng bún Đại Hữu rất phát triển; nằm bên dòng Kiến Giang hiền hoà, Lệ Thuỷ cũng là một vùng quê có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, như chiếu cói An Xá, nón lá Quy Hậu, rượu Tuy Lộc…
Ngoài giá trị kinh tế, mang lại thu nhập cho người dân, các sản phẩm do làng nghề truyền thống làm ra còn thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hoá của mỗi vùng quê. Mỗi làng nghề đều gắn với những công việc, công đoạn cụ thể để làm ra một sản phẩm, cũng từ đó mà xuất hiện một kho tàng dân ca, hò, vè, các lễ hội truyền thống, bổ sung vào kho tàng văn học dân gian và những nét sinh hoạt văn hoá phong phú của cư dân mỗi vùng. Từ bao đời nay, cư dân làng biển Cảnh Dương, Quảng Trạch rất tự hào với các điệu hò biển khoẻ khoắn, thể hiện không khí lao động hăng say của con người nơi đây. Không chỉ vậy, mà ở các làng biển truyền thống như Nhân Trạch (Bố Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới), chính các làng nghề truyền thống đóng thuyền, chế biến hải sản đã góp phần hình thành các lễ hội cầu ngư, lễ hội bơi trải... Theo nhiều bậc cao niên kể lại, thì lễ hội bơi trải ở làng biển Bảo Ninh cũng có liên quan đến nghề đóng thuyền truyền thống ở đây. Sau khi hoàn thành các công đoạn sản xuất một chiếc thuyền, các cơ sở đóng tàu ở các thôn đều tổ chức cuộc đua bơi trải thi xem tàu của ai đóng tốt hơn, bơi nhanh hơn. Ngoài nét sinh hoạt văn hoá thể hiện tình yêu nghề nghiệp và công việc của mình, lễ hội đua bơi cũng chính là dịp để các cơ sở đóng thuyền khẳng định “thương hiệu” của mình đối với khách hàng là những gia đình ngư dân trong làng, trong xã và trong vùng… Hàng năm, việc tổ chức hát hò biển vẫn được ngư dân các làng biển ở Cảnh Dương, Nhân Trạch duy trì và lễ hội bơi trải vẫn được người Bảo Ninh gìn giữ và tổ chức.
Nằm phía bắc con sông Gianh, không có nhiều lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và nguồn nước để phát triển các nghề trồng lúa hay đánh bắt thuỷ sản, nhưng làng Thổ Ngọa, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch vẫn có nền kinh tế phát triển vào loại nhất nhì ở Quảng Trạch, chính là nhờ vào nghề làm nón truyền thống. Có lịch sử hình thành và phát triển trên 500 năm, Thổ Ngọa vốn nổi tiếng khắp vùng vì có nhiều vị khoa bảng đỗ đạt dưới các triều đại phong kiến. Từ nghề đan nón, người Thổ Ngọa đã có đủ tiền để chu cấp, nuôi bao thế hệ con em mình ăn học thành người và đỗ đạt cao. Và cũng chính từ các công việc quen thuộc của nghề làm nón như hái lá, phơi lá, ủi lá, xâu kim, lên khuôn, xỏ lá…, một kho tàng dân ca, hò vè đối đáp đã ra đời. Bất kể khi nào, cứ tụm năm, tụm ba lại với nhau, người phụ nữ Quảng Thuận lại vừa hò đối đáp nhau, vừa thoăn thoắt chằm nón. Chính những câu hò, những lời đối đáp đó đã giúp họ quên đi những nỗi vất vả, mệt nhọc để làm nên những chiếc nón trắng tô điểm thêm vẻ đẹp dịu dàng cho người phụ nữ…
Nếu như ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, từ các làng nghề truyền thống, một kho tàng thơ ca, hò vè phong phú đã ra đời, thì ở huyện Quảng Ninh, các làng nghề truyền thống chính là cái nôi để người lao động sáng tác ra nhiều câu chuyện tiếu lâm, làm cho người nghe cười sảng khoái, giúp họ quên đi mệt nhọc, gian truân và hăng say hơn trong lao động để làm được ngày càng nhiều sản phẩm có giá trị. Đến Võ Xá (xã Võ Ninh), Hà Kiên (xã Hàm Ninh), Đại Hữu (xã An Ninh), chúng ta vẫn còn nghe lưu truyền nhiều câu chuyện tiếu lâm như thế.
Người Lệ Thuỷ vốn yêu thích văn hoá, văn nghệ, nhất là những làn điệu hò khoan mượt mà, sâu lắng, cho nên ở các làng nghề truyền thống nổi tiếng như nón lá Quy Hậu, chiếu cói An Xá, hát hò khoan đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá có từ nhiều đời nay. Vừa lao động chằm nón, dệt chiếu, các nghệ nhân ở đây vừa sáng tạo ra nhiều làn điệu hò khoan liên quan đến nghề nghiệp của mình khá hay, còn lưu truyền cho đến ngày nay và được nhiều người thuộc. Không chỉ ngày xưa, mà hiện nay, khi nghề làm nón và đan chiếu vẫn còn phát triển, thì các làn điệu hò khoan ở đây vẫn còn rất phát triển, làm say lòng bao du khách gần xa mỗi lần có dịp đặt chân đến nơi đây…
Như vậy, có thể thấy được rằng, các làng nghề truyền thống không chỉ là nơi sản xuất ra các mặt hàng, sản phẩm truyền thống bán ra thị trường giúp, người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể để duy trì cuộc sống, mà làng nghề truyền thống còn lưu giữ những nét văn hoá phong phú, độc đáo của từng vùng, miền khác nhau. Nếu có chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển hợp lý, các làng nghề truyền thống còn là nơi thu hút khách du lịch ở trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu, góp phần đưa du lịch nước nhà ngày càng phát triển. “Du lịch làng nghề” không phải là cách làm mới, mà từ lâu nhiều làng nghề ở các tỉnh miền Bắc đã rất thành công, vừa góp phần quảng bá được các sản phẩm truyền thống, vừa thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tạo thêm nguồn thu nhập quan trọng cho người dân. Có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, nên Quảng Bình cũng có điều kiện thuận lợi và thế mạnh để phát triển du lịch làng nghề. Tất nhiên, để thực sự khai thác được những tiềm năng to lớn này, ngoài yếu tố tự thân của các làng nghề trong việc gìn giữ, phát triển các nghề truyền thống của mình, chính quyền các địa phương liên quan, ngành Văn hoá - Thể thao & Du lịch cần có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, hợp lý để giúp các làng nghề biết khai thác những thế mạnh quan trọng này; phải quy hoạch, đầu tư và xây dựng các khu làng nghề truyền thống tập trung để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển. Ngành văn hoá cần nghiên cứu, sưu tập lại các lễ hội văn hoá, kho tàng văn học liên quan đến các ngành nghề truyền thống để gìn giữ, lưu truyền và bảo quản, tránh tình trạng mai một, thất bản; cần tổ chức thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ du khách cho đội ngũ những nghệ nhân tại các làng nghề; tăng cường hơn nữa công tác quảng bá, tuyên truyền các làng nghề và những sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường; xây dựng các khu nghỉ dưỡng, lưu trú ở các làng nghề để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách khi đến tham quan các làng nghề cách xa trung tâm. Sau khi có đủ các điều kiện cần thiết để đưa vào khai thác các loại hình du lịch làng nghề, chúng ta có thể tổ chức thành các tua du lịch kết hợp liên quan đến các làng nghề để phục vụ du khách. Ví dụ ở khu vực gần Đèo Ngang, có thể hình thành được tua du lịch khám phá Đèo Ngang, tìm hiểu các làng nghề truyền thống tại Cảnh Dương, Thọ Đơn, Thổ Ngọa… Để thu hút thêm du khách, vừa tổ chức cho du khách tìm hiểu làng nghề, vừa tổ chức các cuộc thi, như thi may nón, thi đan lát, hay thi hát hò biển, bơi trải…
Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Du lịch Quảng Bình có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Nếu biết khai thác yếu tố văn hoá từ các làng nghề truyền thống độc đáo kết hợp với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, với các danh thắng, các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh để hình thành các tuyến du lịch tham quan, thì chắc chắn sẽ thu hút ngày càng đông hơn lượng du khách trong và ngoài nước tìm đến với Quảng Bình.
Làng nghề truyền thống - một thế mạnh cần khai thác để phát triển du lịch Quảng Bình
TCCT
Quảng Bình là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành, phát triển từ xa xưa và lưu truyền cho đến ngày nay. Hiện nay, tuy các sản phẩm được chế tạo theo công nghệ, kỹ thuật hiện đại