TÓM TẮT:
Những năm gần đây, du lịch Hà Tĩnh từng bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển, năng lực cạnh tranh còn thấp, sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu trọng điểm, sự liên kết giữa các điểm du lịch chưa cao, chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là công tác quản lý nhà nước ngành Du lịch Hà Tĩnh còn nhiều bất cập. Do đó, bài viết nghiên cứu đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về du lịch tại Hà Tĩnh, từ đó đưa ra một số giải pháp kiến nghị.
Từ khóa: Du lịch, quản lý nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh.
1. Đặt vấn đề
Hà Tĩnh nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, trên tuyến du lịch xuyên Việt, điểm đầu của tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”; là một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang Đông - Tây”, có hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi nối liền các trung tâm du lịch lớn với Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước trong khối ASEAN.
Đồng thời, Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực, năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch Hà Tĩnh còn thấp, các điểm du lịch còn thiếu các loại hình dịch vụ bổ sung và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể như dân ca Ví Giặm, ca Trù, các lễ hội để thu hút và tăng chi tiêu của khách du lịch.
Đặc sản địa phương được giới thiệu cho khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu về hình thức, bao bì, nhãn mác. Sự cạnh tranh không lành mạnh trong du lịch vẫn còn nhiều, phát triển du lịch thiếu bền vững. Doanh thu về hoạt động du lịch và đóng góp vào ngân sách tỉnh còn ở mức thấp. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như vị trí địa lý và giao thông không thuận lợi so với một số tỉnh (không có sân bay, ga tàu xa trung tâm tỉnh lỵ) thì còn có một số nguyên nhân khác như: Không có lợi thế cạnh tranh trong khu vực; Các tài nguyên du lịch phân bố không tập trung, nên việc quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng thành những khu du lịch tổng hợp, đồng bộ với quy mô lớn để tạo dựng thương hiệu du lịch Hà Tĩnh khó thực hiện; Xuất phát điểm về hoạt động du lịch còn thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, Hà Tĩnh lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa; các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa bão, lũ lụt, hạn hán đã hạn chế đến phát triển du lịch, đặc biệt là đối với du lịch biển (một năm chỉ khai thác được 3 - 4 tháng). Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên tính thời vụ, hạn chế đến thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của khách, lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đầu tư cho du lịch.
Ngoài ra, du lịch Hà Tĩnh còn bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tháng 4/2016 và dịch Covid-19,.… Một trong những nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý nhà nước về du lịch còn một số hạn chế như nhận thức về du lịch của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, nhân dân; tỉnh chưa tập trung đầu tư cho phát triển du lịch một cách đồng bộ và quy mô. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, giữa liên ngành, liên vùng, giữa các ngành với các địa phương và các cơ sở hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch trong quản lý, triển khai thực hiện các chương trình du lịch,... Vì vậy, bài viết nghiên cứu đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về du lịch tại Hà Tĩnh, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện tình trạng du lịch hiện nay của tỉnh.
2. Thực trạng phát triển ngành Du lịch tỉnh Hà Tĩnh
Theo số liệu “Báo cáo tổng kết công tác du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2019” (Hình 1) cho thấy: tổng lượt khách đạt 31.804.070 lượt với doanh thu 36.952.864 triệu đồng. Trong đó, năm 2016, do sự cố môi trường biển nên lượng khách du lịch giảm mạnh, chỉ đạt 3.257.000 lượt khách; năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 nên lượng du khách tham quan chỉ đạt ngưỡng 3.850.000 lượt, tuy nhiên tổng lượt khách lưu trú lại tăng lên, đạt 1.750.000 lượt so với năm 2018. Đi cùng với sự phát triển về lượt khách tham quan, doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng nhanh giai đoạn 2011 - 2015 từ 1.994.175 triệu đồng tăng 4.977.314 triệu đồng, giảm sút vào năm 2016, và tăng trở lại từ năm 2017. Tính riêng năm 2019, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.696.152 triệu đồng , tăng 7,8% so với năm 2018, trong đó doanh thu từ dịch vụ ăn uống chiếm tỉ trọng lớn nhất, đạt 87,2%.
Hình 1: Số liệu về du lịch Hà Tĩnh 2011 - 2019
Hình 2: Doanh thu từ du lịch Hà Tĩnh 2011 - 2019
Để đáp ứng sự tăng trưởng của khách du lịch, hệ thống cơ sở vật chất của ngành Du lịch Hà Tĩnh cũng phát triển mạnh. Tính đến hết năm 2019, Hà Tĩnh có 275 cơ sở lưu trú du lịch, hơn 1.000 nhà hàng kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch; 03 trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch: Vincom Plaza Hà Tĩnh, BMC và Vincom+ Kỳ Anh; 12 đơn vị lữ hành đăng ký hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 9 khu, điểm du lịch biển; 13 khu, điểm du lịch lịch sử - văn hoá, tâm linh phục vụ du lịch; 10 khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; 04 điểm trải nghiệm văn hóa, du lịch gắn với nông thôn mới. Du lịch Hà Tĩnh hiện có trên 3.900 lao động trực tiếp và gần 13.200 lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm khoảng 33% tổng số lao động trong ngành, 37,9% được đào tạo từ các chuyên ngành khác chuyển sang, 20% được đào tạo tại chỗ, còn lại chưa qua đào tạo.
3. Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh
3.1. Công tác triển khai, phổ biến, thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về du lịch
Tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo, điều hành hoạt động du lịch trên địa bàn như: Chương trình hành động số 479, 540-CTr/TU, Quyết định số 1477/QĐ-UBND ngày 23/5/2013, Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND...; các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ xây dựng nhà hàng đạt chuẩn, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây dựng homestay, hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến; hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch, như: giảm 100% kinh phí tập huấn, hỗ trợ 70% học phí cho con em Hà Tĩnh theo học các khóa đào tạo nghề du lịch,…
Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách còn chưa đồng bộ và thiếu toàn diện. Nhóm chính sách về nghiên cứu, ứng dụng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, thu hút chuyên gia, nghệ nhân, người lao động có kinh nghiệm và có tay nghề, hỗ trợ hộ gia đình làm du lịch homestay chưa được triển khai thực hiện nên chất lượng dịch vụ chưa được đa dạng và nâng cao. Các nhóm chính sách đã thực hiện còn mang tính chất dàn trải, chưa có trọng điểm, thiếu hướng dẫn chi tiết. Cơ chế, chính sách khuyến khích, kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển, chưa có các chính sách đặc thù, đột phá để phát triển du lịch từ các thị trường tiềm năng, chưa hoàn thiện cơ chế bảo tồn di sản, phát huy giá trị của các di sản văn hóa vào khai thác du lịch.
Công tác tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực du lịch đã được chú trọng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh.
3.2. Công tác triển khai xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch
Công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh có sự đổi mới cả về nội dung, phương pháp và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mình sát hợp với thị trường và phù hợp với định hướng phát triển chung của địa phương.
Tỉnh đã ban hành Quyết định số 2145/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 nhằm phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục được một phần hiện tượng đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Tuy nhiên, Quy hoạch chi tiết tại một số khu, điểm du lịch triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa kêu gọi được các nhà đầu tư có tầm chiến lược. Công tác quản lý quy hoạch tại một số khu, điểm, dự án du lịch chưa tốt; còn tình trạng chồng chéo, lấn chiếm quy hoạch. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thiếu cả về số lượng và chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đầu tư phát triển hiện nay.
Công tác tạo lập sự gắn kết liên ngành, liên vùng, liên quốc gia trong hoạt động du lịch có sự chuyển biến tích cực với nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và một số nước trên thế giới.
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, tuy nhiên chưa tiếp cận được các thị trường tiềm năng, kinh phí đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Hàng năm, tỉnh chỉ tham gia được một số ít các hội thảo, hội chợ du lịch trong nước và Thái Lan, Lào. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch thực hiện chưa thường xuyên, thiếu sáng tạo, thông tin quảng bá còn nghèo nàn, thiếu chuyên nghiệp, chưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động quảng bá để đưa du lịch Hà Tĩnh đến gần với du khách.
3.3. Công tác kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch
Tỉnh cũng tập trung kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các sở, ban, ngành trong việc phối hợp, hợp tác để phát triển du lịch Hà Tĩnh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập; xã hội hóa về hoạt động du lịch chưa cao; nhân lực thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Hầu hết các địa bàn của tỉnh chưa bố trí cán bộ chuyên trách về du lịch, đội ngũ cán bộ quản lý và lao động trong ngành Du lịch còn thiếu và yếu, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; năng lực quản trị hạn chế.
3.4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đào tạo nghề
Tuy đã có chính sách hỗ trợ đào tạo như: Bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở thực hành nghề du lịch theo tiêu chuẩn khách sạn 4 sao tại Trường Cao đẳng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du; cấp kinh phí tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ, tổ chức các hội thảo, các cuộc thi tay nghề,… nhưng việc tiếp cận còn hạn chế, chưa huy động được sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch. Hướng dẫn viên, thuyết minh tại các khu, điểm du lịch còn yếu về chuyên môn, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Các cơ sở lưu trú du lịch còn có lao động chưa đạt tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phục vụ du khách; nhận thức của người điều hành, quản lý còn yếu. Các cơ sở đào tạo không có chuyên gia và thợ bậc cao; người làm du lịch chưa chịu khó; chưa có kinh phí để hợp tác đào tạo với các cơ sở có uy tín trong nước và các tập đoàn du lịch lớn.
3.5. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch
Tỉnh thường xuyên thanh kiểm tra, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để tồn đọng kéo dài vượt cấp nhằm thực hiện tốt những quy định của pháp luật về đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn tính mạng và tài sản cho khách du lịch. Giai đoạn 2011 - 2019 đã tổ chức thanh kiểm tra tại 609 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; xử phạt 40.564.000 đồng đối với 34 tổ chức và cá nhân vi phạm. Riêng trong năm 2019, đã đình chỉ hoạt động 12 cơ sở, tịch thu tiêu hủy 3.543 tờ rơi, tờ gấp, xử phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp với số tiền 64 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ổn định thị trường du lịch.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành còn chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch; Chưa xử lý được các hoạt động du lịch tự phát, không đảm bảo an toàn cho du khách; Vẫn còn tình trạng hướng dẫn viên du lịch hoạt động chui ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
4. Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh Hà Tĩnh
4.1. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về du lịch
- Tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về du lịch một cách thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức, như: xây dựng chuyên mục về du lịch trên đài, báo địa phương, dựng kênh Youtube về du lịch Hà Tĩnh, tận dụng mạng xã hội như: Facebook, tiktok,… đưa vào giáo dục học đường, tổ chức tọa đàm, hội thảo,..
- Đề ra những biện pháp cụ thể, thiết thực tạo ra sản phẩm thu hút du khách; hỗ trợ phục hồi một số làng nghề truyền thống, nghiên cứu cho phép thành lập một số làng du lịch, phát triển du lịch cộng đồng.
4.2. Củng cố, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước về du lịch và nguồn nhân lực du lịch
- Tiến hành rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức ngành du lịch có sự phân công phân nhiệm rõ ràng, phân cấp, phân quyền cụ thể; động viên các doanh nghiệp thành lập các hiệp hội ngành Du lịch,…
- Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch trên mọi mặt: năng lực chuyên môn, năng lực điều hành, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, phong cách làm việc.
- Phối hợp liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho nhân lực trực tiếp thực hiện công việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng và hỗ trợ đảm bảo điều kiện kinh doanh.
- Có chính sách thu hút, sử dụng nhân tài và đội ngũ trí thức khoa học trên địa bàn, trong nước và nước ngoài. Có định hướng đào tạo cụ thể, đáp ứng nhu cầu xã hội, đầu tư kinh phí cho các hoạt động đào tạo du lịch, kêu gọi xã hội hóa giáo dục như thúc đẩy Vingroup tài trợ phòng thực hành quầy bar, buồng phòng chuẩn 5* (5 sao) cho đào tạo ngành Du lịch, Trường Đại học Hà Tĩnh; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng du lịch cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch;…
- Trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch cần phải đảm bảo nguyên tắc cân đối về số lượng, chất lượng và cơ cấu của từng đối tượng thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về du lịch và chức năng kinh doanh du lịch.
4.3. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực
- Thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh theo hướng bền vững.
- Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, tìm nhiều hướng đi mới cho du lịch Hà Tĩnh, như: du lịch biển; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh (nước Sốt- Sơn Kim - Hương Sơn); du lịch văn hóa -lịch sử - tâm linh; du lịch công vụ đến làm việc tại các khu kinh tế Formosa, cảng Sơn Dương; du lịch cộng đồng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, chất lượng cao bằng việc hỗ trợ tài chính, lãi suất, tập huấn chuyên môn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý,…
- Chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch chủ lực bằng chính sách ưu tiên đầu tư và phát triển các khu du lịch sau: Khu du lịch biển quốc gia Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót; Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc. Bên cạnh đó, kết hợp với chương trình nông thôn mới, hỗ trợ giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương thông qua các cửa hàng OCOP.
- Rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên cơ sở quy định của Luật Quy hoạch và “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Công tác quản lý quy hoạch, đóng mốc xác định ranh giới, công bố, cung cấp thông tin các quy hoạch du lịch đã được phê duyệt để các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện và người dân tham gia giám sát việc thực hiện.
4.4. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch
- Tích cực đổi mới cách thức, nội dung, đảm bảo thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch.
- Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông và sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá, mời đội ngũ marketing chuyên nghiệp để xây dựng các kênh truyền thông.
- Tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài, mở văn phòng đại diện tại các nước, phát triển tuyến xe khách từ Hà Tĩnh đến các địa phương tại Lào.
- Tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá trong nước, liên kết quảng bá chung, tiếp cận nhiều kênh quảng bá như cơ quan ngoại giao, hàng không, tuyến xe, tổ chức đoàn khảo sát báo chí trong và ngoài nước để truyền thông.
- Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm đảm bảo đủ nguồn kinh phí cho các hoạt động phát triển du lịch, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn chi ngân sách nhằm thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu là xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài; hỗ trợ nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và hỗ trợ hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng.
- Mở rộng, đẩy mạnh liên kết du lịch: liên kết vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình, liên kết địa phương Nghệ An - Hà Tĩnh, liên kết hợp tác Hà Tỉnh - Bolykhamxay, Hà Tĩnh - Khăm Muộn,…
4.5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch
- Chú trọng thanh tra kiểm tra, đặc biệt trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, an ninh - bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, cần đào tạo, lựa chọn một đội ngũ những người làm công tác thanh tra, kiểm tra có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra trong tình hình mới.
- Đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra; Trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra phải được nghiên cứu và thiết kế lại một cách hết sức khoa học để làm sao vừa đảm bảo được mục đích, yêu cầu thanh tra, kiểm tra, vừa có sự kết hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để tiến hành gọn nhẹ, không trùng lặp chồng chéo, giảm bớt thời gian, không gây phiền hà cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
5. Kết luận
Quản lý nhà nước về du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững, đưa ngành Du lịch Hà Tĩnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cần thực hiện những giải pháp tập trung, đồng bộ, cùng sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Tỉnh đến các địa phương, sự vào cuộc và tham gia của cộng đồng xã hội. Khi đó du lịch Hà Tĩnh sẽ khắc phục được những khó khăn, thách thức, khai thác được tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để có hướng phát triển bền vững, đưa Hà Tĩnh trở thành điểm du lịch ấn tượng, hấp dẫn đối với du khách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2011), Quyết định số 2473/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội.
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (2017), Đề án phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh (2019), Báo cáo Tổng kết hoạt động du lịch các năm từ năm 2011-2018.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (2019), Báo cáo kinh tế - xã hội các năm từ năm 2011-2018.
- Nguyễn Tấn Vinh (2008), Hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội
- Website http://vietnamtourism.gov.vn
- Website http://sovhttdl.hatinh.gov.vn
THE STATE MANAGEMENT
OF HA TINH PROVINCE’S TOURISM INDUSTRY
• Master. LE THI THU HOAI
Ha Tinh University
ABSTRACT:
In recent years, Ha Tinh Province’s tourism industry has gradually developed but has not been commensurate with the provincial potential and development requirements with low competitiveness and monotonous tourism products. Ha Tinh Province’s tourism industry also lacks key tourism products and connections among provincial tourism destinations with low service quality. One of the causes of these above-mentioned issues is that the state management of Ha Tinh Province’s tourism industry is still inadequate. This research assesses the current situation of state management of Ha Tinh Province’s tourism industry, thereby offering some proposed solutions to solve related issues.
Keywords: Tourism, state management, Ha Tinh Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]