Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch bền vững tại tỉnh Bình Phước

TS. Đặng Hữu Giang (Giảng viên Khoa Du lịch và Ẩm thực, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Sản phẩm du lịch luôn được coi là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế dịch vụ cần được chú trọng đầu tư nghiên cứu. Tuy nhiên, để có thể biến những tiềm năng du lịch to lớn của Bình Phước thành cơ hội hiện thực của du lịch với những đóng góp cụ thể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là một trong những nhiệm vụ cần thiết. Trong bối cảnh trên, việc nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bình Phước là hết sức quan trọng. Bài viết phân tích thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch bền vững tại tỉnh Bình Phước.

Từ khóa: Sản phẩm du lịch, chiến lược phát triển du lịch, doanh nghiệp du lịch, chính sách ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Bình Phước.

1. Đặt vấn đề

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nhấn mạnh: Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Bình Phước là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, những tiềm năng này đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển. Điều này buộc ngành Du lịch tỉnh Bình Phước cần phải đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước mở lối cho du lịch phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để có thể biến những tiềm năng du lịch to lớn của Bình Phước thành cơ hội hiện thực của du lịch với những đóng góp cụ thể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần thiết phải nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, xác lập cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch; phân tích đánh giá thực trạng và nghiên cứu nhu cầu, tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch, đề xuất giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch tại Bình Phước một cách bền vững. Trong bối cảnh trên, việc “Nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bình Phước” là hết sức quan trọng và cần thiết. Chiến lược này cho phép tỉnh Bình Phước chủ động trong khai thác những lợi thế về tiềm năng du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch đủ sức cạnh tranh.

2. Tổng quan về hiện trạng hệ thống sản phẩm du lịch Bình Phước

Hiện nay, Bình Phước có các loại hình sản phẩm du lịch đang được khai thác và phát triển chủ yếu[1], đó là: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch cuối tuần. Toàn tỉnh có 10 công ty lữ hành hoạt động đưa đón khách du lịch và 500 cơ sở được xếp hạng lưu trú du lịch. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh hầu hết chỉ mới đáp ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, chưa đáp ứng cơ bản dịch vụ phòng ăn, quầy hàng lưu niệm. Đa số các cơ sở lưu trú tập trung ở các khu trung tâm huyện, thị xã. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở lưu trú có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng năm 2019, hoạt động du lịch tỉnh đã thu hút được khoảng 849.340 lượt khách tham quan, tăng 170% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, khách nội địa 818.420 lượt khách, tăng 171%; khách quốc tế 30.920 lượt khách, tăng 140%; doanh thu đạt khoảng 535 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ 2018.

Định hướng về các chỉ tiêu phát triển: Đến năm 2020, tổng số khách du lịch đạt hơn 423.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 65.000 lượt và khách nội địa đạt 358.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 10,39%/năm (tổng số khách), 13,18%/năm (khách quốc tế) và 9,9%/năm (khách nội địa).

Việc phát triển du lịch trong thời gian qua còn một số hạn chế là do công tác lập quy hoạch tổng thể và chi tiết chưa kịp thời; phát triển du lịch trong quy hoạch chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa cao, khả năng.

Với những lợi thế du lịch sẵn có, lượng du khách đến với Bình Phước trung bình đạt khoảng 200-250 ngàn lượt người/năm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng du lịch sẵn có của tỉnh và ngành Du lịch Bình Phước vẫn chưa tạo được dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước.

Ngày 11/7/2017, tỉnh ủy Bình Phước ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, du lịch Bình Phước thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những tỉnh có thế mạnh phát triển du lịch hàng đầu vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

3. Tổng quan phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp chủ yếu sẽ được áp dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu bao gồm:

- Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống: Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch liên quan chặt chẽ đến tới tài nguyên, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, thị trường.

- Phương pháp điều tra thực địa: Mục đích kiểm tra chỉnh lý và bổ sung tư liệu; đối chiếu và lên danh mục cụ thể các đối tượng nghiên cứu; sơ bộ đánh giá các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm du lịch cụ thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

- Phương pháp thống kê: Phương pháp thống kê được thực hiện trong việc đánh giá hiện trạng thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, tài nguyên du lịch.

- Phương pháp điều tra xã hội học: Nghiên cứu “cầu” của thị trường đối với các loại sản phẩm du lịch có khả năng phát triển ở Bình Phước, cũng như khả năng tổ chức “tiêu thụ” của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành.

4. Kết quả và thảo luận

Để ngành Du lịch của tỉnh phát triển đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra: “Thu nhập từ hoạt động du lịch của tỉnh Bình Phước năm 2020 đạt 65,20 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 31,63%/năm (giai đoạn 2016 - 2020). GDP từ du lịch và tỷ trọng của du lịch trong cơ cấu kinh tế quốc dân của du lịch Bình Phước năm 2020 đạt 45,64 triệu USD (chiếm tỷ trọng 2,37% GDP tỉnh Bình Phước)...”(1), Để đạt được mục tiêu chiến lược trên, đòi hỏi Du lịch Bình Phước phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có một số giải pháp chính sau:

4.1. Giải pháp về chính sách để phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù

4.1.1. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch

- Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 111/111 xã, phường, thị trấn đều có đường đến trung tâm hành chính, hầu hết đều được nhựa hóa. Có 9 bến xe hoạt động trải đều khắp các huyện, thị với 70 tuyến hoạt động thường xuyên. Các tuyến tỉnh lộ nối các huyện, thị với nhau theo thế liên hoàn rất thuận tiện vận chuyển khách đi đến các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có Nhà máy Thủy điện Thác Mơ, Nhà máy Thủy điện Cần Đơn, Nhà máy Thủy điện Srok Phú Miêng. Hệ thống cấp nước và các công trình nước sạch nông thôn được đầu tư cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống bưu chính viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt đến tất cả các xã, phường, thị trấn, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

4.1.2. Chính sách về thuế

Ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế có giới hạn nhằm thu hút đầu tư, làm thay đổi cơ cấu đầu tư vào phát triển sản phẩm du lịch Bình Phước, đặc biệt ở những khu vực còn hoang sơ nơi tài nguyên du lịch chưa được khai thác; phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch và các hình thức kinh doanh du lịch mới có khả năng làm tăng thời gian lưu trú của khách, hấp dẫn đầu tư, tăng khả năng tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Miễn giảm thuế, cho chậm tiền thuế, giảm tiền thuế đất, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, khu du lịch, điểm du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh.

4.1.3. Chính sách về đào tạo phát triển nguồn nhân lực như yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch mang tính chuyên nghiệp bằng các chế độ ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao về công tác tại Bình Phước nói chung và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Khuyến khích các tổ chức kinh tế, kinh tế - xã hội, doanh nghiệp tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của chính doanh nghiệp mình. Kinh phí cho đào tạo được tính vào chi phí đầu vào sản phẩm của doanh nghiệp và sẽ có chính sách tín dụng ưu đãi đối với nhu cầu vốn này.

4.2. Giải pháp về đầu tư phát triển sản phẩm du lịch

4.2.1. Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển sản phẩm du lịch

Đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; thực thi năng động và hiệu quả các cơ chế, chính sách tài chính và các chính sách liên quan để tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp với các định hướng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hỗ trợ từ ngân sách đối với các hoạt động nghiên cứu thị trường du lịch của Bình Phước, đảm bảo khai thác có hiệu quả các thị trường du lịch trọng điểm của Bình Phước. Tăng cường hỗ trợ tài chính và xã hội hóa hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch, thông qua chính sách tài khóa cho hoạt động này, đặc biệt đối với việc tạo dựng hình ảnh du lịch Bình Phước như một điểm đến du lịch “xanh” và hiện đại.

4.2.2. Huy động tối đa các nguồn vốn đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển sản phẩm du lịch

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút và có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thu hút nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Và coi đây không chỉ là kênh huy động nguồn vốn đầu tư nhưng cũng là kênh tiếp thu chuyển giao công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, vừa là thị trường gửi khách du lịch. Thực hiện giải pháp thu hút FDI với sự tiếp thu tốt về quy trình quản lý, gia tăng thị phần sẽ là con đường hiệu quả và phát triển với quy mô, tầm cỡ vượt lên hẳn so với tiềm lực có sẵn.

Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ hướng đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch của Bình Phước có sức cạnh tranh cao không chỉ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn trong cả nước và khu vực. Trước mắt, chú trọng ưu tiên đối với việc phát triển các sản phẩm đặc thù và các sản phẩm du lịch chính của Bình Phước như đã được xác định ở trên.

4.3. Giải pháp về liên kết phát triển sản phẩm du lịch

Khuyến khích mối liên kết liên lãnh thổ giữa các địa phương trong tỉnh để phát huy các lợi thế và đặc điểm tài nguyên tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Hợp tác với các cơ quan ban ngành của Trung ương, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam và các hãng hàng không khác, đồng thời liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, và các địa phương có nguồn khách trong việc tăng cường vận tải khách đến Bình Phước qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây được xem là yếu tố đảm bảo “cầu”  đối với hệ thống sản phẩm du lịch Bình Phước, qua đó tạo tâm lý yên tâm đối với các nhà đầu tư khi đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch ở Bình Phước.

4.4. Giải pháp về xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá hệ thống sản phẩm du lịch

Tổ chức cuộc thi thiết kế logo, slogan, các quy cách sử dụng, thiết kế các ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến để làm rõ nhận diện thương hiệu. Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu chung trên cơ sở nhận diện thương hiệu của các dòng sản phẩm chính là sản phẩm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cuối tuần.

Quảng cáo bằng các loại phương tiện: ấn phẩm, báo chí, truyền hình, internet, mạng xã hội. Các thông tin quảng cáo phải có nội dung và các thể hiện thống nhất, thông tin phải trung thực chính xác.

Xúc tiến thị trường phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm và thu hút thị trường du lịch theo định hướng của chiến lược.

4.5. Giải pháp về hợp tác quốc tế để phát triển sản phẩm du lịch

Nỗ lực thu hút sự quan tâm và hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ các chương trình phát triển của khu vực và quốc tế như Dự án Phát triển du lịch khu vực tiểu vùng Mê kông mở rộng (MTDP) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ hay các chương trình bảo vệ nguồn tài nguyên nước của Ủy hội sông Mê Kông (MRC).

Tham gia và đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế về giao lưu văn hóa, thể thao, các hội chợ du lịch, thương mại quốc tế để nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu điểm đến và sản phẩm du lịch Bình Phước.

4.6. Giải pháp về quản lý chất lượng và các điều kiện phát triển sản phẩm du lịch

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước, theo đó sẽ xây dựng bộ phận chuyên trách quản lý chất lượng sản phẩm du lịch thuộc Sở VH, TT và DL. Chú trọng ưu tiên tăng năng lực của đội ngũ cán bộ thuộc bộ phận chuyên trách này.

5. Kết luận và kiến nghị

5.1. Kết luận

Bình Phước là một tỉnh nằm ở vị trí thuận lợi về phát triển du lịch, có hệ thống tài nguyên du lịch mặc dù ở quy mô không lớn nhưng có những đặc thù để phát triển sản phẩm du lịch. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng với những sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính hấp dẫn.

Được sự quan tâm của Trung ương và chính quyền địa phương, thời gian qua hệ thống các quy hoạch phát triển du lịch Bình Phước đã được xây dựng, hoàn chỉnh, là cơ sở quan trọng để phát triển các lĩnh vực liên quan đến quản lý, khai thác, tổ chức các hoạt động du lịch trên địa bàn và là căn cứ quan trọng để triển khai thực hiện đề án phát triển sản phẩm du lịch, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch tại tỉnh.

Các yếu tố trên đây là căn cứ quan trọng để khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch cho phát triển du lịch nói chung và hệ thống sản phẩm du lịch nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi, tuy nhiên cho đến nay các sản phẩm du lịch của Bình Phước còn hết sức nghèo nàn, quy mô nhỏ lẻ, khả năng thu hút khách du lịch thấp. Việc quản lý, khai thác tài nguyên cũng có nhiều chồng chéo. Năng lực tổ chức, phát triển sản phẩm du lịch chưa cao. Nhận thức được hạn chế trên, Đề án phát triển sản phẩm du lịch Bình Phước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã phân tích có hệ thống với những căn cứ khoa học điều kiện để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Bình Phước với 03 nhóm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ.

Việc nghiên cứu phát triển hệ thống sản phẩm du lịch được tiến hành với phương thức tiếp cận “cung - cầu” và đánh giá hệ thống tiềm năng tài nguyên du lịch Bình Phước. Điều này đảm bảo để những đề xuất định hướng có tính khoa học và khả thi trong thực tế.

Đối với từng nhóm và sản phẩm du lịch cụ thể, cần phân tích xác định những điều kiện cụ thể nhằm hoàn thiện hoặc xây dựng mới để đạt được yêu cầu về chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các thị trường được xác định qua hoạt động điều tra xã hội học.

5.2. Kiến nghị

Trên cơ sở những giải pháp được đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước quan tâm chỉ đạo đối với việc triển khai Đề án với những trọng tâm sau:

- Nâng cấp hạ tầng đến các điểm tài nguyên du lịch, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của Bình Phước để tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác tiềm năng du lịch cho phát triển hệ thống sản phẩm du lịch theo các giai đoạn đã được xác định.

- Tăng mạnh ngân sách đầu tư và ngân sách xúc tiến quảng bá trong giai đoạn hiện nay để có thể hoàn thiện công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ và các tiện nghi thiết yếu; tăng ngân sách cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như thực hiện có bài bản và mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút thị trường để thúc đẩy thị trường tăng trưởng nhanh chóng.

- Tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước cho Sở VHTT&DL để đẩy mạnh các liên kết công - tư, phối hợp các doanh nghiệp để đẩy mạnh các hoạt động cụ thể nhằm đầu tư hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch Bình Phước và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm du lịch Bình Phước.

- Lồng ghép nhu cầu đầu tư, đặc biệt là hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là kỹ năng nghề vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh để hỗ trợ cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bình Phước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030./.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1https://binhphuoc.gov.vn/Hoat-dong-lanh-dao-tinh/4-loai-hinh-san-pham-du-lich-tinh-dang-duoc-khai-thac-phat-trien-chu-yeu-21099.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Philip Kotler (1996), Quản trị Marketing (tài liệu dịch), Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Mạnh, Hoàng Thị Lan Hương (2008), Quản trị kinh doanh khách sạn, Nhà xuất bản Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  3. John Nevison (2008), Để xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, Hà Nội.
  4. Phạm Thị Huyền, Vũ Huy Thông (2009), Giáo trình Marketing căn bản, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  5. Sơn Hồng Đức (1994), Du lịch và Khách sạn, Nhà xuất bản Hà Nội.
  6. Trần Ngọc Nam, Trần Huy Khang (2006), Sách hướng dẫn du lịch Việt Nam - Marketing du lịch, NXB Thành phố Hồ Chí Minh;
  7. Đông Kiểm (2018). Du lịch Bình Phước - tiềm năng cần đánh thức - Bài cuối. <http://baobinhphuoc.com.vn/Content/du-lich-binh-phuoc---tiem-nang-can-danh-thuc---bai-cuoi-51239>
  8. Hải Thanh (2018). 4 loại hình sản phẩm du lịch tỉnh đang được khai thác, phát triển chủ yếu. <https://binhphuoc.gov.vn/Hoat-dong-lanh-dao-tinh/4-loai-hinh-san-pham-du-lich-tinh-dang-duoc-khai-thac-phat-trien-chu-yeu-21099.html>

 

THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR DEVELOPING SUSTAINABLE TOURISM PRODUCTS IN BINH PHUOC PROVINCE

Ph.D DANG HUU GIANG

Faculty of Tourism, Hospitality and Culinary Arts

Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

Tourism products are always considered the core of the service economy and it is important to pay attention to develop tourism products. It is necessary for Binh Phuoc Province to turn its great tourism potential into realistic advantages in order to promote the provincial socio-economic development. Binh Phuoc Province should pay attention to research and develop provincial tourism products. This article analyzes the current situation and solutions for developing sustainable tourism products in Binh Phuoc Province.

Keywords: Tourism products, tourism development strategy, tourism businesses, priority policies for tourism product development, Binh Phuoc Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 16, tháng 7 năm 2020]