TÓM TẮT:
Trên cơ sở số liệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 thu thập từ Tổng cục Du lịch, bài viết tập trung phân tích đặc điểm biến động, qui luật biến động và tính thời vụ của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019, từ đó đưa ra một số đề xuất giúp các cơ sở kinh doanh du lịch có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất trong việc tiếp đón khách du lịch quốc tế trong tương lai.
Từ khóa: Xu hướng biến động, khách du lịch quốc tế, biến động thời vụ.
1. Đặt vấn đề
Đối với bất kỳ quốc gia nào, du lịch luôn được coi là một trong ngành kinh tế lớn, có đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm quốc nội của các nước. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chính phủ Việt Nam đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, du lịch của Việt Nam đã phát triển khá nhanh và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, một trong số đó là thu hút được ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã đánh giá Việt Nam là một trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới các năm gần đây.
Với số lượng khách quốc tế ngày càng gia tăng, để có thể chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cũng như nguồn lực cần thiết phục vụ khách thì cần dự đoán được lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch tiếp đón. Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm đánh giá xu thế biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, để từ đó có thể đưa ra các dự đoán là thực sự cần thiết.
Đã khá nhiều nhà nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu xu thế biến động để nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trong lĩnh vực xây dựng, thương mại, giao thông… Đối với du lịch, một số nhà nghiên cứu cũng đã thực hiện các phương pháp biểu hiện biến động để nghiên cứu xu thế hay tính thời vụ của khách du lịch, như:
Nguyễn Lê Anh đã vận dụng phương pháp hàm xu thế tìm ra qui luật biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo tháng từ năm 2000 đến 2010 là: yt = 157,032 + 1,8286*t, trong đó t là biến thời gian tính theo tháng.
Nghiên cứu về khu du lịch sinh thái Măng Đen của tỉnh Kontum, Lê Dân đã sử dụng phương pháp phân tích thời vụ để đánh giá xu thế biến động lượng du khách đến đây theo quí. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng du khách đến Măng Đen nhiều vào quí I và quí III, ngược lại vào quí II và quí VI, lượng du khách giảm đi rõ rệt. Trên cơ sở các nghiên cứu về đặc điểm xu thế biến động đó, các nhà quản lý du lịch có thể chủ động hơn trong công tác quản lý như đưa ra kế hoạch đáp ứng nhu cầu của du khách trong mùa cao điểm, chọn thời gian thích hợp để nâng cấp cơ sở vật chất kĩ thuật, bồi dưỡng nhân lực…
Do vậy, tác giả sẽ sử dụng một số phương pháp biểu hiện biến động của hiện tượng qua thời gian để phân tích xu hướng biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 một cách toàn diện cả về đặc điểm, xu thế và biến động thời vụ và từ đó đưa ra một số đề xuất từ kết quả nghiên cứu.
2. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng một số phương pháp phân tích dãy số thời gian bao gồm lượng tăng (giảm) tuyệt đối, tốc độ tăng (giảm) để đánh giá đặc điểm biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua từng năm, cũng như đánh giá chung cho cả giai đoạn 2015 - 2019. Tiếp đến, tác giả sử dụng phương pháp phân tích hồi qui để tìm ra hàm xu thế phản ánh qui luật biến động của khách du lịch quốc tế trong giai đoạn này và tính toán chỉ số thời vụ để phân tích và đánh giá đặc điểm biến động thời vụ của khách du lịch quốc tế đến Việt nam theo tháng.
Nguồn số liệu: Bài viết sử dụng số liệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo tháng trong 5 năm từ năm 2015 - 2019 thu thập từ Tổng cục Du lịch, đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia du lịch để đưa ra những đánh giá, nhận định phù hợp.
3. Phân tích xu thế biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2019
3.1. Phân tích đặc điểm và qui luật biến động
Trước hết để có thể thấy được đặc điểm biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua các năm, có thể sử dụng chỉ tiêu lượng tăng (giảm) tuyệt đối liên hoàn và tốc độ tăng (giảm) iên hoàn.
Bảng 1. Biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019
Nguồn: (1) Tổng cục Du lịch; (2) và (3); Tính toán của tác giả
Bảng 1 cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng qua các năm, trong đó mức tăng cao nhất là năm 2017. Đây được coi là năm phát triển ấn tượng của Việt Nam và được xem là kỳ tích của ngành Du lịch khi lần đầu tiên mức tăng về khách du lịch quốc tế đạt tới 2,91 triệu lượt khách so với năm trước. Các năm khác cũng có lượng tăng khá với lượng tăng tuyệt đối bình quân trong giai đoạn này là 2,026 triệu lượt khách/năm và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,96%.
Sự tăng trưởng về số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm gần đây một phần do công tác xúc tiến du lịch có nhiều thay đổi tích cực. Tổng cục Du lịch đã cùng các doanh nghiệp du lịch hệ thống lại các hội chợ du lịch quốc tế, huy động được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, bên cạnh đó tăng cường xúc tiến du lịch qua mạng xã hội. Một nguyên nhân khác khiến số lượt khách du lịch quốc tế tăng là nhờ chính sách miễn visa của Việt Nam, điều này khiến khách du lịch từ châu Âu tới Việt Nam tăng trưởng khá nhanh, trung bình tăng 20% - 30% so với trước đó, nhất là các thị trường Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.
Để thấy rõ hơn xu thế biến động qua các năm, tác giả tiến hành nghiên cứu xây dựng hàm xu thế qua các năm.
Trước hết, để lựa chọn dạng hàm xu thế thích hợp, ta biểu diễn số liệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua Đồ thị 1.
Đồ thị 1: Số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 (triệu lượt)
Nguồn: Tổng cục Du lịch
Đồ thị 1 cho thấy hàm xu thế tuyến tính là mô hình thích hợp nhất để biểu hiện xu hướng phát triển của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019.
Giai đoạn 2015 - 2019 được đặt lần lượt theo thứ tự từ 1 đến 5, ta sử dụng phần mềm SPSS để tìm được hàm xu thế tuyển tính biểu hiện xu hướng biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 như sau: Yt = 5,168 + 2,568*t với t là thời gian tính bằng năm.
Kết quả hàm xu thế cho thấy, trong điều kiện các yếu tố tác động không thay đổi, bình quân mỗi năm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng khoảng 2,568 triệu lượt khách.
3.2. Biến động thời vụ
Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng khá nhiều của biến động thời vụ, điều này gây ra những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan tới du lịch. Để có thể xây dựng những kế hoạch kinh doanh phù hợp với đặc điểm biến động thời vụ, cần thiết phải nghiên cứu và đánh giá sự biến động này.
Có khá nhiều định nghĩa về biến động thời vụ, các khái niệm có thể không hoàn toàn giống nhau nhưng đều thể hiện một điểm chung của biến động thời vụ, đó là sự biến động lặp đi lặp lại của hiện tượng trong từng thời gian nhất định của năm. Trong du lịch, biến động thời vụ thể hiện ở việc vào khoảng thời gian nhất định hàng năm, lượng khách du lịch tăng cao nhưng đến thời gian khác lượng khách lại giảm đi. Và sự tăng, giảm này cứ lặp đi lặp lại qua các năm.
Để nghiên cứu biến động thời vụ của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, bài viết tính toán chỉ số thời vụ là chỉ số được sử dụng phổ biến để đánh giá tính thời vụ. Tùy theo đặc điểm của từng hiện tượng nghiên cứu mà chỉ số thời vụ sẽ có công thức tính khác nhau. Với nghiên cứu này, đối tượng nghiên cứu là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xu thế biến động tăng lên qua các năm, vì vậy tác giả sử dụng công thức tính chỉ số thời vụ với dãy số có xu thế.
Ta biết rằng, trong một dãy số thời gian, thông thường mỗi mức độ là sự kết hợp của 4 thành phần cơ bản là: Xu thế (T); Biến động chu kỳ (C); Biến động thời vụ (S) và Biến động ngẫu nhiên (I). Trong 4 thành phần đó, để phân tích biến động chu kỳ đòi hỏi số liệu phải thu thập trong những khoảng thời gian dài. Với dãy số liệu trong nghiên cứu này là 5 năm, tác giả chỉ phân tích với 3 thành phần là xu thế (T), biến động thời vụ (S) và biến động ngẫu nhiên (I). Các thành phần này có thể kết hợp với nhau theo dạng mô hình cộng hoặc mô hình nhân. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình nhân là mô hình được dùng phổ biến. Ta có: Y = T*S*I
Trong đó: Y là các mức độ của dãy số thời gian; T là biến động xu thế; S là biến động thời vụ; I là biến động ngẫu nhiên.
Để thấy rõ được biến động thời vụ của hiện tượng nghiên cứu, nhiệm vụ là tìm xu thế biến động và biến động ngẫu nhiên để loại trừ ra khỏi dãy số.
Trước hết cần tìm ra xu thế biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam qua các tháng trong năm. Với số liệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo tháng thu thập từ Tổng cục Du lịch, ta có đồ thị biểu diễn xu hướng như sau:
Đồ thị 2: Xu hướng biến động khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo tháng giai đoạn 2015 - 2019
Nguồn: Tổng cục Du lịch
Nhìn vào Đồ thị có thể thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam biến động theo hướng tăng lên qua các tháng và có thể điều chỉnh về dạng hàm tuyến tính.
Ta xây dựng hàm xu thế tuyến tính cho dãy số này. Kết quả chạy phần mềm SPSS cho thấy, dạng hàm tuyến tính thích hợp để phản ánh xu hướng biến động của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Phương trình biểu diễn như sau:
Yt = 0,542+ 0,0174*t (*)
Trong đó: t là thời gian, tính theo tháng.
Sau khi tìm được hàm xu thế, tiến hành loại bỏ xu thế ra khỏi dãy số ban đầu bằng cách lấy các mức độ thực tế thu thập được (Y) chia cho xu thế (T): Y/T = S*I
Trong đó: Y là mức độ thực tế về khách du lịch QT đến VN thu thập được; T là Mức độ tính được từ hàm xu thế (*) với biến t là thứ tự thời gian theo tháng (lần lượt từ 1 đến 60).
Kết quả bao gồm hai thành phần còn lại là biến động thời vụ và biến động ngẫu nhiên được trình bày trong cột (1), (2), (3), (4) và (5), chỉ số thời vụ chưa điều chỉnh trình bày ở cột (6) và chỉ số thời vụ đã điều chỉnh được thể hiện ở cột (7) tại Bảng 2.
Bảng 2. Chỉ số thời vụ của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo tháng giai đoạn 2015 - 2019 đã loại trừ yếu tố ngẫu nhiên
Nguồn: Tính toán của tác giả
Để biến động thời vụ bù trừ triệt tiêu lẫn nhau xung quanh xu thế khi các thành phần kết hợp theo mô hình nhân, trong trường hợp tính theo tháng tổng các biến động thời vụ phải là 12 và nếu tính theo quý tổng các biến động mùa vụ phải bằng 4. Trong trường hợp này, tổng là 12,014, do đó cần trừ đi ở mỗi số trên 1 lượng là 0,014/12 = 0,0017.
Từ kết quả tính toán chỉ số thời vụ ở trên có thể rút ra đặc điểm về biến động thời vụ của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2019 như sau: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tập trung nhiều nhất vào tháng 1 và tháng 2, các tháng này cao hơn mức chung lần lượt là 12,28% và 17,88%. Các tháng có số lượt khách thấp hơn mức bình quân chung là tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 10; trong đó thấp nhất là tháng 6 thể hiện ở chỉ số thời vụ chỉ là 85,48%.
4. Một số đề xuất rút ra từ phân tích
Qua kết quả phân tích trên, có thể thấy số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng lên qua các năm và lượng khách đến tập trung nhiều hơn vào các tháng đầu năm từ tháng 1 đến tháng 4 và 2 tháng cuối năm là tháng 11 và tháng 12. Điều này có thể do thời gian này thời tiết không bị nóng, thích hợp cho các hoạt động du lịch.
Để duy trì xu thế tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm tới, cần chú trọng vào một số nội dung sau:
Đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế: Cần chú trọng xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và thuyết minh viên du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu khách. Tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu thiết kế, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch độc đáo, đa dạng
Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú: Để thu hút và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch ngày một tốt hơn, cần tham gia xếp hạng cơ sở lưu trú. Điều này tạo điều kiện quảng bá cho các cơ sở lưu trú, đồng thời cũng giúp quản lý được chất lượng sản phẩm lưu trú, ăn uống. Các cơ sở kinh doanh lưu trú cần luôn bảo đảm chất lượng phục vụ, chất lượng trang thiết bị ổn định, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm trong ăn uống cho khách.
Đối với các chủ thể kinh doanh vận chuyển kinh doanh khách du lịch: Số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng đồng nghĩa với nhu cầu vận chuyển cũng tăng lên. Các chủ thế kinh doanh vận chuyển cần có kế hoạch chuẩn bị đủ nguồn nhân lực cũng như phương tiện phục vụ sự gia tăng này. Cần chú ý đảm bảo phương tiện chuyên vận chuyển khách du lịch quốc tế phải đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, bảo về được môi trường, đảm bảo được chất lượng dịch vụ, tuân thủ đúng các qui định của cơ quản quản lý nhà nước. Những người điều khiển và người phục vụ trên các phương tiện vận chuyển khách du lịch quốc tế cần có chuyên môn, sức khỏe phù hợp, được bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ và có đạo đức nghề nghiệp đúng mực.
Đối với các điểm du lịch, khu du lịch: Cần phối hợp với các đối tác nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của Việt Nam với giá hợp lý. Tăng cường cung cấp các dịch vụ vui chơi giải trí, tổ chức nhiều điểm bán hàng, các dịch vụ, lễ hội, vui chơi giải trí về đêm và vào các tháng chỉ số mùa vụ thấp. Các điểm du lịch cần có biển chỉ dẫn, thuyết minh rõ ràng, khu vực vệ sinh sạch sẽ, mang lại sự hài lòng cho khách.
Đối với các dịch vụ liên quan khác: Như dịch vụ hàng không, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bưu chính viễn thông… cần luôn hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của khách với chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho khách.
Bên cạnh đó, do đặc điểm về biến động thời vụ của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như đã phân tích ở trên, các đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch cũng nên lưu ý để có những kế hoạch phù hợp cho những tháng cao điểm và thấp điểm. Chẳng hạn tháng 6 là tháng thấp điểm của khách du lịch quốc tế nhưng lại là thời gian mà du lịch nội địa tăng, vậy các đơn vị kinh doanh nên có những chương trình thu hút khách du lịch nội địa vào những dịp này. Hay với tháng 9, tháng 10 là các tháng thấp điểm của khách du lịch nói chung thì các đơn vị kinh doanh du lịch có thể sử dụng thời gian này để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho nhân viên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tốt hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Lê Anh, 2012. Phương pháp Thống kê kết quả hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Lê Dân, 2016. Phương pháp phân tích xu thế thời vụ trong du lịch. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Thống kê và Tin học ứng dụng”.
- Nguyễn Văn Lưu, 2013. Xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin.
- Tổng cục Du lịch. Báo cáo thường niên du lịch các năm 2017, 2018.
- Trần Thị Kim Thu, Đỗ Văn Huân, 2019. Giáo trình tin học ứng dụng trong thống kê. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
- Yến Anh, 2017. Vì sao du khách quốc tế tăng kỷ lục, truy cập tại https://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-du-khach-quoc-te-tang-ky-luc-20171227205854061.htm
ANALYZING THE FLUCTUATING TRENDS
OF INTERNATIONAL TOURISTS VISITING VIETNAM
AND SOME SUGGESTION
• Ph.D NGUYEN THI TUYET NHUNG
Foregin Trade University
ABSTRACT:
Based on the data of international tourists coming to Vietnam in the period of 2015 - 2019 which were collected from the Vietnam National Administration of Tourism, this study analyzes the characteristics of changes, trends and seasonal fluctuations of international tourists. Some suggestions were given to help tourism businesses better prepare their bussiness plans targeted at international tourists in the future.
Keywords: Fluctuating trend, international tourists, seasonal fluctuation.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]