Đầu vào của doanh nghiệp
Dữ liệu mở là kho dữ liệu dùng chung cho phép mọi cá nhân, tổ chức được tự do thực hiện 3 việc: sử dụng và sử dụng lại; phân phối và phân phối lại; tùy biến và pha trộn với các dữ liệu khác.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 47 về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, trong đó cho phép chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân. Khi Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2020, sẽ tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để khai thác dữ liệu này.
Dữ liệu mở là tài nguyên quan trọng, góp phần định hình giá trị, xác định mô hình kinh doanh; là phương tiện giúp doanh nghiệp hiểu môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp hiểu thị trường và tham gia vào thị trường hiệu quả hơn.
Dữ liệu mở còn là “đầu vào” của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu mở của cơ quan nhà nước về thị trường bán lẻ để xây dựng nên sản phẩm phần mềm quản lý bán hàng cho các hiệu tạp hóa hay hộ kinh doanh. Hoặc dữ liệu mật độ giao thông có thể được khai thác để tạo ra phần mềm quản lý cho xe taxi hoặc xe công nghệ.
Ở nước ta, dữ liệu mở mà các cơ quan nhà nước thu thập được bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia (như thống kê quốc gia, ngân sách chính phủ, thời tiết, bản đồ) và các cơ sở dữ liệu địa phương (như thông tin về an ninh trật tự, giao thông vận tải, giấy phép kinh doanh, cơ sở giáo dục…). Đây được xem là nguồn lực xã hội dồi dào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân đôi khả năng tiếp thị
Nghị định 47 của Chính phủ cho phép mọi tổ chức, cá nhân sử dụng dữ liệu mở miễn phí. Cụ thể, Nghị định nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tự do sao chép, chia sẻ, trao đổi, sử dụng dữ liệu mở hoặc kết hợp dữ liệu mở với dữ liệu khác; sử dụng dữ liệu mở vào sản phẩm, dịch vụ thương mại hoặc phi thương mại của mình.
Tuy nhiên, với 2 điều kiện: Một là không được bán dữ liệu mở đã được khai thác nguyên trạng từ cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác. Hai là, khi sử dụng dữ liệu mở trong sản phẩm, dịch vụ thương mại của mình phải cung cấp miễn phí dữ liệu mở kèm theo sản phẩm, dịch vụ thương mại đó.
Chính 2 điều kiện giới hạn này lại trở thành nhân tố cấu thành kênh tiếp thị của doanh nghiệp. Quay trở lại với ví dụ đã nói ở trên: Một doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu mở của cơ quan nhà nước về thị trường bán lẻ để xây dựng nên sản phẩm phần mềm quản trị bán hàng cho các hiệu tạp hóa hay hộ kinh doanh. Khi họ bán sản phẩm phần mềm quản trị bán hàng, họ buộc phải cung cấp miễn phí dữ liệu mở về thị trường bán lẻ (mà họ đã khai thác miễn phí từ Cổng dịch vụ công quốc gia) cho người mua sản phẩm phần mềm quản trị bán hàng đó.
Như vậy, đối với người mua, họ chỉ trả tiền một lần cho 2 sản phẩm: Phần mềm quản lý bán hàng và dữ liệu mở về thị trường bán lẻ. Vô hình trung, doanh nghiệp sản xuất ra phần mềm được nhân đôi khả năng tiếp thị của mình