Tiếp nối thành công của các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023, hướng tới việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã phối tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.
Chủ đề năm nay nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Phía doanh nghiệp cũng cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Lễ Phát động có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, các Cục, vụ, viện, Sở, ngành tại địa phương và các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước…và sự hiện diện của hơn 150 đại biểu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn quốc.
Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Phát biểu tại Lễ Phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước.
Nhận thức được giá trị cốt lõi này, trong suốt giai đoạn từ năm 1999 tới nay, Quốc hội và Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, đặc biệt là đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành. Ngay sau đó, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đã không ngừng được hoàn thiện, bổ sung để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào thực tiễn.
“Trên cơ sở nền tảng pháp luật vững chắc, trong gần 12 năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực. Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nâng cao rõ rệt; hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được hình thành và không ngừng củng cố.
Đối với phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thế giới, những đóng góp và hoạt động của Việt Nam đã được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và có hiệu quả.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia, đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp để có được những kết quả nêu trên. Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực, chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng cho rằng vẫn còn nhiều rào cản đang ảnh hưởng tới sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế và đặc biệt là thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang tiếp diễn ngày càng tinh vi và mở rộng với nhiều hình thức mới thì những kết quả vừa qua mới chỉ là bước đầu.
Trước thực trạng đó và đặc biệt, trước yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế, sản xuất và xu hướng tiêu dùng, cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 20 tháng 6 năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật là kết tinh của quá trình hơn 2 năm chuẩn bị, xây dựng và hoàn thiện; với sự tham gia chủ động, tích cực của Cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương; Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Cùng với đó, là quá trình tham gia ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, trong đó có rất nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là của các vị đại biểu Quốc hội.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Triển khai rộng rãi nhiều hoạt động vì quyền lợi người người tiêu dùng
Theo kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng năm nay được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt năm 2024. Trong đó, tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm… Các hoạt động hưởng ứng được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài hết năm 2024, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Tại Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai như Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; tuyên truyền phổ biến; phát hành các tài liệu, ấn phẩm có liên quan; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; tri ân người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện công cộng hướng về người tiêu dùng hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá.
Bộ Công Thương cũng khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.
“Việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Luật không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định.
Tại Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, các đại biểu và diễn giả cũng đã tập trung thảo luận, chia sẻ về sự cần thiết, quá trình xây dựng, những kỳ vọng và định hướng triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Qua đó cho thấy, người tiêu dùng là lực lượng có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng không chỉ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng mà còn nhằm xây dựng môi trường kinh doanh bền vững, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trở thành thói quen xuyên suốt
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành và các doanh nghiệp, tổ chức đã thường xuyên, liên tục hàng năm tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, góp phần đưa dịp Ngày 15 tháng 3 là sự kiện quen thuộc đối với người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.
Để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có việc tiếp tục đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trở thành thói quen thường xuyên, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, ông Tạ Đình Thi đề nghị:
Một là, cần xác định rõ: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không chỉ tập trung vào một cơ quan, một đơn vị. Bên cạnh công tác thực thi của các cơ quan Chính phủ thì các đơn vị của Quốc hội có trách nhiệm giám sát để kịp thời phát hiện, kiến nghị và có giải pháp điều chỉnh về mặt chính sách, lập pháp để không ngừng nâng cao hiệu lực của các quy định. Đặc biệt, trong quá trình thực thi Luật, tất cả các cơ quan, đơn vị cần chú trọng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Hai là, cần phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cá nhân, tổ chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phân công.
Cần huy động tổng lực tham gia thực hiện công tác truyền thông, thông tin, bảo đảm tuyên truyền rộng, sớm và đúng các nội dung của Luật. Cần lưu ý nghiên cứu việc sử dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, ví dụ như việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền về Luật.
Để sớm đưa các quy định của Luật vào cuộc sống, đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần bảo đảm việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết không phát sinh chồng chéo, vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, gây gánh nặng bất hợp lý cho doanh nghiệp.
Ba là, nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường.
Xu hướng phát triển kinh tế ngày càng cho thấy rõ vai trò của người tiêu dùng đối với sự thành bại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại là nhóm chủ thể có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thực hiện quyền lợi của mình. Do vậy, các chủ thể tham gia thị trường có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.
Tại Lễ Phát động, ông Tạ Đình Thi bày tỏ tin tưởng rằng, việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để nâng cao vị thế của người tiêu dùng và là cơ hội để các cơ quan, tổ chức đưa sự kiện này thành sự kiện thường niên, gắn kết cộng đồng trong và ngoài nước, truyền cảm hứng và niềm tin cho người tiêu dùng, cho cộng đồng và toàn xã hội.
“Với tinh thần "Tất cả vì người tiêu dùng", chúng ta hãy cùng nỗ lực xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, sáng tạo, phát triển và thành công!” - Ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ Lễ Phát động, Bộ Công Thương đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.
Việt Nam là một trong các quốc gia sớm thực hiện các hành động để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 1999, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành. Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới.
Trước đó, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - đây cũng chính là sự kiện nổi bật hàng năm do Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện liên tục từ năm 2016 tới nay.