Theo đó, sáng 15/3/2024, Sở Công Thương An Giang đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 và Giải Việt dã “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.
Chương trình có sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như Công ty xăng dầu An Giang, VNPT An Giang, Công ty C.P, Ngân hàng Bắc Á và Ngân hàng Liên Việt chi nhánh An Giang. Sự tham gia của các doanh nghiệp thể hiện tinh thần hưởng ứng kinh doanh có trách nhiệm vì quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo thông tin từ Sở Công Thương An Giang, Sở đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024. Đặc biệt trong tháng 3 cao điểm này, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở VHTT&DL, UBND TP. Long Xuyên và các doanh nghiệp An Giang tổ chức Lễ phát động và Giải Việt dã “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang chia sẻ: "Đây có thể là lần đầu tiên, hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng VN trên địa bàn tỉnh An Giang được tổ chức thông qua một giải chạy phong trào có quy mô và thu hút được số lượng lớn người trực tiếp tham gia.
Thông qua Giải chạy, chúng tôi mong muốn các vận động viên không chỉ là người tham gia hưởng ứng sự kiện mà sẽ trở thành những đại sứ lan tỏa mạnh mẽ, sôi nổi tinh thần thông điệp “Vì quyền lợi người tiêu dùng”. Và đây cũng là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động mới mẻ, hấp dẫn hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh An Giang".
Để phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ban ngành tỉnh và địa phương tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực về quyền lợi người tiêu dùng để kêu gọi sự tham gia trực tiếp của các chủ thể, đặc biệt là người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành Y tế, Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường nhằm phòng, chống và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.