Theo đó, trong năm 2023, Sở Công Thương An Giang đã tổ chức thành công 100 chuyến hàng Việt về nông thôn, doanh số đạt trên 760 triệu đồng, thu hút trên 98.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Hiệu quả của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, với hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý và xuất xứ rõ ràng, giúp người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Đánh giá về kết quả đã đạt được của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Giám đốc Sở Công Thương An Giang chia sẻ: năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Siêu thị Tứ Sơn, Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn, Siêu thị Winmart, Siêu thị MM Mega Market Long Xuyên,.. và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Cụ thể:
Về công tác thông tin, tuyên truyền và quảng bá: đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá về chương trình, về chất lượng, giá cả, và lợi ích của hàng Việt Nam đến người dân. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, như: phát thanh, tuyên truyền trên báo, đài, hệ thống loa phát thanh cấp huyện, cấp xã, hệ thống loa phát thanh di động, phát tờ rơi, treo băng ron,...
Về hỗ trợ doanh nghiệp: đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, và phân phối hàng Việt Nam tại nông thôn thông qua hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, hỗ trợ mở rộng kênh phân phối hàng hóa, nhất là tại nông thôn.
Về hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp: phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường như: hội chợ, hội thảo,... nhằm giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam đến người dân nông thôn.
Về tổ chức chuyến hàng Việt về nông thôn: trong năm, đã tổ chức thành công 100 chuyến hàng Việt về nông thôn, doanh số đạt trên 760 triệu đồng, thu hút trên 98.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Dự kiến từ nay đến cuối năm triển khai thực hiện thêm 2 chuyến hàng Việt, nâng tổng số chuyến hàng Việt về nông thôn lên 102 chuyến, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Kết quả này cho thấy, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình cũng gặp một số khó khăn như: Đại đa số người dân, nhất là người dân nông thôn bị ảnh hưởng về kinh tế, thu nhập giảm, khiến họ có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, khiến người dân nông thôn không hài lòng với hàng Việt Nam. Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng chưa coi trọng thị trường nông thôn, chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm; giá cả một số sản phẩm chưa hợp lý và chưa đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại hàng hóa, điều này làm cho sản phẩm Việt khó tiếp cận với người tiêu dùng; Các chương trình khuyến mãi/giảm giá của doanh nghiệp chưa đa dạng, phong phú, chưa thật sự thu hút người dân.
Một số địa điểm được doanh nghiệp chọn bán hàng Việt chưa thật sự thuận lợi, khó thu hút người dân đến tham quan, mua sắm. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện này, thương mại điện tử ngày càng phát triển, người dân nông thôn có thể dễ dàng mua sắm hàng hóa qua mạng, không cần phải đến các điểm bán hàng Việt.
Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho rằng, để Cuộc vận động ngày càng hiệu quả thì rất cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đi đôi với việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng, bởi lẽ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của chính từng người tiêu dùng trong quá trình giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chính về thế, người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận. Đồng thời lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng trên cơ sở ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có các chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân... trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước, hướng tới người tiêu dùng Việt Nam.
5 nhiệm vụ trọng tâm để mang lại hiệu quả cho những chuyến hàng Việt về nông thôn
Để Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại tỉnh An Giang ngày càng thành công, mang lại hiệu quả thiết thực, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, triển khai các giải pháp sau:
Một là, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho doanh nghiệp về các quy định, chính sách hỗ trợ của nhà nước, các kỹ năng sản xuất, kinh doanh, và phân phối hàng Việt tại nông thôn.
Hai là, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, như: triển lãm, hội chợ, hội thảo,... nhằm giới thiệu sản phẩm Việt đến người dân nông thôn.
Ba là, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các kênh phân phối hàng Việt Nam tại nông thôn, như: cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini,...
Bốn là, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá về chất lượng, giá cả, và lợi ích của hàng Việt Nam đến người dân nông thôn.
Năm là, đổi mới nội dung và hình thức triển khai thực hiện Chương trình. Trước mắt trong năm 2024, bên cạnh tổ chức các chuyến xe hàng Việt về nông thôn, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh tổ chức các phiên chợ hàng việt, dự kiến trong năm sẽ tổ chức ít nhất 04 phiên chợ, mỗi Quý tổ chức 1 phiên chợ và mỗi phiên chợ tổ chức tại 1 địa bàn cấp huyện khác nhau nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn.