Phủ sóng hàng Việt tại các huyện miền núi
Huyện Phù Yên nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La khoảng 130 km về phía đông. Là một trong những huyện cửa ngõ của tỉnh, có số lượng phương tiện giao thông qua lại, trao đổi, mua bán hàng hóa tương đối lớn. Hiện nay, toàn huyện có 10 nhà phân phối, đại lý cấp 1, 1 siêu thị lớn làm đầu mối nhập hàng tiêu dùng cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ tại 27 xã, thị trấn. Trong đó, hàng Việt có mặt ở gần 1.000 cửa hàng bán lẻ của huyện, đa dạng các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng, như lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc...
Để hạn chế sự trà trộn của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hằng năm, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 thường xuyên phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là nhân dân ở khu vực các xã vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Yên, cho biết: Cùng với việc kiểm tra, hằng năm, Phòng tham mưu cho UBND huyện về kế hoạch đưa hàng Việt về vùng nông thôn, kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, xây dựng hệ thống kết nối, cơ sở dữ liệu người tiêu dùng, nhằm tiếp nhận những phản ánh của nhân dân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Từ nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và xúc tiến thương mại của huyện Phù Yên tổ chức, nhân dân các xã trong huyện đã quen thuộc với các sản phẩm hàng Việt. Với mức giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại thuộc hàng ngoại từ 5-10%, nhưng có chất lượng tương đương, phù hợp với khả năng chi trả của bà con. Đây chính là một trong những ưu điểm nổi bật của hàng Việt, thu hút đông đảo người tiêu dùng ở các vùng nông thôn trên địa bàn lựa chọn.
Huyện Yên Châu là một huyện miền núi biên giới, cách thành phố Sơn La khoảng 64km. Hiện huyện Yên Châu có trên 1.300 hộ kinh doanh, buôn bán dịch vụ, thương mại tại 15 xã, thị trấn. Khoảng trên 80% sản phẩm hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng Việt Nam, như lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc..., được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, bách hóa trên địa bàn huyện. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt trong tiêu dùng cá nhân và sinh hoạt gia đình. Với các hộ kinh doanh, vận động các hộ nhập hàng hóa thương hiệu Việt đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhờ vậy, hàng Việt Nam đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, từ trung tâm huyện tới những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Cùng với đó, các sản phẩm nông sản do nhân dân trên địa bàn huyện sản xuất, như: xoài, chuối sấy dẻo, tỏi đen... được huyện quan tâm xây dựng thương hiệu, giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, huyện phối hợp với Sở Công Thương tổ chức, tham gia các hội chợ thương mại, giúp các tổ chức, cá nhân thêm cơ hội quảng bá các mặt hàng, mở rộng thị trường.
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái. Chị Vũ Thị Hải, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Châu, cho biết: Tại các chợ đầu mối, cửa hàng, xe vận chuyển hàng hóa vào huyện được kiểm tra, giám sát từ mẫu mã sản phẩm, xuất xứ, hạn sử dụng, tem chống hàng giả đến giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng yêu cầu các cửa hàng kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để hàng Việt thực sự có chỗ đứng trên thị trường
Để hàng Việt thực sự có chỗ đứng trên thị trường, ngày 21/7/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Đề án đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để tập trung phát triển thị trường trong nước, trong tỉnh, đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa; kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, hàng nông sản Sơn La. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hiểu, đánh giá đúng về khả năng sản xuất, chất lượng hàng Việt Nam và các sản phẩm “Tinh hoa hàng Việt Nam”, từ đó ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam trong các hoạt động mua sắm công, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng hàng ngày. Tuyên truyền, định hướng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; sử dụng kỹ thuật, máy móc, thiết bị, nguyên liệu được sản xuất trong nước; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa thế mạnh của tỉnh không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới; Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu gắn kết liên ngành: thương mại - dịch vụ, công nghệ thông tin - thị trường trong nước nhằm quảng bá các sản phẩm hàng hóa của Sơn La đến với người tiêu dùng cả nước. đa dạng hóa các loại hình phân phối, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam, điểm bán hàng nông sản Sơn La bền vững tại các chợ, khu vực tập trung đông dân cư, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và khai thác việc kinh doanh trên môi trường mạng.
Triển khai thực hiện có hiệu Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng; Triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình xúc tiến thương mại tỉnh, hội nghị kết nối cung cầu để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu, quảng bá hàng hóa, tìm kiếm đối tác hợp tác, liên kết phát triển sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp trong tỉnh. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, quy trình đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu…