Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Bài báo nghiên cứu về "Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023" do TS. Nguyễn Phương Thảo (Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Giao dịch từ xa và các vấn đề pháp lý về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh là điểm mới được ghi nhận trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Xuất phát từ bản chất của giao dịch từ xa, các tổ chức, cá nhân kinh doanh có một số trách nhiệm quan trọng cần được nhấn mạnh so với các giao dịch trực tiếp truyền thống. Bài viết nghiên cứu về 2 trách nhiệm chính của chủ thể này: trách nhiệm cung cấp thông tin và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi đóng vai trò là tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Từ khóa: giao dịch từ xa, trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

1. Khái niệm “giao dịch từ xa”

Trước đây, thuật ngữ "giao dịch từ xa" chưa được ghi nhận một cách chính thức trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có đề cập khái niệm này thông qua việc quy định về hợp đồng giao kết từ xa. Khoản 1 Điều 3 Nghị định này ghi nhận hợp đồng giao kết từ xa là hợp đồng được ký kết giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông qua phương tiện điện tử hoặc điện thoại.

Quy định này đề cập vấn đề pháp lý liên quan đến cách thức giao kết hợp đồng, hướng đến loại hợp đồng mà các bên giao kết không bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp thông qua 1 hoặc/ và 2 phương tiện: điện tử và điện thoại. Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự (Điều 3 Luật Kế toán năm 2015). Bằng những công cụ này, người tiêu dùng có thể xác lập giao dịch, giao kết hợp đồng mà không cần gặp gỡ trực tiếp bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Giao dịch thông qua điện thoại giữa bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có thể được thực hiện qua các phương thức: người tiêu dùng có thể liên hệ với bên cung ứng thông qua điện thoại để đặt hàng. Trong quá trình cuộc gọi, người tiêu dùng cung cấp thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ muốn mua. Bên cung ứng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, giá cả, điều khoản và điều kiện, cũng như các phương thức thanh toán và giao hàng. Người tiêu dùng sau đó xác nhận đặt hàng và thực hiện thanh toán thông qua điện thoại. Bên cung ứng cũng có thể sử dụng tin nhắn và cuộc gọi tổng đài để liên lạc với người tiêu dùng. Thông qua tin nhắn, bên cung ứng có thể gửi thông tin về sản phẩm, khuyến mãi hoặc cập nhật giao dịch. Cuộc gọi tổng đài cũng có thể được sử dụng để cung cấp hỗ trợ và giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng. Về bản chất, hợp đồng này mang nội dung như những loại hợp đồng khác giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tuân thủ quy định về quan hệ mua bán, cung ứng dịch vụ cụ thể. Tính chất “từ xa” là sự tham gia (có thể) của chủ thể trung gian nên loại hợp đồng này cần có sự điều chỉnh đặc thù.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, giao dịch từ xa được hiểu là các giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không có cơ hội kiểm tra hoặc tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch. Thay vì gặp mặt và thực hiện giao dịch tại một địa điểm cụ thể, giao dịch từ xa được thực hiện thông qua một hoặc nhiều nền tảng trung gian, chẳng hạn: Trang web thương mại điện tử; Ứng dụng di động; Gọi điện hoặc trò chuyện trực tuyến; Email và tin nhắn.

Trong các giao dịch từ xa, thông tin về sản phẩm, giá cả, điều khoản và điều kiện, phương thức thanh toán và giao hàng thường được cung cấp rõ ràng trước khi người tiêu dùng quyết định mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Người tiêu dùng cần đảm bảo rằng họ hiểu rõ các chi tiết và có được sự đảm bảo về bảo mật và chất lượng từ bên kinh doanh trước khi thực hiện giao dịch từ xa.

Dưới góc độ pháp luật nước ngoài, giao dịch từ xa và phương thức để thực hiện giao dịch từ xa cũng rất đa dạng. Ngày 01 tháng 08 năm 2008, thông qua Sắc lệnh của Tổng thống về An ninh Quốc gia Hoa Kỳ số 54 (NSPD) và Sắc lệnh của Tổng thống về An ninh Nội địa số 23 (HSPD) đã định nghĩa chính thức về không gian mạng - “cyberspace” có nghĩa là “mạng lưới cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau và bao gồm Internet, hệ thống mạng viễn thông, bộ xử lý và bộ điều khiển nhúng trong các ngành công nghiệp quan trọng”[1]. Đó cũng được hiểu là “mạng kết nối các cơ sở hạ tầng thông tin khác nhau. Bao gồm Internet, mạng viễn thông, mạng cảm biến, các hệ thống thông tin máy tính khác nhau và hệ thống công nghiệp khác nhau. Các bộ xử lý và điều khiển chúng khác nhau trong hệ thống cấu thành Internet vạn vật, đồng thời liên quan đến môi trường thông tin ảo và sự tương tác giữa mọi người”[2].

Tóm lại, giao dịch từ xa là giao dịch từ xa trong phạm vi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là giao dịch mà quá trình thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không cần có sự gặp mặt trực tiếp giữa các bên tham gia. Việc giao kết, thực hiện các giao dịch này được hỗ trợ bởi các phương tiện công nghệ như mạng Internet, phương tiện điện tử hay những phương thức khác đóng vai trò cầu nối giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng.

2. Trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa

Xuất phát từ bản chất giao dịch từ xa là những giao dịch không có sự tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ nên vấn đề thông tin về đối tượng sản phẩm, dịch vụ là rất cần thiết, được xem là một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng[3]. Thông tin này càng cụ thể, chính xác, càng bảo đảm các bên hiểu rõ về đối tượng giao dịch, đạt được mục tiêu giao kết, thực hiện (trong trường hợp các bên thiện chí, trung thực). Đồng thời thông tin ban hành dưới góc độ tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp thông tin đầy đủ để khách hàng hiểu rõ nhằm hạn chế những nhầm lẫn, tranh chấp có khả năng phát sinh. Dưới góc độ người tiêu dùng, nhận thông tin liên quan đến giao dịch từ xa là một trong những quyền quan trọng, giúp người tiêu dùng xác định chính xác đối tượng mua bán, khiếu nại, ý kiến khi quyền lợi của mình không được đảm bảo. Điều này đặt ra trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Điều 47 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định khi thực hiện giao dịch từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các nhóm thông tin như: (1) thông tin về chủ thể kinh doanh; (2) thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; (3) chi phí giao hàng và các khoản phi, thuế khác có thể phát sinh trong quá trình cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; (4) các thông tin về phương thức thanh toán, đổi trả sản phẩm; (5) quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

Giao dịch từ xa mặc dù không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng nhưng đây vẫn phải là các chủ thể có thực, tồn tại hợp pháp theo đúng quy định pháp luật. Do đó, khi thực hiện giao dịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp thông tin để định danh như: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc của đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có); số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác đối với tổ chức kinh tế; mã số thuế cá nhân đối với cá nhân.

Loại thông tin rất quan trọng mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bắt buộc phải cung cấp cho người tiêu dùng là những thông tin về sản phẩm, hàng háo, dịch vụ. Đây là đối tượng của giao dịch, người tiêu dùng có quyền được xác định chính xác sản phẩm  dự định mua, một cách cụ thể, chi tiết nhất, bởi họ không có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp sản phẩm trước khi tiến hành giao dịch. Đây là những thông tin thể hiện: đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; chi tiết về công dụng, cách thức sử dụng, bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Một vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm khi tiến hành giao dịch từ xa là chi phí giao hàng. Chi phí này rất linh hoạt, tùy thuộc vào loại, khối lượng hàng hóa, khoảng cách địa lý, hình thức vận chuyển… Giao hàng theo phương thức nào, chi phí bao nhiêu, ai sẽ chịu khoản chi phí này là nội dung cần được thể hiện rõ khi giao kết hợp đồng từ xa. Cùng với đó là các thông tin về phương thức, thời hạn thanh toán; thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Thông tin về các khoản phí, chi phí, thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung áp dụng trong quá trình cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Những thông tin khác cần được cung cấp cho người tiêu dùng có thể kể đến như: Thời gian có hiệu lực của đề nghị thực hiện giao dịch; Quy trình xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết; Quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

Quyền được thông tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử được thể hiện trong Chỉ thị số 97/7/EC của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 20/5/1997 về bảo vệ người tiêu dùng trong các hợp đồng qua mạng internet[4]. Theo đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng giao kết từ xa, trách nhiệm của bên kinh doanh đối với việc cung cấp thông tin “tiền hợp đồng” được ghi nhận chi tiết.

Quyền được cung cấp thông tin là một trong những vấn đề trung tâm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[5]. Ngay cả đối với các giao dịch được thiết lập theo phương thức trực tiếp truyền thống, người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu các thông tin liên quan đến bên cung cấp, thông tin sản phẩm hay các vấn đề khác có liên quan. Đối với giao dịch từ xa, trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh càng quan trọng và mang ý nghĩa tiên quyết, vì nếu không có được thông tin chính xác, các bên khó xác định được mục tiêu và đối tượng của giao dịch. Các nhà bán hàng trên mạng phải tôn trọng nghĩa vụ thông báo cho người tiêu dùng cũng như việc cung cấp thông tin trước hợp đồng cho người tiêu dùng[6].

Tại Pháp, Điều L.221-5 Bộ luật về tiêu dùng đã liệt kê danh sách các thông tin một cách cụ thể mà các chuyên gia phải cung cấp cho người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng trên không gian mạng, bao gồm: các điều kiện, thời hạn và thủ tục thực hiện quyền rút tiền cũng như hình thức rút tiền tiêu chuẩn; nghĩa vụ chịu chi phí trả lại hàng hóa trong các hợp đồng điện tử khi người tiêu dùng lấy lại tiền trong trường hợp hàng hóa không thể được gửi lại qua đường bưu điện do đặc điểm của nó; thông tin về nghĩa vụ thanh toán phí của người tiêu dùng khi họ thực hiện quyền rút khỏi hợp đồng cung cấp dịch vụ mà họ đã yêu cầu bắt đầu thực hiện một cách rõ ràng trước khi kết thúc thời hạn rút tiền; thông tin về việc người tiêu dùng không có quyền rút tiền hoặc, nếu có, các trường hợp người tiêu dùng làm mất nó; thông tin liên lạc cụ thể của các chuyên gia[7]. 

3. Trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian trong giao dịch trên không gian mạng

Một trong những đặc trưng của giao dịch từ xa là sự tham gia của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 xác định tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng gồm tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tự mình thiết lập hệ thống thông tin đòi hỏi tiềm lực về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên, quản lý… Không phải chủ thể kinh doanh nào hiện nay cũng có thể thực hiện việc này. Do vậy, một số giao dịch từ xa có sự tham gia của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, đóng vai trò “cầu nối” giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng. Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian có thể đóng vai trò cung cấp kỹ thuật truyền dẫn, một số khác tạo các nền tảng như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… để người tiêu dùng tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà mình mong muốn. Đây là các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh nên việc cung cấp dịch vụ nền tảng số trung gian không nằm ngoài mục đích thu lợi nhuận. Tại Hoa Kỳ, học thuyết về trách nhiệm gián tiếp (contributory infringement and vicarious liability)[8] cũng xác định trách nhiệm chủ thể phải chịu khi họ có quyền và khả năng kiểm soát hành vi xâm phạm của chủ thể khác, đồng thời cũng có lợi ích tài chính trực tiếp trong các hoạt động đó. Do vậy, những chủ thể này có quyền và trách nhiệm phát sinh từ hoạt động kinh doanh của mình.

Điểm c khoản 3 Điều 26 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP quy định: “Trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Trách nhiệm quan trọng của chủ thể này trong các giao dịch từ xa là việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng. Để xác lập, thực hiện các giao dịch từ xa, người tiêu dùng chắc chắn đã cung cấp ít nhất các thông tin cá nhân như: họ tên, số điện thoại, địa chỉ… Việc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý liên quan đến dữ liệu cá nhân có thể có tác động tích cực đến các trang thương mại điện tử. Do đó, để đáp ứng với sự phát triển của kỹ thuật số, nhà lập pháp Liên minh châu Âu đã thông qua Quy chế (EU) 2016/679 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 27/4/2016 (có hiệu lực vào ngày 25/5/2018)[9] để bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân châu Âu. Theo, Quy chế này thể hiện củng cố quyền của người tiêu dùng bằng cách cho phép họ đòi lại quyền đối với dữ liệu cá nhân của mình. Phạm vi áp dụng của Quy chế rất rộng, áp dụng cho các công ty, cơ quan nhà nước và hiệp hội thuộc mọi quy mô, bất kể hoạt động nào của họ, miễn là họ xử lý dữ liệu cá nhân của công dân châu Âu. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu đã thông qua Chỉ thị (EU) 2016/680 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu ngày 27/4/2016 liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân trong các vấn đề hình sự. Hai văn bản này đã góp phần bảo vệ toàn diện dữ liệu cá nhân. 

Có thể thấy, giao dịch từ xa không thể thiếu vai trò của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Tại Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng đã không còn xa lạ với loại hình này, thậm chí còn trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn so với giao dịch truyền thống. Tuy nhiên, kèm theo những tiện ích là các rủi ro có thể gặp phải khi tiến hành các giao dịch từ xa. Trong đó, việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian rất cần thiết.

4. Kết luận

Trong nền kinh tế mới hiện nay, các giao dịch từ xa đóng vai trò quan trọng và mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giao dịch từ xa cho phép người tiêu dùng mua hàng và sử dụng dịch vụ mà không cần đến cửa hàng vật lý. Việc mua sắm trực tuyến và các giao dịch điện tử giúp tiết kiệm thời gian và công sức của người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp tiếp cận được đến khách hàng ở xa mà trước đây có thể khó khăn. Qua việc có mặt trực tuyến, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường đến khắp nơi trên thế giới, đặc biệt khi kết hợp với các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Tuy nhiên, để giao dịch từ xa thực sự diễn ra lành mạnh và hợp pháp, quy định và quản lý chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là trách nhiệm cung cấp thông tin và trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] National Security Presidential Directive/NSPD-54, Homeland Security Presidential Directive/HSPD-23, January 8, 2008. Nguyên bản: "cyberspace" means the interdependent network of information technology infrastructures, and includes the Internet, telecommunications networks, computer systems, and embedded processors and controllers in critical industries.

[2] ZHOU Yang, XU Qing, LUO Xiang-yang, LIU Fen-lin, ZHANG Long and HU Xiao-fei (2018). Research on Definition and Technological System of Cyberspace Surveying and Mapping[J]. Computer Science, 45(5), 49.

[3] Rajiv Khare and Gargi Rajvanshi (2013). E-commerce and consumer protection: A critical analysis of legal regulations. International Journal on Consumer Law and Practice, 1, 50.

[4] Directive 97/7/EC du Parlement européen et du Conseil du 20 mai 1997 concernant la protection des consommateurs en matière de contrats à distance, JOCE n°L 144 du 4 juin 1997, tr. 19.

[5] C. Hultmark Ramberg (2001). The E-Commerce Directive and Formation of Contract in a Comparative Perspective. European Law Review, 26, 429.

[6] Achats sur internet : les droits des consommateurs. Available at: https://www.economie.gouv.fr/cedef/achats-internet-droits consommateurs#:~:text=Achat%20en%20ligne%20%3A%20paiement%

20s%C3%A9curis%C3%A9,parlement%20europ%C3%A9en%20et%20du%20Conseil.

[7] Huỳnh Thị Nam Hải vả Huỳnh Thị Minh Hải (2022). Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng theo quy định của Liên minh châu Âu và Cộng hòa Pháp. Truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-tren-khong-gian-mang-theo-quy-dinh-cua-lien-minh-chau-au-va-cong-hoa-phap7596.html.

[8] Alfred C. Yen (2000). Internet service provider liability for subscriber copyright infringement, enterprise liability, and the first amendment. Georgetown Law Journal, 88 Geo. L.J. 1833, tr. 89.

[9] Nghị viện châu Âu và Hội đồng (ngày 27/4/2016). Quy chế (EU) 2016/679 về việc bảo vệ cá nhân trong việc xử lý dữ liệu cá nhân, việc di chuyển tự do của dữ liệu cá nhân và bãi bỏ Chỉ thị 95/46 / EC (Quy định chung về bảo vệ dữ liệu). Truy cập tại: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/FR/TXT/PDF/?uri=CELEX:32016R0679#:~:text=Le%20droit%20%C3%A0%20la%20protection,

au%20principe%20de%20proportion%20nalit%C3%A9.

 

Responsibilities of business organizations and individuals in remote transactions

under the 2023 Law on Consumer Rights Protection

Ph.D Nguyen Phuong Thao

Head, Department of Civil Law

Ho Chi Minh City University of Law

Abstract:

Remote transactions and legal issues regarding the responsibilities of business organizations and individuals are new points recognized in the 2023 Law on Consumer Rights Protection. Based on the nature of remote transactions, business organizations and individuals have several important responsibilities that need to be emphasized compared to traditional direct transactions. This paper studied the two main responsibilities of these subjects, including the responsibility to provide information and the responsibilities of business organizations and individuals when acting as an organization establishing and operating an intermediary digital platform.

Keywords: remote transactions, responsibility for providing information, organizing the establishment and operation of intermediary digital platforms.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27 tháng 12 năm 2023]