EPS triển khai đào tạo nhận thức RCM cho các nhà máy nhiệt điện

RCM là quy trình hướng dẫn phương pháp quản lý hiệu suất tài sản thông qua việc xây dựng lịch sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy cho hệ thống, thiết bị.

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 9, Tổng Công ty Phát điện 3 đã phối hợp với Công ty Nhiệt điện Thủ Đức triển khai đào tạo nhận thức RCM cho các nhà máy Nhiệt điện thuộc Tập đoàn. Trong đó, Tổng Công ty Phát điện 3 đã giao cho Công ty Dịch vụ sửa chữa các Nhà máy điện EVNGENCO 3 (EPS) biên soạn toàn bộ nội dung chương trình giảng dạy và thực hiện công tác đào tạo.

EPS
Toàn cảnh khóa đào tạo RCM

Theo kế hoạch, chương trình đào tạo RCM cho các nhà máy nhiệt điện được chia làm 2 đợt, diễn ra tại Hội trường Nhà máy điện Thủ Đức (TP.HCM). Đợt 1 diễn ra từ ngày 8-11/9 cho các đơn vị: Tổng công ty Phát điện 2, Tổng công ty Phát điện 3; các Công ty/Nhà máy nhiệt điện: Hải Phòng, Phả Lại, Cần Thơ, Mông Dương, Ninh Bình, Vĩnh Tân 2, Phú Mỹ, Bà Rịa. Đợt 2 được triển khai từ ngày 22-25/09 cho các Đơn vị: Tổng Công ty Phát điện 1; các Công ty/Nhà máy Nhiệt điện: Uông bí, Quảng Ninh, Duyên Hải, Nghi Sơn, Vĩnh Tân 4, Thái Bình, Thủ Đức, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin.

Đặc biệt, đợt 2 còn có sự tham dự của Ông Đặng Huy Cường – Thành viên Hội đồng thành viên EVN, Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, Lãnh đạo Ban Kỹ thuật – Sản xuất EVN, Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc các Tổng Công ty Phát điện, Giám đốc/Phó Giám đốc các Nhà máy Nhiệt điện, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN và Công ty Viễn thông Điện lực vả Công nghệ thông tin (EVNICT).

Tại khóa đào tạo, Công ty EPS đã phối hợp với các chuyên gia của Công ty ADA (Asset Dynamics Asiadis) - Đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn RCM uy tín trên thế giới) trình bày tổng quan về RCM, các quan niệm về sửa chữa bảo dưỡng, tầm quan trọng cũng như lợi ích khi triển khai RCM, đưa ra các giải pháp kỹ thuật, cách thức triển khai thực hiện dựa trên tình trạng vận hành, độ tin cậy và khả dụng theo điều kiện thực tế của từng Nhà máy.

Chuyên gia ADA
Chuyên gia ADA trình bày các nội dung về RCM

Đồng thời Công ty EPS cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai thành công giải pháp bảo dưỡng sửa chữa theo độ tin cậy tổ máy tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Đây cũng là phương pháp quản trị công tác sửa chữa, bảo dưỡng bảo dưỡng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được áp dụng cho nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam và mang lại một số hiệu quả nhất định.

Từ khảo sát, đánh giá và phân tích hiện trạng vận hành thực tế đối với hệ thống lò hơi, máy nghiền, đội ngũ RCM của Công ty EPS và Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã đưa ra một số khuyến cáo về việc cập nhật, bổ sung, thay đổi phương pháp quản lý vận hành sửa chữa và nâng cấp cải tiến đối với quy trình vận hành, sửa chữa một số thiết bị thuộc hệ thống này nhằm nâng cao độ tin cậy và tính ổn định cho các tổ máy, đảm bảo tính thân thiện với môi trường.

Ngoài những kiến thức lý thuyết liên quan, học viên tham gia chương trình đào tạo còn được thực hành áp dụng các triết lý, các phương pháp luận theo RCM qua các bài tập trắc nghiệm. Ngoài ra, cuối mỗi đợt đào tạo, các học viên sẽ làm bài thu hoạch bắt buộc, để nhìn lại các kiến thức đã học, đồng thời đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo thông qua việc xây dựng nhận thức về công tác sửa chữa bảo dưỡng theo RCM.

bài thu hoạch
Các học viên tham gia bài thu hoạch vào cuối khóa học

Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, EVN có đủ tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ nguồn nhân lực... để triển khai RCM. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, rất cần Lãnh đạo, CBCNV các nhà máy nhiệt điện cần phải thay đổi tư duy, triết lý làm việc, mạnh dạn đổi mới các quy trình nghiệp vụ cũ, lạc hậu. Thông qua khóa đào tạo này, không chỉ giúp các học viên làm quen với RCM mà còn giúp các học viên hiểu sâu thêm bản chất của các vấn đề khi áp dụng RCM vào công tác sửa chữa bảo dưỡng.

Ông Ngô Sơn Hải
Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn phát biểu tại khóa đào tạo

Tuy nhiên đào tạo RCM là một chương trình dài hạn. Do đó, để triển khai hiệu quả công tác này, Ông Ngô Sơn Hải cũng mong muốn, sau khóa học này, các tổng công ty/công ty/nhà máy cũng cần chủ động tổ chức đào tạo phù hợp với từng đơn vị, để triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn công tác RCM trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình học tập, trao đổi kinh nghiệm với những đơn vị trong và ngoài nước đã triển khai hiệu quả RCM. Ông Trương Văn Phương – Phó Giám đốc Công ty EPS cho biết: "RCM mang lại nhiều lợi ích như: Đảm bảo cho hệ thống thiết bị nhà máy điện vận hanh an toàn và thân thiện với môi trường; cải thiện năng suất; tối ưu hóa chi phí công tác sửa chữa bảo dưỡng, kéo dài tuổi thọ của thiết bị,… Đặc biệt, RCM cũng góp phần nâng cao động lực của từng cá nhân; hiệu quả hoạt động nhóm; giúp lãnh đạo đơn vị có sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về yêu cầu nguồn lực".

Dự kiến trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn và GENCO 3, Công ty EPS tiếp tục triển khai và phát huy hơn nữa công tác bảo dưỡng, sửa chữa theo định hướng RCM cho nhà máy nhiệt điện than, đồng thời tiếp tục nghiên cứu triển khai mở rộng RCM cho các nhà máy nhiệt điện khí, và hỗ trợ chia sẻ đào tạo nhân thức về RCM cho các Đơn vị thuộc Tập đoàn theo điều kiện thực tế của từng nhà máy, Ông Trương Văn Phương cho biết thêm.

Chụp hình lưu niệm
Các học viên chụp hình lưu niệm tại khóa học

RCM (Reliability Centerd Maintenance) là quy trình hướng dẫn phương pháp quản lý hiệu suất tài sản thông qua việc xây dựng lịch sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy cho hệ thống, thiết bị. Đây là phương pháp quản trị tiên tiến, được áp dụng trên thế giới từ năm 1978 cho đến nay, và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai áp dụng cho nhà máy nhiệt điện từ năm 2017.

Tuấn Thành