Sự kiện này nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hoạt động khích lệ, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển những công trình nghiên cứu khoa học thành sản phẩm thương mại hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hội nghị có sự tham dự của TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia; đại diện Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); PGS.TS Vũ Đình Ngọ - Chủ tịch Hội đồng trường EPU, PGS. TS Nguyễn Lê Cường- Phó Hiệu trưởng EPU, cùng đại diện lãnh đạo một số cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương: Đại học Sao Đỏ, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Việt - Hung... các chuyên gia, cùng hơn 80 doanh nghiệp và cán bộ, giảng viên, sinh viên của EPU.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Vũ Đình Ngọ - Chủ tịch Hội đồng EPU cho biết: Trường vinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ giao là tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Hoạt động này đã và đang góp phần đẩy mạnh sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hoạt động khích lệ, ươm tạo, khởi nghiệp, phát triển những công trình nghiên cứu khoa học thành sản phẩm thương mại hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Từ đó cho thấy sự chủ động kết nối nền tảng trực tuyến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của EPU với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, góp phần cung cấp, kết nối nguồn lực của hệ sinh thái; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo PGS.TS Vũ Đình Ngọ, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, do đó sự kiện là cơ hội để các bên cùng nhau trao đổi, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ nhiều phía; từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
EPU luôn xác định rõ hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Gắn kết đào tạo giữa Nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu khách quan, là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực hiện định hướng mang tính thực tiễn của các chương trình đào tạo tại trường EPU và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với phương châm: “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần mà không phải đào tạo cái Nhà trường có”, những năm qua, hoạt động hợp tác giữa EPU và doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng được Nhà trường quan tâm và đẩy mạnh. Hoạt động hợp tác doanh nghiệp được triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.
Trong phần đầu của sự kiện là Hội nghị "Kết nối giải pháp thách thức phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết: Sau quá trình xây dựng, đã có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hỗ trợ hệ sinh thái. Đặc biệt, tới nay Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã có sự tham gia của hầu hết trường đại học; trên 100 trường đại học đưa đổi mới sáng tạo vào hoạt động của nhà trường.
“Khi xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chủ thể chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp, chính là những tài năng trong trường đại học. Trường đại học đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát huy nguồn lực. Như EPU đã đào tạo ra đội ngũ chuyên gia, giảng viên đủ năng lực - nguồn lực để hỗ trợ cho hệ sinh thái, đó là hoạt động rất lớn từ phía trường đại học. Hội nghị hôm nay là hoạt động văn hóa khởi nghiệp rất lớn, không những xây dựng hệ sinh thái của chúng ta mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.” - TS Đàm Quang Thắng nhấn mạnh.
Về phía nhà trường, TS Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng EPU chia sẻ: Thực hiện Đề án 844, EPU cũng đã tham gia khá nhiều diễn đàn và có nhiều cơ hội chia sẻ mong muốn của nhà trường trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp đã được lan tỏa mạnh mẽ từ Ban lãnh đạo, các thầy cô và học sinh trong nhà trường, đặc biệt là với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Đề án 844 khi tin tưởng giao nhiệm vụ cho nhà trường.
Theo TS Nguyễn Lê Cường, nhà trường cũng đã có bước tiến vượt bậc khi thành lập được mạng lưới các doanh nghiệp đồng hành trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, đây là thành phần quan trọng để xây dựng hệ sinh thái. Nguồn sống, nguồn lực của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chính là các ý tưởng sáng tạo, mà đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính của trường đại học: Nghiên cứu, sáng tạo ra những cái mới. Từ đó tạo ra sợi dây kết nối giữa trường đại học với mạng lưới doanh nghiệp và các nhà quản lý để cùng nhau phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Trong phiên tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp”, các doanh nghiệp đã chia sẻ rõ các vấn đề liên quan đến việc làm cho sinh viên ngay từ khi năm 2 nhằm tạo môi trường thực chiến.
Từ đó xác định những cơ hội và phương thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, như các chương trình thực tập, nghiên cứu ứng dụng, hoặc hợp tác phát triển chương trình đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.