EU dùng "vòng kim cô" thiết lập lại trách nhiệm của các "gã khổng lồ" công nghệ

Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU vừa bắt đầu có hiệu lực đặt các "gã khổng lồ" công nghệ vào tầm ngắm giám sát pháp lý chưa từng có tiền lệ.

Theo Reuters, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/8, sẽ áp đặt quy tắc mới về kiểm duyệt nội dung, quyền riêng tư người dùng, tính minh bạch và buộc các hãng công nghệ chịu trách nhiệm pháp lý với những nội dung xấu, độc trên nền tảng của mình.

Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU vừa bắt đầu có hiệu lực

Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/8. Ảnh: Justin Tallis/AFP 

DSA nhằm mục đích thúc đẩy các công ty công nghệ lớn giám sát nội dung trực tuyến chặt chẽ hơn và mở ra cho họ cơ hội cạnh tranh nhiều hơn.

Hiện DSA chỉ áp dụng cho 19 nền tảng trực tuyến lớn nhất, những nền tảng có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên tại EU.

Tuy nhiên, DSA sẽ có hiệu lực với tất cả các nền tảng khác kể từ tháng 2/2024, với mục tiêu là bảo vệ người dùng trong môi trường Internet và ngăn chặn việc lan truyền nội dung xấu, độc.

DSA nhằm mục đích thúc đẩy các công ty công nghệ lớn giám sát nội dung trực tuyến chặt chẽ hơn
DSA nhằm mục đích thúc đẩy các công ty công nghệ lớn giám sát nội dung trực tuyến chặt chẽ hơn.

Những "gã khổng lồ" công nghệ bao gồm Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram), TikTok, Google, Amazon... đang tìm cách thích nghi với quy định mới của EU, chẳng hạn như việc cho phép người dùng có thể gắn cờ nội dung bất hợp pháp...

Các công ty công nghệ lớn sẽ phải đối mặt với những khoản phạt khổng lồ, lên tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn cầu nếu không tuân thủ quy định và thậm chí là bị cấm hoạt động nếu tái phạm nhiều lần.

DSA được cho là "liều thuốc" thanh lọc nội dung trực tuyến cực mạnh, bước đi quyết liệt của EU trong việc siết chặt quản lý các công ty công nghệ, với những tác động có quy mô toàn cầu.