Giai đoạn 2010-2021: Tiết kiệm 37,1 tỷ kWh
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giai đoạn 2010 – 2021, cả nước tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện, tương ứng với 66.781 tỷ đồng tiền điện và tương ứng 2% điện thương phẩm. Đáng ghi nhận, kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước.
Hệ số đàn hồi (tăng trưởng GDP/tăng trưởng điện) đã giảm từ 2 lần (năm 2010) xuống còn 1,49 lần (năm 2021), cho thấy sử dụng điện có xu thế tiết kiệm và hiệu quả hơn qua các năm.
Có thể nói, trong giai đoạn 2010 – 2021, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) và các văn bản hướng dẫn dưới luật đã thể chế hoá các quy định về SDNLTK&HQ; đồng thời góp phần gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động SDNLTK&HQ. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, tạo hành lang pháp lý để thực thi các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Cùng với đó, các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng đã đi vào cuộc sống. Người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng hiệu quả hơn.
Riêng EVN, tập đoàn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm các quy định của Luật SDNLTK&HQ; bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, EVN cũng chủ động ban hành các chỉ đạo điều hành kịp thời, tổ chức triển khai tại các tổng công ty điện lực/công ty điện lực các hoạt động tiết kiệm điện, mang lại hiệu quả cao.
Trong giai đoạn 2010-2021, EVN đã triển khai sâu rộng nhiều chương trình tiết kiệm điện như: Tuyên truyền tiết kiệm điện; Quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang compact bằng đèn tiết kiệm điện; hỗ trợ quảng bá lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện); Giờ trái đất; Gia đình tiết kiệm điện…
Song song với hoạt động tuyên truyền, EVN đã triển khai các chương trình thí điểm như: Mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ hộ nông dân tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang thay đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang compact cho cây thanh long ra hoa trái vụ; thí điểm tiết kiệm năng lượng bằng mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO). Tập đoàn cũng đã thiết kế mẫu Hóa đơn tiền điện mới để khách hàng thực hiện việc tiết kiệm điện thông qua việc so sánh với mức bình quân sử dụng điện trong khu vực mình sinh sống; lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở đơn vị trực thuộc EVN…
EVN tiếp tục đóng vai trò tiên phong
Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tiết kiệm điện trong giai đoạn vừa qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, điển hình là các nhà máy xi măng, nhà máy thép…; nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về SDNLTK&HQ vẫn còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng; nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động tiết kiệm điện còn rất hạn chế, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp chưa có tính khuyến khích cao.
Bên cạnh đó, khả năng thu xếp vốn của các ngân hàng trong nước còn hạn chế, còn lo lắng về rủi ro khi cho vay các dự án hiệu quả năng lượng; giá điện ở Việt Nam còn thấp so với thế giới và khu vực, dẫn tới khách hàng chưa quan tâm đúng mức việc tiết kiệm điện…
Giai đoạn 2022-2025, EVN xác định, tập đoàn tiếp tục là đơn vị đi đầu trong các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xã hội; đóng vai trò là tập đoàn tiên phong, chủ động định hướng đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm điện đến khách hàng và cộng đồng.
EVN sẽ tiếp tục thực hiện Luật SDNLTK&HQ nói chung và sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng, các chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ, Chương trình quốc gia về DSM, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Dự thảo chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2022-2025 đặt ra mục tiêu: giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6%; điện tử hóa các tài liệu tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trên phạm vi cả nước, thường xuyên, liên tục, trên các kênh truyền thông truyền thống và mạng xã hội; giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình DSM và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ, quyết các giải pháp; đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương; trong đó các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ ≥ 1 triệu kWh/năm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm.
Bộ Công Thương cần sớm rà soát kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng NLTK&HQ (năm 2010) theo hướng chuyển từ cơ chế “tự nguyện” sang "bắt buộc"; bổ sung hoạt động mô hình kinh doanh ESCO; quy định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý năng lượng…
Song song đó, cần có các cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO; cơ chế tài chính để hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm và thiết bị có hiệu suất cao; cơ chế tài chính cho EVN thực hiện các nội dung, chương trình về thúc đẩy thực hiện tiết kiệm điện và tuyên truyền tiết kiệm điện; cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).
Nghiên cứu ban hành cơ chế khuyến kích phát triển các nguồn năng lượng phân tán, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, ưu tiên tự dùng để phát huy tiềm năng thiên nhiên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường...