FAO: Dự báo tổng lượng gạo giao dịch trên toàn cầu trong năm 2015 sẽ tăng nhẹ

Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2015 sẽ đạt 40 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức ước tính 39,7 triệu tấn trong năm 2014

Theo FAO, trong năm 2015, dự kiến nhiều quốc gia sẽ sử dụng lượng gạo dự trữ quốc gia để bù đắp cho việc sản lượng suy giảm, trong số đó có các quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu gạo. Điều này giúp tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu sẽ tăng lên.

Về mặt nhập khẩu, FAO ước tính lượng gạo được các quốc gia Châu Phi nhập khẩu sẽ tăng 3% trong năm 2015 và chiếm phần lớn trong tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu. FAO dự báo, tổng lượng gạo được các quốc gia Châu Phi nhập khẩu trong năm 2015 sẽ đạt 14,4 triệu tấn tương đương 36% tổng lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu. Dự báo các quốc gia gồm: Nigeria, Bờ Biển Ngà, Senegal, Nam Phi, Bênin, Cameroon, Kênya, Mozambique và Guinea-Bissau sẽ gia tăng nhập khẩu gạo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước tăng lên và sự sụt giảm sản lượng.

FAO dự báo lượng gạo nhập khẩu của các quốc gia Châu Á bao gồm: Bangladesh, Indonesia, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines sẽ giảm xuống còn 18,5 triệu tấn trong năm 2015, giảm 1% so với mức ước tính 20,35 triệu tấn trong năm 2014. Ngược lại, FAO dự báo lượng gạo được Trung Quốc nhập khẩu sẽ tăng lên đáng kể do giá gạo nội địa nước này đang tiếp tục tăng cao.

FAO dự báo nhiều quốc gia sẽ gia tăng nhập khẩu gạo trong năm 2015 do sản lượng nội địa sụt giảm và nhu cầu sử dụng gạo tăng lên

Về phía các quốc gia xuất khẩu, FAO dự báo lượng gạo xuất khẩu các các quốc gia Châu Á, trừ Ấn Độ sẽ đều tăng lên trong năm 2015. Trong đó, Thái Lan được dự báo sẽ lấy lại vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2014 và cả năm 2015. Bên cạnh đó, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Pakistan được dự báo sẽ tăng lên đáng kể.

FAO dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2014/2015 sẽ đạt 496,4 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức ước tính 498,4 triệu tấn trong niên vụ 2013/2014, và giảm 1% so với mức 500,4 triệu tấn theo dự báo của FAO trong tháng 9/2014. Nguyên do sản lượng gạo tại các quốc gia Châu Á bao gồm: Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Sri Lanka giảm xuống.

Trong khi đó, sản lượng gạo của Việt Nam được dự báo tăng lên đáng kể, sản lượng gạo của Bangladesh và Trung Quốc được dự báo tăng nhẹ.

Tổng lượng gạo dự trữ trên toàn cầu trong năm 2015 được FAO dự báo đạt 177,7 triệu tấn, giảm 2% so với mức 181,3 triệu tấn trong năm 2014 do dự kiến nhiều quốc gia sẽ sử dụng gạo dự trữ để bù đắp cho việc sản lượng giảm. Dự trữ gạo tại các quốc gia: Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan được dự báo giảm. Ngược lại, dự trữ gạo tại Việt Nam, Campuchia được FAO dự báo sẽ tăng lên.