Theo Nhóm nông nghiệp (MUTRAP - EU), các mặt hàng nông sản lớn của Việt Nam xuất sang EU như cà phê, hạt điều, tôm, cá tra còn tiềm năng xuất khẩu, nhưng do năng suất và tổng sản lượng hiện nay ở mức khá cao và có thể tăng nữa nhưng không nhiều.
Chính vì vậy, theo khuyến cáo của nhóm, Việt Nam cần tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Có nghĩa tăng giá trị thay vì tăng khối lượng và thâm nhập tốt hơn vào các thị trường lớn, khó tính, giá trị cao trong khu vực EU.
Việc thuế suất giảm nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa với sẽ dễ dàng trong tăng trưởng xuất khẩu, bởi các biện pháp phi thuế (NTM) có ý nghĩa quan trọng trong khu vực nông nghiệp. NTM bao gồm các yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch (SPS), đóng gói, bao gì, khả năng truy soát nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt.
Tiêu chuẩn do EU áp đặt được coi là nằm trong số các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất (với chi phí cao nhất). Các quy tắc khắt khe về môi trường và phúc lợi động vật cũng là thách thức đối với các nước đang phát triển.
Để tiếp cận thị trường EU, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải xử lý các yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn, như tiêu chuẩn của EU về đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế hóa chất và các quy định về các chất nguy hiểm trong sản phẩm và các yêu cầu về bao bì.
Với việc phân tích 6 ngành (gồm dệt may, da giày, ô tô, công nghệ cao, hàng thủ công và sản phẩm gỗ qua xử lý), theo EU-MUTRAP, nhìn chung tất cả các ngành đều ghi nhận mức độ tăng trưởng cao và đều là các ngành có khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, 3 ngành đặc biệt hướng ngoại là dệt may, da giày và hàng thủ công.
Tuy vậy, ngành nào cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn, ngành thủ công mỹ nghệ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực trong nước (mây, tre, gỗ, gốm). Mặc dù vậy, gần đây Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu tre từ Trung Quốc và một khối lượng lớn mây từ Lào, Campuchia.
Theo đó, các nhà sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong nước phải đối mặt với những hạn chế từ giá vật liệu, năng lượng, vận chuyển cao, cho đến các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Ngành này đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Hay như FTA với EU có thể giảm thuế đối với sản phẩm da giày từ 12,4%. Mức độ ưu đãi hơn so với các nhà xuất khẩu khác vào EU sẽ khiến Việt Nam được hưởng lợi một cách đáng kể. Tuy nhiên, EU đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá trong quá khứ và các biện pháp này có khả năng được áp dụng lại.
Da giày của Việt Nam vẫn là một ngành đầy hứa hẹn với lực lượng lao động trẻ, có tay nghề, môi trường đầu tư tốt, chính trị ổn định. Mặc dù vậy, ngành này vẫn phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các nước có ngành da giày phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và dự kiến từ các thị trường đang nổi lên như Myanmar.
Với ngành dệt may, bên cạnh những thách thức từ việc chủ yếu phải nhập nguyên liệu thô khiến giá trị gia tăng thấp, sự cạnh tranh của các nước khác… ngành này còn phải đương đầu với các thách thức liên quan tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, thuế nhập khẩu cao và đe dọa sử dụng các biện pháp kiện chống bán phá giá là các vấn đề chờ đón Việt Nam ở thị trường EU.