Gạo xuất khẩu Việt Nam khởi sắc

Sau nhiều năm bị lép vế trước đối thủ Thái Lan, gạo xuất khẩu Việt Nam đã khởi sắc, đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng năm 2018 đạt trung bình 475 USSD/tấn, cao hơn cả giá gạo Thái Lan.

Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm đã thực sự khởi sắc sau một thời gian dài trầm lắng. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 419 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam còn cao hơn giá gạo của đối thủ Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn, năm 2017 là 450 USD/tấn thì sang đến những tháng đầu năm 2018, giá gạo Việt xuất khẩu đã bật tăng lên 475 USD/tấn. Đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây, và cao hơn cả giá gạo Thái Lan sau nhiều năm được đánh giá là lép vế về giá và chất lượng


Trong 2 năm trở lại đây, thị trường gạo xuất khẩu đã có sự tham gia nhiều hơn của khối doanh nghiệp tư nhân nên chất lượng gạo đã được cải thiện rõ rệt.

Dù chưa thể sánh với Thái Lan trong khâu xây dựng thương hiệu và chế biến, nhưng các doanh nghiệp đã bước đầu quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong đẩy mạnh chế biến gạo, dù vậy tỷ lệ vẫn còn ở mức thấp.

Gạo Việt xuất khẩu được giá cao là do chất lượng gạo đã tăng lên. Như trước đây chúng ta thường xuất khẩu gạo thường IR 50404, giờ chủ yếu xuất gạo nếp thơm, ngon. Cụ thể, trong năm 2017, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm 81% trong cơ cấu xuất khẩu.

Đương nhiên, vấn đề quan hệ cung cầu cũng ảnh hưởng tới giá gạo tăng hay giảm. Thái Lan mấy năm trước có khoảng mười mấy triệu tấn gạo tồn kho, giờ còn 3-4 triệu tấn. Nguồn cung ít thì giá sẽ tăng.

Để tiếp tục nâng cao giá trị lĩnh vực này, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì sản xuất và chế biến gạo với các giống lúa chất lượng cao. Qua theo dõi số lượng hợp đồng đã ký từ các doanh nghiệp, trong năm nay, Việt Nam dự báo sẽ xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo.


Vietnamnet