Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan ghi nhận trong 2 tháng từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt bò có xuất xứ từ Mỹ với khối lượng 1.349 tấn, trị giá 8,88 triệu USD; và từ Australia với khối lượng 948 tương đương 6,62 triệu USD.
Trước đó trong năm 2017, cơ quan Hải quan đã ghi nhận Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò từ hai quốc gia này lần lượt là 9.371 tấn trị giá 56,22 triệu USD và 4.301 tấn trị giá 31,49 triệu USD. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm nhập khẩu thịt bò từ Mỹ đã gần bằng 1/7 so với năm ngoái, và thịt bò từ Australia là gần 1/5 so với năm 2017.
2 tháng đầu năm lượng thịt bò nhập khẩu từ Mỹ và Australia đã lên tới 2.297 tấn, đạt gần 15 triệu USDCơ quan này cũng cho biết, trong năm ngoái, Việt Nam đã chi tới 415,68 triệu USD tương đương hơn 9.460,3 tỷ VNĐ (tính theo tỷ giá hiện tại) nhập khẩu thịt các loại.
Trong đó, nhập khẩu thịt heo trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt 6.000 tấn, tương đương 10,15 triệu USD; thịt gà nhập khẩu đạt 74.638 tấn và có giá trị trên 69,4 triệu USD; nhập khẩu 240.461 con trâu, bò sống với giá trị trên 269,9 triệu USD; còn các loại thịt khác đạt trên 41.460 tấn với giá trị gần 145,78 triệu USD.
Với tốc độ nhập khẩu này, trong năm nay Việt Nam có thể chi nhiều hơn cho thịt nhập khẩu trong khi nguồn cung thịt nội địa vẫn rất tốt.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong tháng 1, ước tính đàn bò tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017, đàn trâu cả nước giảm khoảng 0,1%. Nguyên nhân là nhờ sự hỗ trợ từ nhiều dự án nên tình hình chăn nuôi bò trên cả nước đạt hiệu quả kinh tế khá cao do đó đã khuyến khích người dân duy trì và phát triển đàn bò.
Đối với chăn nuôi gia cầm, thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả nên quy mô đàn gia cầm tiếp tục phát triển, mở rộng với quy mô lớn theo hình thức gia trại, trang trại. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 1 tăng khoảng 6,8% so với cùng kỳ năm 2017.